Suốt từ những ngày cuối tháng chạp năm trước bước qua tháng giêng năm Ất Tỵ, các hộ dân làm du lịch trên Cồn Chim hầu như không có nhiều thời gian đón Tết gia đình. Bởi khách du lịch đến liên tục, phải phục vụ cho chu đáo. "Mệt mà vui!" - cả chủ nhà và khách đều nói vậy.
Đón khách như người thân
Từ năm 2019, khi người dân ấp Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) tập tành làm du lịch, tôi đã đến trải nghiệm và "kết" ngay lần đầu đặt chân lên cái cồn được bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên này.
Tết Ất Tỵ này, nhóm 15 người, đủ mọi lứa tuổi, theo tôi đến Cồn Chim, đã cười mà than ăn mệt, uống mệt, chơi mệt, chụp ảnh mệt… thích khôn tả, thì tôi tin qua 5 năm, cảm nhận yêu thích điểm du lịch này không chỉ riêng tôi.
Điểm check-in không thể bỏ qua ở Cồn Chim
Phà cập bến, sau khi check-in ở cổng chào "Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim", chúng tôi lấy xe đạp ở nhà chị Sáu Mai làm phương tiện di chuyển trên cồn. Đón khách như đón người thân, chị vui vẻ chúc Tết, rồi đưa cho mỗi khách một chiếc nón lá để đội cho mát và chụp ảnh cho dễ thương. Nghe mát dạ làm sao!
Cả nhóm đạp xe tới nhà văn hóa ấp, check-in liền ở câu viết trên tường "Về Cồn Chim, người quê chỉ có tấm lòng" như nhận lời bày tỏ của người dân cồn.
Mỗi nhà ở đây đều cho chúng tôi một niềm vui. Ăn mệt, uống mệt là thật. Đến nhà nào cũng được mời nước, khi thì trà nóng, khi thì trà đá, còn có nước hoa đậu biếc. Ở vườn dừa Bé Thảo, mỗi người được thưởng thức một trái dừa tươi.
Hàng rào bông trang rực rỡ dẫn vào hộ Năm Liên khiến du khách phải dừng lại chụp ảnh
Nói về món dân gian ăn vặt trên Cồn Chim, chị Chi An bảo: "Biết có nhiều món thế thì hôm nay đừng ăn sáng nhỉ?". Mở bụng ở nhà Bếp xưa Nam Bộ với chén sương sâm thanh mát, nhâm nhi thêm mấy sợi mứt gừng. Qua nhà cô Loan thưởng thức mật sáp ong rừng rưới chút nước cốt trái tắc, rồi uống ngụm trà nóng, thiệt đã! Tới nhà cô Ba Sữa thi nhau cuộn bánh lá mơ ép trên lá dừa hấp nóng hổi, chấm thiệt đậm nước cốt dừa béo ngậy, ăn quên dừng!
Toàn là tín đồ ẩm thực. Bữa cơm trưa với thực đơn 6 món khá hấp dẫn là gỏi bông bần, cá lóc hấp bầu, tôm hấp, gà kho gừng, rau luộc kho quẹt, lẩu trái bần. Vậy mà vừa đạp xe ngang nhà bánh xèo Sáu Giàu, ai cũng ghé, xơi sạch cả chục cái bánh xèo to trong tích tắc.
Du khách hào hứng với “Trường đua cua F1” trên Cồn Chim
Trước khi ra phà, kết thúc ngày đi chơi, cả nhóm ghé nhà chị Năm Liên, mỗi người dùng chén cơm dừa nước dẻo dẻo nhai cùng đậu phộng rang giòn, chan chút nước dừa, nước đường gừng thơm thơm, không ăn về sẽ tiếc. Các bạn trẻ còn ghé một hộ mua món nước đá bào sữa.
