Cơn lốc hàng siêu rẻ Trung Quốc khuấy đảo thế giới

Cơn lốc hàng siêu rẻ Trung Quốc khuấy đảo thế giới
8 giờ trướcBài gốc
Sự hấp dẫn của hàng hóa giá rẻ
Sau khi ra mắt tại Mỹ vào tháng 9 năm 2022, tính đến tháng 3, Temu - một trong những công ty thế hệ mới của Trung Quốc đã có mặt tại 56 quốc gia, bao gồm cả các nước láng giềng Malaysia và Philippines, tạo ra doanh số 2 tỷ đô la Mỹ mỗi tháng, và con số này đang tăng lên. Các công ty thương mại điện tử đáng chú ý khác của Trung Quốc hiện nay là Shein, hiện đang dự kiến chào bán công khai lần đầu (IPO) lên tới 90 tỷ đô la Mỹ và TikTok Shop, đã đạt doanh số hơn 30 triệu đô la Mỹ tại Mỹ vào thứ Sáu đen tối tháng 11 năm ngoái.
Trên phạm vi toàn cầu, sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã gây ra các cuộc tranh luận về vai trò của chủ nghĩa bảo hộ trong nền kinh tế kỹ thuật số. Một mặt, các chính phủ có trách nhiệm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, chủ nghĩa bảo hộ quá mức có thể kìm hãm sự đổi mới, hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng và dẫn đến xung đột thương mại.
Bán máy giặt với giá 38,17 đô la, “Apple Watch” với giá 11,07 đô la, Temu là một trang web mua sắm trực tuyến đã trở nên vô cùng phổ biến do mức giá cực kỳ thấp. Chỉ 8 tuần sau khi ra mắt vào tháng 9, Temu đã xếp thứ 5 trong danh sách các ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên Apple App Store sau Amazon, Shein, Walmart và Nike. Temu đã gây ra những lo ngại về tác động đến môi trường và vi phạm về lao động.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Australia cùng với sự phổ biến của việc mua sắm trực tuyến đã thúc đẩy sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của một thế hệ nhà bán lẻ trực tuyến siêu rẻ mới, và họ hiện đang nắm giữ thị phần đáng kể trong ngành bán lẻ của Australia. Temu và Shein tạo ra một thị trường bán lẻ hàng hóa dùng một lần siêu rẻ.
Sự trỗi dậy đột ngột và mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến siêu rẻ do Trung Quốc sở hữu Temu và Shein đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Shein hiện có gần 800.000 người mua sắm quần áo và phụ kiện mỗi tháng tại Australia, và giúp công ty đạt được doanh số một tỷ đô la hàng năm. Con số này còn tăng khi Shein mở rộng sang các danh mục ngoài quần áo.
Trong khi đó, nhờ sự kết hợp giữa mức giá cực rẻ, giao hàng miễn phí và chi tiêu mạnh tay cho tiếp thị và truyền thông, chỉ trong vòng một năm, Temu đã xây dựng được lượng khách hàng cực lớn tại Australia, với 1,26 triệu người Australia mua sắm mỗi tháng, giúp công ty đạt được doanh số bán hàng hàng năm là 1,3 tỷ đô la.
Trong danh sách khách hàng của Temu và Shein, vợ chồng trẻ và các hộ gia đình đông người chiếm tỷ lệ cao. Điều thú vị là những người Australia nghỉ hưu đã tích cực sử dụng ứng dụng để mua sắm trong thời gian đại dịch Covid - cũng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mua sắm Temu. Mức giá cực thấp của nền tảng này để giúp họ mua được nhiều hơn với số tiền ít ỏi.
Trong 20 tháng liên tiếp từ năm 2020 đến năm 2021, Shein đã tăng trưởng ở mức ba chữ số theo từng năm. Ảnh: Shein.
Xét về giới tính, tỷ lệ phụ nữ mua sắm Temu là 70%, mua sắm của Shein là 80%. Không chỉ những người có ngân sách eo hẹp mới mua sắm trên Temu và Shein, điều đó gây ra mối đe dọa thực sự với các nhãn hàng. Không chỉ các cửa hàng giảm giá phải chịu áp lực từ các nền tảng này. Các cửa hàng bách hóa Australia - cũng đang bị đe dọa khi người mua sắm chuyển một phần chi tiêu của họ sang Temu và Shein để mua được nhiều hơn trong một môi trường kinh tế khó khăn. Với cùng một số tiền, nếu mua ở Temu sẽ được lượng hàng gấp đôi tại David Jones.
