Cơn bão số 10 (Pabuk) xuất hiện vào cuối năm, có bất thường?

Cơn bão số 10 (Pabuk) xuất hiện vào cuối năm, có bất thường?
15 giờ trướcBài gốc
Chủ động phòng chống bão
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10;di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 5-10km/h.
Dự báo diễn biến bão (trong 24 đến 48 giờ tới)
Dự báo tác động của bão: Vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4,0-6,0m; biển động mạnh. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-6,0m; biển động mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Dự báo hướng đi bão số 10. Nguồn: TTKTTVQG.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện đề nghị các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; căn cứ tình hình cụ thể, quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận dự kiến là nơi bão số 10 ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa lớn. Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Thuận, cho biết, địa phương đang theo dõi chặt chẽ cơn bão. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến cảng, khu neo đậu, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Cơn bão số 10 xuất hiện vào cuối năm, có bất thường?
Theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ: Diễn biến bão thông thường đến khoảng tháng 11 sẽ kết thúc. Theo quy luật, bão sẽ xuất hiện ở các tỉnh Bắc Bộ, dần xuống Trung Bộ, đến cuối năm tới vùng biển phía Nam và ảnh hưởng các tỉnh Nam Bộ.
Quy luật hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới như vậy là vì có tới trên 90% các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, dải này hình thành chủ yếu do gió Tín phong Đông Bắc (gió mùa Đông Bắc) gặp gió Tín phong Tây Nam (gió mùa Tây Nam), những tháng 6 và 7..., gió Tây Nam hoạt động mạnh và phát triển lên vĩ độ cao. Đến thời kỳ những tháng cuối năm, gió Tây Nam giảm dần cường độ, nên lùi dần về phía vĩ độ thấp (nơi tâm khởi phát gió tây nam), gió Đông Bắc mạnh dần.
Bên cạnh đó, cũng có những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hình thành và phát triển ngay trên Biển Đông, không hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới hoặc dải thấp xích đạo, vị trí khởi phát vùng xoáy hoặc vùng nhiễu động, cũng phần nào do diễn biến về nhiệt độ bề mặt nước biển. Khi những tháng mùa hè, khu vực vùng biển phía Bắc có nhiệt độ bề mặt cao, độ ẩm không khí cao sẽ có điều kiện thuận lợi hình thành bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Ông Lê Đình Quyết nói thêm, vẫn có những năm bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện vào những tháng cuối năm. Chẳng hạn, cơn bão Durian (số 9) đầu tháng 12/2006, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp.HCM đến Bến Tre; đến năm 2017, cơn bão TemBin hình thành, phát triển và có cường độ mạnh nhất vào ngày 24 và 25 tháng 12, tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền các tỉnh Nam Bộ, nhưng cũng gây gió mạnh, sóng cao trên biển; năm 2018, cơn bão USAGI cũng xuất hiện khá muộn, cuối tháng 11, gây mưa đặc biệt to cho Tp.HCM.
Như vậy, cơn bão số 10 xuất hiện vào cuối tháng 12 năm nay cũng hợp với quy luật, hoạt động của hoàn lưu khí quyển, không có gì bất thường.
Trúc Chi (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/con-bao-so-10-pabuk-xuat-hien-vao-cuoi-nam-co-bat-thuong-204241224101903332.htm