Chơi cũng mệt, nhưng nhờ vậy mà xả bớt năng lượng để có thể nạp liên tục các món ăn uống. Lần trước, tôi đến Cồn Chim vào tháng 3, cua biển nuôi trong vuông đến độ lớn thu hoạch, nên đã được trải nghiệm câu cua. Lần này, cả nhóm đi câu tôm.
Trò chơi dân gian ở nhà anh Thành là thú vị nhất. Khắp thế giới chỉ có duy nhất "Trường đua cua F1" trên Cồn Chim. Mọi người lấy số chọn cua đua, rồi hào hứng hô to cổ vũ cho các chú cua về đích. Các chị trên 50, 60 tuổi nhớ thuở đi học ai cũng từng chơi banh đũa, nhảy dây, lò cò…, giờ có dịp thử lại sức lực, sự khéo léo của mình. Đám con trai thi thố với phụ nữ, coi ai chọi lon giỏi hơn. Tiếng cười cứ giòn tan trong từng trò chơi.
Chơi nhiều, chụp ảnh càng nhiều. Cái hay trên Cồn Chim là ngoài các ngõ đường trong ấp rực rỡ hoa, rợp bóng dừa, mỗi nhà đều có vài góc "chill" cho khách chụp ảnh lưu lại kỷ niệm nơi này.
Hay hơn nữa là giá dịch vụ trên cồn tháng Tết cũng như ngày thường, được các hộ thống nhất cùng quản lý, nên đi thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ khác, khách không phải lo ngại.
Cả cồn làm du lịch
Được sông bao bọc, xung quanh là rừng bần và dừa nước đan xen, cù lao này được người dân xưa đặt là Cồn Chim bởi nhìn từ trên cao, hình dáng như một con chim lớn sà trên mặt sông, mà cũng bởi thuở dân mới đến khai hoang thấy rất nhiều chim, cò ở đây.
Đến năm 2010, Cồn Chim mới chính thức trở thành ấp riêng, có 54 hộ dân sinh sống.
Đường trong ấp rợp bóng dừa
Dân Cồn Chim nói quê mình có hai mùa nước ngọt và nước mặn, chứ không nói mùa nắng hay mùa mưa. Dựa theo điều kiện tự nhiên này, người dân nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa. Tổng diện tích tự nhiên toàn ấp là 62 ha, trong đó có 34 ha nuôi thủy sản và trồng lúa, còn lại là đất ở và trồng cây ăn trái, cây bóng mát.
Khách đến đây từ tháng 11 đến tháng 3 (mùa nước mặn) sẽ thấy rất nhiều vuông nuôi tôm, tép, cua, cá. Từ tháng 4 đến tháng 10 (mùa nước ngọt), khách được ngắm những ruộng lúa từ lúc mởn xanh đến khi chín vàng. Bởi thế, đừng ngạc nhiên khi đến Cồn Chim thấy như khác, mà hãy nhớ xem mình đến vào thời gian nào.
Tận dụng đất trống, người dân trồng thêm những hàng dừa tạo bóng mát, những tuyến đường hoa tạo nên cảnh quang tươi đẹp. Những rừng bần, dừa nước được gìn giữ tạo không gian bình yên nên chim, cò vẫn sáng đi chiều về rợp trên những ngọn bần.
Ông Nguyễn Văn Pha (Homestay Tư Pha) tâm sự một thời khai hoang tìm sinh kế vất vả nên người dân rất trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng, vì vậy có ý thức giữ gìn nguồn sống theo mô hình cùng quản lý sông quanh Cồn Chim nhằm bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, rừng phòng hộ.
