Côn Đảo - Nơi khắc ghi bản anh hùng ca bất khuất của dân tộc

Côn Đảo - Nơi khắc ghi bản anh hùng ca bất khuất của dân tộc
5 giờ trướcBài gốc
Một tiết mục được biểu diễn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhật Bắc/VGP
Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng hơn 700 đại biểu là cựu tù chính trị và thân nhân đến từ 49 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là dịp đặc biệt để ôn lại những tháng năm gian khổ nhưng hào hùng, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh những giá trị tinh thần bất diệt của người cộng sản Việt Nam.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại buổi gặp mặt, tri ân
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, đã nhấn mạnh vai trò lịch sử đặc biệt của Côn Đảo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông xúc động nói: “Mảnh đất này đã chứng kiến sự kiên cường và hy sinh của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào yêu nước. Dù bị xiềng xích, tra tấn tàn bạo, họ vẫn không cúi đầu, vẫn một lòng son sắt với Đảng, với Nhân dân và lý tưởng cách mạng”.
Chính tinh thần ấy đã giúp các chiến sĩ vượt qua địa ngục trần gian, để rồi vào ngày 1/5/1975, họ tự giải phóng chính mình, giải phóng Côn Đảo, viết nên một trang sử chói lọi góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, Côn Đảo đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Từ một địa danh đau thương, Côn Đảo giờ đây vươn lên trở thành “viên ngọc xanh” giữa Biển Đông - nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc. Với sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương, cùng quyết tâm của chính quyền địa phương, nơi đây đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu về du lịch di sản và tinh thần yêu nước.
Trong lời phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động bày tỏ lòng tri ân đối với các chiến sĩ cách mạng - những người đã gác lại tuổi trẻ, hy sinh lý tưởng cá nhân để hiến trọn cuộc đời cho Tổ quốc. Thủ tướng nhấn mạnh: “Dù bị giam cầm trong những nhà tù khét tiếng, ngọn lửa cách mạng không hề bị dập tắt. Chính tại nơi tối tăm nhất, họ đã biến nhà tù thành trường học, thành cái nôi ươm mầm lý tưởng cách mạng”.
Một tiết mục được biểu diễn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhật Bắc/VGP
Riêng tại Côn Đảo, trong suốt 113 năm tồn tại nhà tù thực dân (1862 - 1975), có hơn 20.000 chiến sĩ bị giam giữ. Họ đã lặng lẽ làm nên kỳ tích với những hành động gan dạ như thêu cờ Tổ quốc bằng chỉ rút từ áo tù, truyền tin bí mật, học lý luận và nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bất khuất. Những bài thơ viết bằng máu, những cuộc vượt ngục táo bạo đã trở thành biểu tượng bất diệt về lòng yêu nước và ý chí sắt đá của người chiến sĩ cộng sản.
“Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước là mất mát không gì bù đắp. Dù có tri ân bao nhiêu lần, chúng ta cũng không thể diễn tả hết lòng biết ơn trước những mất mát lớn lao đó. Máu và xương của họ đã hòa vào biển cả, vào lòng đất để nuôi dưỡng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, phát triển hôm nay”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các chiến sĩ cách mạng, cựu tù chính trị bị địch bắt tù đày tham dự buổi gặp mặt, tri ân
Kết thúc buổi gặp mặt đầy xúc động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác "Đền ơn đáp nghĩa", thực hiện tốt hơn nữa các chính sách dành cho người có công với cách mạng, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu chiến binh, thương binh, liệt sĩ và gia đình họ.
Buổi lễ tri ân không chỉ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, mà còn khẳng định sự tiếp nối xứng đáng của các thế hệ hôm nay với truyền thống anh hùng của cha ông. Tinh thần bất khuất của những người từng chịu cảnh tù đày vẫn sáng mãi như ngọn đuốc thiêng, soi đường cho hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Phan Toàn
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/con-dao-noi-khac-ghi-ban-anh-hung-ca-bat-khuat-cua-dan-toc-a28568.html