Còn có mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa các quy hoạch bất động sản

Còn có mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa các quy hoạch bất động sản
2 giờ trướcBài gốc
Giá bất động sản biến động cục bộ tại một số phân khúc Một số dự án bất động sản “đắp chiếu" lâu năm có dấu hiệu tái khởi động Đánh thuế bất động sản, hạn chế đầu cơ là giải pháp bình ổn giá nhà tại Việt Nam
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo.
Đã sửa nhiều luật, văn bản quan trọng
Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đưa ra nhiều số liệu thống kê khá tổng quan.
Đến cuối giai đoạn giám sát là năm 2024, có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 11.191 ha; 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha.
Về nhà ở xã hội, có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó: 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.
Trong giai đoạn 2015 - 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý thị trường bất động sản được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung gồm 23 Luật và 2 Nghị quyết của Quốc hội, 76 Nghị định và 2 Nghị quyết của Chính phủ, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 87 Thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp tỉnh.
Báo cáo nhấn mạnh, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong năm 2023 - 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án Luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật. Các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.
Đồng thời, Quốc hội và Chính phủ đang xem xét, hoàn thiện nhiều dự án luật khác có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn, đầu tư, quy hoạch, phòng cháy, chữa cháy, địa chất và khoáng sản, công chứng…
Nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, nhiều kiến nghị đã được nghiên cứu tiếp thu để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và dự kiến điều chỉnh trong các dự án luật.
Phát triển thị trường chưa bền vững
Tuy nhiên, tồn tại, bất cập vẫn còn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh liệt kê: Việc phát triển thị trường chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh.
Các đại biểu Quốc hội dự họp phiên sáng 28/10.
Một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, chi tiết dẫn đến không thống nhất trong cách hiểu và trong quá trình tổ chức thực hiện.
Còn tâm lý sợ sai
Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật cả ở luật và văn bản quy định chi tiết thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023 còn bất cập, phần lớn do việc tổ chức thực hiện các cấp, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ.
Cùng với đó, còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa các quy hoạch; chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn; các quy hoạch chậm được ban hành.
Việc thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030) chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Đoàn Giám sát kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên cơ sở kết quả giám sát, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thi hành các Luật mới được ban hành và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Đồng thời, kiến nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát những tồn tại, hạn chế đã nêu tại Báo cáo của Đoàn giám sát để khắc phục hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; có chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật./.
Hồng Vân
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-co-mau-thuan-thieu-thong-nhat-giua-cac-quy-hoach-bat-dong-san-162648.html