Khách trải nghiệm chẻ dừa nước cùng vợ chồng bà Năm Liên
Với phương châm "thuận thiên", thủy sản, lúa, rau màu sản xuất hữu cơ và những sản vật khai thác tự nhiên (bần, dừa nước, tôm, cá sông, mật ong) được người dân mang vào chế biến các món ăn, uống phục vụ du khách, còn làm thêm đặc sản để khách có thể mang về làm quà như mật ong, mắm tép, mứt dừa, thạch dừa nước, cá khô, mắm ruốc…
Đi chơi ở Cồn Chim, chúng tôi không chỉ chứng kiến sự hiếu khách, mà còn cảm nhận được tình làng nghĩa xóm giữa các hộ dân, sự đoàn kết, hỗ trợ nhau để tạo thành một chuỗi liên kết làm nên lịch trình tận hưởng độc đáo cho du khách, gieo vào lòng khách "đi thương, về nhớ".
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng Cồn Chim, chia sẻ từ Tổ hợp tác Điểm du lịch cộng đồng (năm 2019) có 12 hộ tham gia và một hướng dẫn viên, đến tháng 11-2024, HTX được thành lập có 50 thành viên, trong đó có 5 hướng dẫn viên. Trước kia, Cồn Chim chỉ đón khách tham quan, trải nghiệm, giờ đã có 5 hộ dân xây dựng homestay với 27 phòng, đáp ứng nhu cầu kéo dài thời gian trải nghiệm của du khách.
Để giữ cảnh quan đẹp, mỗi tháng 2 lần, các thành viên cùng tham gia làm vệ sinh chung, chăm sóc cây, hoa ven đường. Mỗi hộ có 2 thùng rác đặt ở lối đi chính và phải phân loại rác. Các hộ trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có quyền sáng tạo trong cách trang trí điểm đến, cách phục vụ khách trải nghiệm sao cho khách yêu thích. Các hộ phục vụ văn nghệ thì phải giảm âm thanh vừa đủ nghe từ 11 giờ đến 13 giờ và không phục vụ từ 22 giờ đến 5 giờ hôm sau để bảo đảm sự yên tĩnh cho khách nghỉ ngơi.
Thưởng thức bánh lá mơ ở nhà cô Ba Sữa
Các hộ ý thức rất rõ việc giữ hình ảnh Cồn Chim đẹp trong mắt du khách, nên có sự đồng thuận cao trong tuân thủ các quy định. Người dân nói làm du lịch có thêm thu nhập dĩ nhiên là vui, nhưng vui hơn là nhà có khách thường xuyên, không còn cảm giác sống tách biệt, xóm ấp vắng tanh như thuở trước.
Bà Sáu Giàu cho biết hồi đó thời gian nông nhàn không biết làm gì, giờ thì lo vuông tôm, cua hay ruộng lúa xong thì lo trồng rau, sáng, tối bắt sâu để có rau sạch, rau ngon cho du khách ăn bánh xèo.
Thường thứ bảy, chủ nhật hay những ngày lễ, Tết, du khách đến Cồn Chim đông, nhiều con cháu ở xa về phụ cha mẹ phục vụ khách, thấy vui làm sao. Như Tết vừa rồi, mùng 1, Cồn Chim đã có hơn 100 du khách, số lượng tăng dần mỗi ngày, đến mùng 4, mùng 5 có đến 400 - 500 khách. Có sự điều phối của Ban Quản lý HTX và sự phối hợp nhịp nhàng của các hướng dẫn viên nên dù khách đông nhưng không có sự rối rắm.
Học mọi lúc, mọi nơi
Một số bạn trẻ sinh ra, lớn lên trên Cồn Chim đang phụ giúp cha mẹ làm du lịch, đã chứng tỏ khả năng quản lý, sáng tạo, có thể biến nghề tay trái của cha mẹ thành công việc chuyên nghiệp trong tương lai, như Nguyễn Thị Diệu, con gái ông bà Tư Pha; Nguyễn Dương Khang, con trai ông bà Năm Liên.
Người lớn tuổi, giới trẻ trên cồn đều tranh thủ mọi lúc để đi học nhằm nâng cao kỹ năng tổ chức điểm đến, chỉn chu việc phục vụ. Cồn Chim đang có những tín hiệu "cất cánh", chắc sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm mới gây thương nhớ.
Bài và ảnh: Các Ngọc