Con đường '3 tiên phong' - Khát vọng bước vào kỷ nguyên mới

Con đường '3 tiên phong' - Khát vọng bước vào kỷ nguyên mới
16 giờ trướcBài gốc
Tiên phong về đường lối chọn đầu tư PPP…
Trong những lần lên thăm Cao Bằng khởi công và kiểm tra thi công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên, phát triển”. Thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra những quyết sách tiên phong.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh và lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả kiểm tra thông đường hầm đoạn Thụy Hùng, huyện Thạch An giai đoạn 1 Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tỉnh cho biết: Cao Bằng là tỉnh nghèo, khó khăn về nguồn lực đầu tư xây dựng đường cao tốc. Trước khó khăn đó, Ban Chỉ đạo lựa chọn chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đầu tư theo phương thức là hình thức được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khu vực tư nhân để thực hiện, quản lý, vận hành những dự án phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công. Với mô hình này, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về dịch vụ và phía tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán bằng chất lượng dịch vụ (khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020).
Đây là dự án thí điểm PPP giao thông đầu tiên thực hiện theo Nghị định số 63 và cũng là dự án đầu tiên thực hiện theo Luật PPP. Nhiều vướng mắc phát sinh khi các thông tư, nghị định chưa hoàn thiện, thủ tục bị kéo dài nhưng Cao Bằng và nhà đầu tư đề xuất dự án kiên trì theo đuổi đến cùng. Với việc chọn hình thức đầu tư công PPP, dự án tiết kiệm hơn 10.000 tỷ đồng cho ngân sách. Trong đó, 4.500 tỷ đồng là phần vốn của nhà đầu tư, 6.000 tỷ đồng từ ngân sách khi Nhà nước sẽ phải bỏ ra cho chi phí vận hành, bảo trì trong suốt vòng đời dự án gần 25 năm. Đến nay, dự án triển khai chặng đường dài minh chứng sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo vượt khó của Cao Bằng, Tập đoàn Đèo Cả và ngân hàng. Đồng thời, minh chứng cho mô hình hợp tác công - tư đi vào hiện thực, là sự chọn lựa cho các địa phương thoát nghèo - Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh khẳng định.
Nhân dân đồng thuận cho thu hồi đất trước, trả tiền sau
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, trong đó đi qua địa bàn Cao Bằng 41,35 km, diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) 260,76 ha đất và 1.131 hộ phải thu hồi đất. Khó khăn đặt ra khó có thể huy động cùng một lúc hàng trăm tỷ đồng để trả tiền đền bù GPMB bằng cho dân. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo đưa ra quyết sách tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư, giai đoạn 1; chỉ đạo các huyện ủy, đảng ủy xã, thị trấn vận động nhân dân cho thu hồi đất bàn giao GPMB trước, nhận tiền đền bù sau theo từng giai đoạn, tái thiết đời sống nhân dân sau GPMB.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch An Nông Thế Phúc cho biết: Thi công đường cao tốc, Thạch An có 135,12 ha phải thu hồi, trong đó 662 hộ trong diện GPMB. Ngay từ đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo GPMB đến từng xóm, khu dân cư trong diện GPMB tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương cho thu hồi đất trước, trả tiền sau và được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia Chiến dịch thi đua cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành GPMB, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án, dự toán bồi thường để chi trả cho người dân nằm trong diện bị thu hồi đất.
Thi công Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đoạn qua xã Đức Xuân (Thạch An).
Gia đình anh Vi Văn Khoa, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) trong diện GPMB chia sẻ: Đảng, Nhà nước triển khai Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân. Vì thế, khi được cán bộ huyện, xã đến tuyên truyền, tôi tiên phong bàn giao 1,2 ha đất sản xuất, đất vườn và nhà cho Nhà nước mà chưa nhận tiền đền bù ngay. Sau đó, những hộ có đất thuộc diện GPMB trong xóm đều đồng tình bàn giao đất từ quý I/2024. Hiện nay, tuy đời sống còn khó khăn, nhưng tôi và bà con trong xóm coi đây là trách nhiệm của mình, cùng đoàn kết thực hiện khát vọng sớm hoàn thành đường cao tốc.
Chiến dịch thi đua cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành GPMB được phát động, 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn triển khai từ tháng 1 - 12/2024 đã GPMB 87,4/93,35 km, đạt 93,6%, trong đó Cao Bằng GPMB 41,1/41,55 km, đạt 99%. Hơn 1.000 hộ sớm thực hiện GPMB nhanh chóng, bàn giao hơn 222 ha đất cho nhà thầu thi công đúng tiến độ, đồng thời giúp giải bài toán khó cho chính quyền tỉnh Cao Bằng không phải dồn hàng trăm tỷ đồng để chi trả tiền đền bù ngay lập tức.
