Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may khi chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu trong năm 2024. Ảnh: T.L
Về mức thuế cơ bản, theo Công ty Chứng khoán SSI, mức 10% sẽ không tác động quá tiêu cực do đây là mức thuế chung đối với tất cả quốc gia. Tuy nhiên, với thuế đối ứng, nếu được thực hiện có thể sẽ làm gián đoạn thương mại toàn cầu vì chuỗi cung ứng và nhu cầu không thể điều chỉnh nhanh chóng trong ngắn hạn. Theo đánh giá, thuế đối ứng không chỉ giúp cân bằng cán cân thương mại hay để tăng thu ngân sách, mà còn là công cụ để giải quyết các mối quan tâm khác từ phía Mỹ. Có thể nói thuế đối ứng đóng vai trò như một mức trần cho điểm khởi đầu của các cuộc đàm phán. Các biện pháp như mua thêm hàng hóa Mỹ, tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu, cho phép nhiều doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Việt Nam, hoặc mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, hay ban hành nghị định về “kiểm soát thương mại chiến lược” để giải quyết các mối quan tâm về sở hữu trí tuệ của Mỹ... là những động thái cần được đẩy mạnh. Hiện mức thuế 46% chưa chắc chắn sẽ là con số cần đưa vào thực hiện vì còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán của Việt Nam với Mỹ trong thời gian tới, tuy vậy có thể đánh giá nhanh ảnh hưởng của chính sách thuế quan mới của Mỹ đến một số nhóm ngành trong nước.
Đợt sụt giảm mạnh vừa qua của VN-Index được đánh giá là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Hiện định giá của TTCK Việt Nam (chỉ số P/E quanh 12 lần) được đánh giá là thấp hơn so với mức trung bình lịch sử
(quanh 15 lần).
Với các ngành xuất khẩu, tác động sẽ là trực tiếp và tương đối tiêu cực. Cụ thể như dệt may, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành khi chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu dệt may trong năm 2024, gấp 4-5 lần so với các thị trường chính khác gồm Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Trung Quốc. Do vậy, sẽ không dễ để ngành dệt may chuyển dịch sang các thị trường khác (ngoài Mỹ) trong ngắn hạn.
Về ngành thủy sản, Mỹ chiếm khoảng 18% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024, thấp hơn thị trường Trung Quốc (19%) nhưng cao hơn Nhật Bản (15%), EU (10%) và Hàn Quốc (8%). Ngành thủy sản có thể sẽ đối mặt với những thách thức nếu bị áp thuế vào Mỹ cao hơn một số đối thủ cạnh tranh khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia...
Về ngành gỗ và các sản phẩm gỗ (bao gồm ghế gỗ, nội thất phòng ngủ và nội thất nhà bếp), xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng rất lớn, lên tới 55,4% tổng kim ngạch trong năm 2024. Do đó đây cũng là ngành bị tác động rất mạnh nếu mức thuế quan được giữ nguyên.
Về ngành bất động sản khu công nghiệp, mức thuế đối ứng 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam (nếu được áp dụng) sẽ cao hơn so với các quốc gia thu hút FDI khác trong khu vực châu Á, bao gồm Indonesia (32%), Ấn Độ (26%), và Philippines (17%), do vậy có thể tác động đến xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhu cầu đất công nghiệp tại Việt Nam sẽ bị tác động trực tiếp.
Mở rộng hơn, một số nhóm ngành sẽ chịu tác động gián tiếp hơn là tiêu dùng, công nghệ, xây dựng và vật liệu xây dựng. Với ngành tiêu dùng, sự suy giảm tại các ngành xuất khẩu thâm dụng nhiều lao động như dệt may, thủy sản có thể sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, đặc biệt đối với các sản phẩm không thiết yếu (điện thoại di động và điện tử tiêu dùng, ô tô, trang sức). Với ngành công nghệ, bất ổn vĩ mô có thể khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong chi tiêu công nghệ thông tin ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ - vốn là tình trạng đã kéo dài trong vài năm qua. Với ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, tác động sẽ theo cả hai chiều khi Chính phủ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để hỗ trợ thị trường nội địa, đặc biệt là thông qua đầu tư công; nhưng ngược lại, nhu cầu xây dựng dân dụng có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp nếu thu nhập người dân và lợi nhuận các ngành khác sụt giảm do tác động của thuế quan.
Trên thực tế, những tác động tiêu cực từ vấn đề thuế quan là khó tránh khỏi, song nhìn về dài hạn, việc có cơ hội tiến tới một hiệp định thương mại tự do, làm cơ sở cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, sẽ là một bước tiến lớn của Việt Nam trong câu chuyện trở thành quốc gia kết nối. Đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, cũng như tập trung hơn vào thị trường nội địa với các động lực tăng trưởng từ bên trong để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, đợt sụt giảm mạnh vừa qua của VN-Index được đánh giá là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Hiện định giá của TTCK Việt Nam (chỉ số P/E quanh 12 lần) được đánh giá là thấp hơn so với mức trung bình lịch sử (quanh 15 lần). Trong khi đó, câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn được đánh giá là mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng TTCK và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân. Về mục tiêu nâng hạng, các cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực đạt mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm các thị trường mới nổi. Kế hoạch triển khai hệ thống giao dịch KRX vào ngày 5-5 sắp tới sẽ cải thiện năng lực thực thi và cung cấp các sản phẩm mới. Việc sửa đổi Luật Chứng khoán gần đây đã tạo tiền đề pháp lý cho mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, sửa đổi Nghị định 155/2020 nhằm đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài và rút ngắn thời gian giữa IPO và niêm yết cũng là những chuyển biến tích cực trong quá trình nâng hạng. Vì những lẽ đó, TTCK Việt Nam vẫn đang có những sức hút nhất định đối với các dòng vốn dài hạn.
Bình An