Côn Đảo hè 2025: Rùa đẻ trứng, bò biển tìm về

Côn Đảo hè 2025: Rùa đẻ trứng, bò biển tìm về
5 giờ trướcBài gốc
Từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, đặc biệt là trong các tháng cao điểm như tháng 7, hàng trăm cá thể rùa biển quay về Vườn Quốc gia Côn Đảo để làm tổ và đẻ trứng. Tại Bãi Cát Lớn (Hòn Bảy Cạnh), một trong những điểm đẻ trứng quan trọng nhất, mỗi đêm có thể ghi nhận từ 20 đến 30 rùa mẹ lên bãi, để lại những vệt dấu bò dài trên nền cát, minh chứng cho đêm hoạt động sinh sản sôi động.
Hành vi đẻ trứng của rùa diễn ra chủ yếu vào ban đêm, khi thủy triều dâng cao. Đây là giai đoạn quan trọng bậc nhất trong vòng đời của rùa biển. Mùa sinh sản kéo dài đến cuối tháng 10, và du khách đến Côn Đảo trong giai đoạn này gần như chắc chắn có cơ hội chứng kiến rùa đẻ trứng.
Từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, đặc biệt là trong các tháng cao điểm như tháng 7, hàng trăm cá thể rùa biển quay về Vườn Quốc gia Côn Đảo để làm tổ và đẻ trứng. Ảnh: Giang Sơn
Từ năm 2018, chương trình bảo tồn rùa biển “Let’s Get Cracking” do Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Six Senses Côn Đảo đã được triển khai. Tính đến tháng 6-2025, chương trình đã ghi nhận hơn 30.000 cá thể rùa con được ấp nở và thả thành công về đại dương. Đây là kết quả từ nỗ lực bảo vệ bãi biển nguyên sơ, nơi rùa mẹ chọn làm tổ trong nhiều mùa sinh sản liên tiếp.
Bên cạnh rùa biển, sự xuất hiện trở lại của bò biển (tên khoa học: Dugong dugon) tại vùng biển Côn Đảo cũng gây chú ý. Dugong là loài thú biển ăn cỏ, phụ thuộc hoàn toàn vào các thảm cỏ biển, nguồn thức ăn và môi trường sống chính. Cá thể trưởng thành có thể dài tới 3m, nặng hơn 400kg, tuy nhiên bơi chậm và đặc biệt nhạy cảm với tiếng ồn, tàu thuyền và ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, dugong từng sinh sống tại vùng biển Phú Quốc, Nha Trang, Côn Đảo… nhưng hiện đã gần như không còn thấy ở hầu hết các khu vực. Do đó, việc dugong được ghi nhận trở lại biển Côn Đảo là tín hiệu tích cực, cho thấy hệ sinh thái đang từng bước phục hồi.
Sự trở lại của dugong cũng là lời nhắc nhở quan trọng về các thách thức đang tồn tại đối với hệ sinh thái biển. Bảo vệ cỏ biển trước tình trạng neo đậu tàu thuyền, lấn biển và rác thải nhựa. Giảm thiểu khai thác tận diệt như lưới rê, lưới kéo đáy làm suy giảm đa dạng sinh học. Tăng cường vai trò cộng đồng, bao gồm người dân địa phương, du khách và doanh nghiệp trong bảo vệ sinh cảnh biển tự nhiên.
Với các nỗ lực bảo tồn ngày càng hiệu quả, sự trở lại của rùa biển và dugong là minh chứng sống động cho sự hồi sinh của biển Côn Đảo. Đây cũng là lời kêu gọi chung tay từ xã hội để bảo vệ các loài sinh vật biển quý hiếm và gìn giữ hệ sinh thái biển bền vững cho các thế hệ sau.
Thái Bảo
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/con-dao-he-2025-rua-de-trung-bo-bien-tim-ve/