Tập đoàn Đèo Cả tiên phong “gỡ khó” giảm kinh phí đầu tư
Do địa hình Cao Bằng hiểm trở, Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trước đây lập quy hoạch với chiều dài 144 km, tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng. Với suất đầu tư quá cao (khoảng 326 tỷ đồng/km, so với đường cao tốc Bắc - Nam khoảng 200 tỷ đồng/km), nhưng lưu lượng phương tiện được dự báo sẽ thấp, dẫn đến khả năng hoàn vốn khó khăn nên nhiều nhà đầu tư sau tìm hiểu đều quan ngại, không muốn đầu tư.
Để tháo gỡ khó khăn cho Cao Bằng, ông Đặng Tiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Tập đoàn Đèo Cả với năng lực đầu tư và kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn, phức tạp về kỹ thuật đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23 km chiều dài tuyến (từ 144 km xuống còn 121 km), tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu. Đồng thời lựa chọn chính sách đầu tư theo phương thức PPP, tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách Nhà nước; UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư). Với phương án trên, Cao Bằng có thể dồn nguồn lực để đầu tư.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Lễ ký kết phong trào thi đua 525 ngày đêm thông tuyến Dự án Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Để có nguồn vốn thi công dự án, Tập đoàn Đèo Cả phát triển và áp dụng mô hình PPP++ huy động nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư - đồng thời là các nhà thầu bổ sung vốn qua nhiều hình thức: Vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh), vốn trái phiếu…; tiếp cận và thu xếp vốn tín dụng cho dự án. Ngày 3/10/2024, Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Ngân hàng VPBank ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.300 tỷ đồng.
Tập đoàn Đèo Cả tổ chức tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí từ các dự án khác trong thời gian qua để tích lũy nguồn lực của các nhà đầu tư, đối tác thực hiện dự án. Do đó, thời gian qua, dù nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án không được tạm ứng cho xây dựng công trình cũng như GPMB nhưng Tập đoàn Đèo Cả và các nhà đầu tư, nhà thầu đã ứng trước hơn 50 tỷ đồng kinh phí GPMB trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đồng thời, ứng trước gần 300 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục thi công.
Tập đoàn xây dựng đồng bộ các công trình để đảm bảo dự án có năng lực thông hành tốt, phối hợp với tỉnh tổ chức các sự kiện giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tháo gỡ nút thắt để thu hút các nhà đầu tư đến Cao Bằng phát triển kinh tế.
Đặc biệt, được nhân dân tích cực thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành GPMB nên dự án có tiến độ GPMB nhanh nhất trong các dự án, tạo điều kiện cho Tập đoàn Đèo Cả có mặt bằng tại các vị trí đã bàn giao. Năm 2024, khởi công giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 14.114 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chiếm hơn 69%, thi công hơn 93 km. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp gần 28 km còn lại. Cao Bằng và Lạng Sơn đồng lòng hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng. Hiện nay, nhà thầu tổ chức 36 mũi thi công đường, công hầm và cầu, tổng trị giá 3 gói thầu đạt 845,0 tỷ đồng/10.056,85 tỷ đồng, đạt 8,4% giá trị hợp đồng. Phấn đấu thi công tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 và 2 bảo đảm tiến độ, chất lượng cao - ông Đặng Tiến Thắng khẳng định.
Từ “3 tiên phong” triển khai Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng cùng Tập đoàn Đèo Cả và các nhà thầu đã triển khai dự án từ ngày 1/1/2024, quyết tâm thông tuyến vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án cuối năm 2026. Dự kiến, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh rút ngắn thời gian từ Cao Bằng - Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ, kết nối hai tỉnh với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô với miền núi phía Bắc; kết nối quốc gia, nối tuyến cao tốc từ Cao Bằng - Lạng Sơn tới Hà Nội, thông tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam tới tận mũi Cà Mau, góp phần thực hiện mục tiêu tới năm 2025, cả nước có ít nhất 3.000 km cao tốc và năm 2030 có 5.000 km cao tốc; đồng thời kết nối quốc tế với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới rất rộng lớn, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hồng Xiêm
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/con-duong-3-tien-phong-khat-vong-buoc-vao-ky-nguyen-moi-3175026.html