Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra không ít thách thức cho các hãng giày thể thao khi phải cân bằng giữa vấn đề lợi nhuận và chi phí sản xuất.
Kinh tế hồi phục yếu, lạm phát gia tăng cùng với sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những kết quả kinh doanh không mấy khả quan cho các nhà sản xuất giày thể thao.
Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đó. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, khiến ngành sản xuất giày thể thao gặp khó khăn lớn hơn.
Mẫu giày Vomero 18, ra mắt đầu năm 2025, mang theo kỳ vọng giúp Nike giành lại thị phần từ các đối thủ như Adidas hay Puma. Tuy nhiên, kế hoạch của tân Giám đốc điều hành Nike Elliot Hill đang gặp phải trở ngại lớn sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các kế hoạch thuế quan mới với các đối tác thương mại của Mỹ.
Nike có trụ sở tại Mỹ, đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam từ năm 1995 và đóng vai trò quan trọng trong việc biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất giày thể thao toàn cầu. Hiện nay, Nike có 130 nhà cung cấp tại Việt Nam cho các sản phẩm giày dép, quần áo và thiết bị thể thao, với khoảng 25% sản lượng giày dép của hãng đến từ đây.
Không chỉ riêng tại Việt Nam, Nike và các đối thủ như Adidas, Puma cũng đã gia tăng sự phụ thuộc vào các nhà máy ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Campuchia, Indonesia, sau khi ông Trump áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên.
Lần này, ông Trump tuyên bố muốn đưa sản xuất trở lại Mỹ và đã đề xuất áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam, 49% đối với Campuchia và mức thuế trên 30% đối với Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.
Các nhà phân tích cho rằng, việc di chuyển chuỗi cung ứng giày dép thường mất khoảng 2 năm, nhưng việc đưa sản xuất trở lại Mỹ sẽ vô cùng khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lao động giá rẻ để sản xuất giày thể thao.
Theo ông Dan Ives, Giám đốc điều hành Công ty tài chính Wedbush Securities, Mỹ, việc xây dựng một nhà máy tại Mỹ sẽ mất từ 4 đến 5 năm. Ông cho rằng, nếu muốn giày thể thao giá 400 USD như Nike, có thể sản xuất tại Mỹ, nhưng giày thể thao giá 100 USD thì khó có thể sản xuất tại đây. Điều này giải thích vì sao cuộc chiến thuế quan lần này là một vấn đề khó khăn với ngành công nghiệp giày thể thao.
Thuế quan cao hơn khiến các công ty phải đàm phán lại điều kiện với nhà cung cấp hoặc tăng giá bán tới người tiêu dùng. Điều này có thể làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của các công ty. Nike, với vị thế dẫn đầu tại Mỹ - thị trường thể thao lớn nhất thế giới, sẽ đối mặt với thử thách lớn.
Cả Adidas và Puma cũng có thể phải tăng giá sản phẩm khoảng 20% trên toàn cầu để duy trì lợi nhuận hiện tại.
Bà Liz Miller, Chủ tịch Công ty tư vấn tài chính Summit Place, Mỹ, nhận định rằng rủi ro là các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể sẽ tạm dừng chi tiêu hoặc hoạt động. Kết quả cuối cùng có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nếu các doanh nghiệp không thể đưa ra quyết định đầu tư.
Thuế quan sẽ là một "cơn gió ngược" nữa đối với các ông lớn trong ngành giày thể thao. Tại Mỹ, nơi 99% giày dép được nhập khẩu, chính sách thuế quan của ông Trump đang làm tăng sự biến động trong thương mại mà các nhà bán lẻ giày dép đang cố gắng điều hướng.
Châu Anh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/con-gio-nguoc-voi-cac-hang-giay-the-thao-lon-320551.htm