Nền tảng thương mại điện tử Temu đang trở thành đề tài nóng được bàn tán tại châu Âu. Mặc dù mới chỉ hiện diện tại các nước EU một năm, nhưng Temu đã đạt tỷ lệ thâm nhập ở Pháp là gần 12%. Rất nhiều người dùng của Temu là các khách hàng ở độ tuổi ba mươi và bốn mươi với mức chi tiêu trung bình là 112,5 Euro mỗi năm, tương đương 3 triệu đồng.
“Cách duy nhất để thực sự hiểu được phạm vi của các doanh nghiệp bán lẻ trên Internet, như Shein và Temu, là thông qua việc phỏng vấn hàng chục nghìn người Australia. Roy Morgan phỏng vấn một nhóm đại diện gồm hơn 65.000 người Australia mỗi năm để có được sự hiểu biết đầy đủ về lối sống, thái độ, thói quen sử dụng phương tiện truyền thông và các yếu tố quan trọng khác thúc đẩy quyết định mua hàng. Shein và Temu đã khiến mọi người ngạc nhiên, ít ai có thể dự đoán được rằng một thị trường các mặt hàng bán lẻ dùng một lần siêu rẻ lại tồn tại ở Australia. Chắc chắn, áp lực về chi phí sinh hoạt đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kinh ngạc của cả Shein và Temu khi người Australia muốn mua được nhiều hơn với số tiền họ bỏ ra. Nhưng vẫn phải xem Temu có thực sự trụ vững hay không – những con số hiện tại cho thấy rất nhiều người đang dùng thử nền tảng này, vì vậy chúng ta sẽ xem liệu điều đó có tiếp tục trong năm 2024 hay không, sau khi khách hàng đánh giá chất lượng sản phẩm được giao đến tận nhà họ.”
Michele Levine, Tổng Giám đốc điều hành của Roy Morgan.
Temu là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc) hiện đang là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Điểm nổi bật của Temu là giá sản phẩm rất rẻ so với các sàn thương mại điện tử khác và chỉ bằng một nửa so với các mặt hàng trong nước.
Sở dĩ hàng Temu có giá thấp như vậy, theo lý giải của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, là do sàn này đã áp dụng một loại hình kinh doanh không giống với truyền thống, cũng rất khác với các sàn thương mại điện tử khác là mô hình M2C. Trong mô hình kinh doanh này, các khâu trung gian như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, bán lẻ, quảng cáo đều được loại bỏ. Theo đó, hàng hóa sẽ đi thẳng từ các nhà sản xuất Trung Quốc đến tay người tiêu dùng nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Những khâu này có khi chiếm đến 80% giá thành một sản phẩm.
Thêm nữa, Temu cũng có cách tiếp cận độc đáo, khác lạ so với các sàn khác là trợ cấp chi phí vận chuyển, tức Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Thế nhưng, thực hư chuyện giá rẻ này tới từ đâu, các chuyên gia cũng tỏ ra khá thận trọng khi nhận định, bởi sàn thương mại này còn quá mới mẻ và cần thêm thời gian để theo dõi.
Phản ứng của Mỹ và châu Âu
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) theo dõi rất sát sao các nền tảng thương mại nước ngoài gia nhập và hoạt động tại khu vực của họ. Các nhà chức trách EU đã bày tỏ quan ngại về sự tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cũng như nguy cơ hàng giả. Trong khi đó, các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu đều khẳng định, họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU. Sự gia tăng đột ngột của hàng hóa siêu rẻ đang gây áp lực lớn lên hệ thống vận tải, logistics cũng như các thương hiệu thời trang ở các nước châu Âu và Mỹ. Nhà chức trách đang xem xét các biện pháp đối phó.
Nhờ việc tận dụng miễn trừ thuế theo quy định "de minimis" của Luật Thương mại Mỹ đối với các lô hàng có giá trị dưới 800 USD nhập khẩu vào Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc - trong đó có Temu - có thể vận chuyển hàng loạt kiện hàng dưới dạng các gói nhỏ đến tay người tiêu dùng Mỹ. Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, số lượng các kiện hàng dưới 800 USD đã tăng vọt từ 140 triệu lên 1 tỷ trong năm ngoái. Quy định miễn trừ "de minimis" cũng dấy lên những lo ngại về việc tạo lỗ hổng để hàng hóa trong danh mục cấm như các loại ma túy lọt vào thị trường Mỹ.
Khách xếp hàng trước cửa tiệm pop-up của Shein ở Toulouse, Pháp vào 25/5/2022. Ảnh: MAXPPP.
