Con đường ngắn nhất nối biển và hoa

Con đường ngắn nhất nối biển và hoa
14 giờ trướcBài gốc
Khung cảnh núi non hùng vĩ trên quốc lộ 28B.
Giờ đây, khi tuyến cao tốc phía Đông đã hoàn thành thông một mạch từ Nha Trang đến Thành phố Hồ Chí Minh thì du khách đã xem quốc lộ 28B là con đường chính để đi từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ đến Đà Lạt và làm cho cung đường nối biển và hoa được rút ngắn hơn bao giờ hết, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch - dịch vụ ở các địa phương dọc tuyến đường.
Cung đường mơ ước
Lâu nay, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đến Đà Lạt chỉ có lựa chọn duy nhất là bằng quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc. Nhưng do mật độ lưu thông xe cộ quá đông, nhất là các loại xe tải hạng nặng, xe container chở hàng hóa lưu thông nên thời gian đi lại tăng lên, bình quân 7-7,5 tiếng cho hành trình 300km, chưa kể thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe trên đèo gây ách tắc kéo dài nhiều giờ.
Anh Trung, du khách từ quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chưa quên cảnh tượng nằm vạ vật trên đèo nhiều giờ làm thời gian đi từ Đà Lạt về tới nhà mất 9,5 tiếng đồng hồ trong chuyến du xuân đến Đà Lạt cách đây vài năm.
Tuy nhiên, giờ đây nhiều chủ phương tiện đã có cung đường thay thế là đi theo tuyến cao tốc phía Đông, chạy một lèo từ Thành phố Hồ Chí Minh theo trục cao tốc đến ngã 3 Đại Ninh (dài khoảng 205km) thì rẽ trái lên quốc lộ 28B để đến Đà Lạt (dài 105km).
Cung đường đẹp trên đèo Đại Ninh. Ảnh: V.Phong
Gặp anh Hiền, một người dân ở thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đang cùng bạn bè thực hiện chuyến caraval bằng ô tô lên Đà Lạt theo quốc lộ 28B vào dịp hè vừa qua, chia sẻ: “Gần đây, bọn em thường xuyên di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Phan Thiết đến Đà Lạt chỉ khoảng 5-5,5 tiếng, nhanh hơn 1,5-2 tiếng so với đi theo quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc.
Dù chưa có con số thống kê lượng khách di chuyển theo cung đường mới nhưng chỉ cần 60% con số khách đến Đà Lạt bằng cung đường này thì số thời gian, số tiền tiết kiệm được cho xã hội phải lên đến con số không nhỏ.
Hiện nay, quốc lộ 28B đang triển khai nâng cấp với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng từ vốn đầu tư công và sau khi hoàn thành vào năm 2026 thì thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn đáng kể. Mặc dù đường sá xuống cấp nghiêm trọng, ổ gà ổ voi chi chít nhưng nhiều hãng xe khách đã chọn tuyến quốc lộ 28B làm hướng di chuyển chính thay cho cung đường qua Phan Rang hay quốc lộ 28 như trước. Một tài xế của hãng Phương Trang chuyên chạy tuyến Đà Lạt - Nha Trang cho biết, do đường xấu nên hiện nay thời gian lộ trình hết 4 tiếng nhưng sau này đường được nâng cấp thì thời gian sẽ được rút ngắn còn hơn 3 tiếng cho lộ trình 150km.
Vào mùa Tết hay hè, con đường trở nên nhộn nhịp khi xe cộ qua lại đông đúc.
Chiêm ngưỡng núi non hùng vĩ
Trong các tuyến quốc lộ xương cá nối cao nguyên với đồng bằng ở Lâm Đồng, Ninh Thuận như quốc lộ 27, 28, 28B hiện không có tuyến đường nào có khung cảnh núi non hùng vĩ như qua quốc lộ 28B. Do tiếp giáp của hai vùng địa hình đồng bằng với miền núi và rừng tự nhiên được bảo vệ khá tốt nên đã tạo nên những không gian non xanh nước biếc đẹp đến mê hồn trên đèo Đại Ninh.
Một trạm dừng chân dưới chân đèo Đại Ninh (địa phận xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận).
Vào ngày mưa, du khách có thể bắt gặp cảnh mây bay cuồn cuộn qua các đỉnh núi. Còn vào ngày nắng, khi gần hết đèo, du khách có thể thấy khung cảnh các hồ nước thủy lợi, thủy điện nằm phơi mình dưới nền trời xanh biếc tạo nên những hình ảnh quyến rũ khó tả. Đặc biệt, du khách còn được dịp ngắm 2 ống dẫn nước to, vươn cao sừng sững dẫn nước từ hồ chứa trên núi cao về làm quay các tua-bin của Nhà máy thủy điện Đại Ninh.
Tận dụng ưu thế cảnh quan, một số điểm dừng chân đã mọc lên phục vụ khách qua đường nghỉ ngơi, ăn uống - thưởng thức ẩm thực địa phương kết hợp chụp ảnh phong cảnh góp phần làm cho chuyến du lịch của mỗi du khách có thêm trải nghiệm thú vị. Chỉ riêng tại xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (dưới chân đèo Đại Ninh) đã mọc lên hàng chục quán ăn, điểm ngắm cảnh cho du khách. Còn trên đỉnh đèo (nối giữa hai tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng) cũng mọc lên 4,5 điểm dừng chân, ngắm cảnh luôn thu hút khách qua đường, nhất là giới trẻ đi phượt bằng xe máy, ô tô.
Ngoài ra, tuyến đường đi qua các thôn làng của đồng bào dân tộc Rắc Lây, K’Ho, Chăm thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cũng là những điểm mà du khách có thể ghé thăm để tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Văn Phong
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/giai-tri/202501/con-duong-ngan-nhat-noi-bien-va-hoa-3db489e/