Sớm mùa xuân, sương mù giăng kín, đôi ngọn gió đại ngàn còn vương chút mùa đông cũng đủ làm không gian trở nên lạnh buốt. Tại chốt bảo vệ rừng thôn Séo Mý Tỷ, các thành viên tổ bảo vệ rừng đã tập hợp đông đủ. Những dụng cụ cần thiết cho chuyến tuần rừng mùa xuân như dao phát, bi đông nước, túi ngủ, lương thực được các thành viên chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tổ bảo vệ rừng thôn Séo Mý Tỷ có 15 thành viên, là những người dân trong thôn có sức khỏe, thông thạo địa hình và đặc biệt là yêu rừng. Tổ có nhiệm vụ cùng với cán bộ kiểm lâm bảo vệ hơn 700 ha rừng đặc dụng trên địa bàn. Ngoài thực hiện theo kế hoạch, thành viên tổ bảo vệ rừng sẽ tuần tra đột xuất khi có biến động xảy ra. Mỗi đợt, các thành viên đi theo nhóm, thời gian kéo dài 3 đến 4 ngày.
Sau hơn 1 giờ đi bộ cùng các thành viên nhóm tuần rừng số 2, chúng tôi đến khu rừng thuộc tiểu khu 286, nơi xảy ra cháy hồi tháng 2/2024. Đảo mắt nhanh một vòng xung quanh vạt rừng với những mầm xanh đang vươn lên mơn mởn, anh Giàng A Dình, Bí thư Chi bộ, thành viên Tổ bảo vệ rừng thôn Séo Mý Tỷ nói: Đó là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất xảy ra trên diện tích thôn được giao bảo vệ trong khoảng chục năm trở lại đây. Phải mất 4 ngày đêm nỗ lực, các lực lượng mới khống chế được “hỏa tặc” . Nhìn cả vùng núi rừng xanh mướt trong phút chốc biến thành tro tàn, cây cối xơ xác vì bị lửa thiêu rụi, người dân Séo Mý Tỷ không khỏi xót xa. Ngăn ngược nước mắt, bà con trong thôn tự nhủ sẽ cùng nhau khoanh nuôi, trồng cây gây rừng, chăm sóc, bảo vệ để màu xanh sớm hồi sinh.
Vậy là tranh thủ mỗi chuyến tuần tra, những “người lính gác rừng” của thôn cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn lại bảo nhau tìm nhặt hạt giống từ cây gỗ lớn trong rừng già để mang về gieo trên những vạt tro tàn. Mỗi hốc đất được đào lên đã trở thành “tổ ấm” cho những hạt giống được gieo xuống, ấp ủ hy vọng của sự tái sinh. Vì lẽ đó, mỗi chuyến tuần rừng lại kéo dài hơn từ 1 đến 2 ngày nhưng không ai thấy vất vả. Hơn 10 tháng kiên trì, mặc cho cái nắng chang chang của mùa hạ, hanh khô của mùa thu, hay cái rét thấu xương của mùa đông nhưng các anh vẫn cần mẫn gieo hạt giống để làm sống lại những cánh rừng. Bao nhiêu giọt mồ hôi rơi là bấy nhiêu hy vọng được những người bảo vệ rừng gửi vào đất, bởi họ có niềm tin “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”…
Sự khát khao hồi sinh màu xanh của những cán bộ kiểm lâm và người dân nơi đây dường như đã lay động đất trời. Chỉ chưa đầy một năm sau hỏa hoạn, sự sống đã trở lại trên những cánh rừng chết. Những mầm cây cứng cáp vượt qua mùa đông giá lạnh, nay mạnh mẽ vươn mình hứng những giọt sương xuân căng tràn sức sống.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi di chuyển vào sâu trong khu rừng đặc dụng nơi đầu nguồn dòng suối Séo Mý Tỷ. Đón chúng tôi là khu rừng ken đặc bởi những cây gỗ lớn, nhỏ với lớp vỏ rêu mốc, sần sùi, dây leo kín lối... Như hiểu được thắc mắc của tôi, ông Giàng A Cấu, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Séo Mý Tỷ chia sẻ: Với nỗ lực của hàng trăm người tham gia chữa cháy rừng, đám cháy đã được khống chế, không cháy lan vào khu rừng tự nhiên này. Có những người dân bị nguy hiểm đến tính mạng trong lúc chiến đấu với giặc lửa tại chính cửa ngõ của cánh rừng này khi phát đường băng cản lửa. Nhờ vậy mà chúng ta vẫn được chiêm ngưỡng những kiệt tác của tự nhiên hàng trăm năm tuổi.
"Khi đám cháy dần được khống chế thì bất bất ngờ xuất hiện gió mạnh và liên tục đảo chiều khiến ngọn lửa khó kiểm soát, một loạt tiếng nổ lớn vang lên, khói đen nghi ngút. Nhận thấy tình hình nguy hiểm, tôi yêu cầu bà con di chuyển xuống vị trí thấp hơn để đảm bảo an toàn. Chúng tôi vừa rút xuống thì cũng là lúc những cây to cháy rụi, kèm theo đất đá lăn rầm rầm, thật may mắn không ai bị thương vong” - anh Giàng A Dình, Bí thư Chi bộ thôn Séo Mý Tỷ hồi tưởng.
Đứng dưới tán những cây cổ thụ, đón nhận từng luồng gió mát mùa xuân mang theo hơi ẩm của hồ Séo Mý Tỷ, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, tôi bỗng thấy thư thái, bình yên. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, màu xanh và sự bình yên này không tự nhiên mà có, đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của những cán bộ kiểm lâm và người dân nơi đây đã ngày đêm canh gác, bảo vệ và trồng cây gây rừng.
Gần 20 năm gắn bó với đại ngàn Hoàng Liên, anh Lê Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 4 Séo Mý Tỷ chia sẻ: Dù công tác bảo vệ được thực hiện nghiêm ngặt nhưng với đặc thù vùng núi cao, diện tích rừng lớn, lớp thực bì dày, chịu ảnh hưởng bởi gió nóng Ô Quy Hồ nên nguy cơ cháy rừng luôn rình rập.
Một mùa xuân nữa đã về, rừng núi Séo Mý Tỷ đang vào mùa đẹp nhất trong năm, với hoa đào, hoa sơn tra và hàng trăm loài hoa đua nhau khoe sắc thắm. Những cơn mưa xuân mát lành đã giảm nguy cơ cháy rừng nhưng không vì thế mà lực lượng chức năng lơ là, chủ quan. Những người giữ rừng nơi rẻo cao Séo Mý Tỷ vẫn miệt mài bước chân hành quân đi giữa mùa xuân để nhân lên màu xanh trên những cánh rừng.
Kim Thoa - Khánh Ly