Con cái sợ tốn kém không dám về quê, vợ chồng tôi mang Tết quê ra phố

Con cái sợ tốn kém không dám về quê, vợ chồng tôi mang Tết quê ra phố
17 giờ trướcBài gốc
Vợ chồng tôi năm nay ngoài 60 tuổi, trước đây đều là viên chức, tuy không khá giả nhưng có lương hưu nên cũng đỡ vất vả hơn nhiều so với các gia đình làm nông khác trong làng.
Tôi có 3 cậu con trai, cậu cả học giỏi nhất nên lên thành phố học đại học rồi ở lại lập nghiệp. Vợ chồng con trai thứ và con trai út đều nhanh nhẹn, chịu khó làm ăn buôn bán nên tuy ở quê nhưng cuộc sống khá ổn định, đều mua được ô tô, rồi xây nhà riêng.
Không ngờ con trai cả trước đây giỏi giang là thế, chịu thương, chịu khó nhất nhà nhưng công việc lại không được thuận lợi như các em. Hai vợ chồng làm văn phòng ở thành phố, so với mặt bằng chung thì lương không quá thấp nhưng chi phí sống ở thành phố tốn kém, lại thêm tiền thuê nhà, hai đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học nên sau bao năm chỉ dành dụm được ít tiền.
Chán nản với cảnh thuê trọ mà lũ trẻ thì ngày một lớn, không thể nay đây mai đó mãi được, vợ chồng con trai cả bàn nhau vay mượn thêm chút ít để mua căn nhà thổ cư cũ chưa đầy 30m2. Nhà nhỏ xíu, lại trong ngõ sâu tít nhưng được cái rất gần trường học, hai cháu nội tôi hàng ngày tự đi bộ đến trường, bố mẹ không còn phải vất vả đưa đón như trước. Vợ chồng tôi rất mừng.
Từ ngày mua nhà riêng, gia đình con trai cả ít về quê hẳn. Tết năm ngoái, các con xin phép bố mẹ không về vì không thu xếp được công việc. Con nói sao thì tôi tin vậy, không suy nghĩ nhiều, Tết không về được thì ra Giêng về.
Tuy nhiên, mấy ngày Tết, họ hàng, làng xóm đến chơi, hỏi thăm, không thấy con trai trưởng thì có vẻ dị nghị. Có người nói mỉa: “Mua được nhà thành phố, phấn khởi nên ăn Tết luôn trên đó chứ về chốn quê mùa này làm gì nữa”. Ông nhà tôi nghe vậy bực lắm, cứ bắt gọi con đưa vợ và các cháu về, tôi ngăn mãi mới thôi.
Năm nay, theo kế hoạch, gia đình con trai cả sẽ về đón Tết với vợ chồng tôi từ 26 tháng Chạp đến tận mùng 2 mới về quê ngoại. Đồ Tết cho cả nhà tôi đã mua đủ, ông nội thì từng ngày mong ngóng các cháu về gói bánh chưng nên cũng chuẩn bị kỹ…Ấy vậy mà đùng một cái, con trai gọi điện thoại báo do có công việc đột xuất nên Tết này lại lỡ hẹn với ông bà.
Chồng tôi nghe vậy thì rất bực. Trong lúc nóng giận, ông bảo con trai cả: “Anh chị giờ giỏi rồi, mua được nhà thành phố rồi thì từ nay không bố mẹ, không cần quê hương nữa phải không? Thế thì cứ vậy đi, bám lấy thành phố mà sống, từ nay khỏi cần về quê”. Nói rồi ông tắt máy cái rụp, con trai cũng không gọi lại.
Sắp Tết mà bố con bất hòa thế này, tôi sốt ruột quá nên gọi cho con dâu bảo nó khuyên chồng, tranh thủ về Tết một vài ngày cho bố đỡ giận. Nghe tiếng sụt sịt của con dâu qua điện thoại, tôi gặng hỏi mãi con mới nói thật. Thì ra, lâu nay các con cảm thấy rất áp lực khi bố mẹ, họ hàng và làng xóm thường xuyên so sánh với hai em, rằng chúng tuy ở quê nhưng đều có cuộc sống sung túc, có nhà cửa đẹp đẽ rộng rãi, xe cộ đầy đủ. Đến giá trị quà cáp, tiền mừng tuổi trẻ con, người già cũng bị đem ra so sánh.
Vì thế mà hai vợ chồng bảo nhau quyết tâm mua nhà, dồn toàn bộ số tiền đã có để trả trước một phần, còn lại phần lớn sẽ vay ngân hàng trả góp. Hai năm nay, tháng nào các con cũng phải nộp cả gốc lẫn lãi một khoản lớn. Con trai tôi ngoài công việc văn phòng còn phải chạy xe ôm công nghệ, con dâu cũng nhận thêm việc về nhà làm.
Con cái sợ tốn kém không dám về quê, vợ chồng tôi mang Tết quê ra phố. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Tết đến, hai đứa lo bạc tóc vì tiền quà cáp, xe cộ về quê tốn kém. Trong khi đó, thù lao trực ngày Tết lại cao, thế là cả hai vợ chồng quyết định không về quê đón Tết mà đổi lịch với đồng nghiệp, xin trực liền mấy ngày. Nghe con dâu nói mà tôi xót xa, thương đứt ruột. Hóa ra bấy lâu nay các con vất vả như vậy mà người làm cha làm mẹ như chúng tôi ở quê lại chẳng biết gì, chỉ nhăm nhăm nghe người ngoài rồi trách móc con cái vì sợ mất thể diện.
Tôi đem chuyện kể lại với chồng. Nghe xong, ông cũng giống hệt như tôi, thấy cảm giác xót xa bao trùm.
Ngồi nhà mãi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, vợ chồng tôi bàn nhau Tết này khóa cửa, mang hết đồ đã chuẩn bị lên thành phố với gia đình con trai cả. Con trai thứ và con trai út nghe vậy thì rất ủng hộ. Cả nhà lao vào sửa soạn, gói bánh chưng, gà qué, thậm chí cả cành đào, chậu quất mới mua, chúng tôi cũng sẽ cho hết lên xe.
Nghe tin nhà tôi sẽ lên phố ăn Tết với con cả, hàng xóm xung quanh nói ra nói vào, trách móc con trai trưởng không chịu về để ông bà già phải lọ mọ mang vác đồ lên phố, nhưng vợ chồng tôi mặc kệ. Ngày Tết là đoàn viên, còn đoàn viên ở đâu không quan trọng. Vợ chồng tôi may mắn còn sức khỏe, còn đi lại được, tại sao cứ phải mòn mỏi chờ mong, con không về ăn Tết được thì chúng tôi mang Tết đến với con thôi.
Nguyễn Hợp
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/con-cai-so-ton-kem-khong-dam-ve-que-vo-chong-toi-mang-tet-que-ra-pho-ar920010.html