Theo dữ liệu của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, 60 đến 80% các kiện hàng có giá bằng hoặc dưới 800 USD đến từ Trung Quốc. Bộ Trưởng An ninh Nội địa Mỹ cho hay, không thể sàng lọc hết 4 triệu kiện hàng thuộc loại không tính thuế được vận chuyển vào Mỹ mỗi ngày.
“Theo yêu cầu của các sàn thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein, hàng hóa được vận chuyển thẳng từ các nhà máy đóng gói của Trung Quốc bằng đường hàng không đến Mỹ. Vì vậy, ngành vận tải hàng không đang hoạt động ở mức cao. Giá cao hơn nhiều so với mức 4 đô la một kg mà bạn mong đợi.”
Ông Walter Kemmsies - Chuyên gia kinh tế vận tải, người sáng lập Tập đoàn Kemmsies.
Quần áo giá siêu rẻ đang gây áp lực lớn cho các thương hiệu Mỹ. H&M đã hủy bỏ mục tiêu biên lợi nhuận năm 2024 do phải áp dụng chiết khấu cao hơn, chi phí và cạnh tranh khốc liệt làm tổn hại đến lợi nhuận hoạt động trong quý III, khiến cổ phiếu của nhà bán lẻ thời trang niêm yết số 2 thế giới giảm 8%. H&M đã phải vật lộn để thúc đẩy lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng yếu hơn và sự cạnh tranh từ đối thủ lớn hơn của Tây Ban Nha là Zara, thuộc sở hữu của Inditex ITX.MC và nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến giá rẻ Shein. Tổng Giám đốc điều hành Daniel Erver cho biết H&M đang củng cố thương hiệu của mình bằng cách đầu tư vào tiếp thị, sản phẩm và trải nghiệm mua sắm, và ông tin tưởng rằng kế hoạch này sẽ thúc đẩy doanh số và lợi nhuận.
Theo đề xuất quy định mới được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào giữa tháng 9, các công ty nước ngoài không thể tránh thuế quan chỉ đơn giản bằng cách nói rằng hàng hóa vận chuyển vào Mỹ có mức giá bằng hoặc dưới 800 USD. Các gói hàng nhỏ cũng sẽ phải chứa mã thuế quan sản phẩm cùng những thông tin khác để giúp xác định các lô hàng đáng ngờ. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, mục tiêu của đề xuất quy định mới là giảm số lượng gói hàng nhỏ xuống mức dễ quản lý nhằm hỗ trợ lực lượng hải quan thực hiện quy trình sàng lọc tốt hơn. Mặc dù các đề xuất phải trải qua thời gian lấy ý kiến công chúng rồi mới đi đến giai đoạn hoàn thiện và triển khai, 126 đảng viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ kêu gọi Tổng thống Joe Biden sử dụng quyền hành pháp của mình để bịt “lỗ hổng” mà họ cho rằng là mối nguy hiểm cho người lao động, các nhà sản xuất cũng như các nhà bán lẻ tại Mỹ.
Nhân viên phân loại bưu kiện tại khu công nghiệp logistics thông minh JD.com ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Để bảo vệ các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa nội khối EU trước sự cạnh tranh của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, EU đang cân nhắc loại bỏ việc miễn trừ thuế quan áp dụng cho các bưu kiện thương mại điện tử có giá trị dưới 150 Euro, tương đương 4,1 triệu đồng, được gửi từ bên ngoài Liên minh châu Âu EU. EU cũng yêu cầu các nền tảng Trung Quốc công khai nhiều thông tin hơn về cách thức hoạt động và nỗ lực bảo vệ khách hàng trước hàng giả và kém chất lượng. Trong khi đó, Temu khẳng định luôn xem an toàn của người dùng là ưu tiên hàng đầu. Temu cũng cam kết hợp tác toàn diện với các nhà chức trách châu Âu.
Các chuyên gia thị trường đánh giá, thương mại điện tử có thể là điểm nóng tiếp theo trong quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu EU và Trung Quốc cũng như Mỹ và trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Indonesia mạnh tay bảo vệ doanh nghiệp trong nước
Indonesia vừa quyết định chặn nền tảng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc. Quyết định này phản ánh sự thay đổi đáng kể trong lập trường kinh tế và chính trị của nước này nhằm hướng tới bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), phù hợp với chiến lược rộng hơn của Indonesia, nhằm mục đích củng cố nền kinh tế trong nước bằng cách hạn chế dòng hàng nhập khẩu giá rẻ có khả năng gây hại cho các doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ Indonesia nhấn mạnh sự cần thiết bảo vệ các doanh nghiệp địa phương. Bộ trưởng truyền thông Setiadi lập luận rằng các nền tảng như Temu và các nền tảng khác có mô hình kinh doanh tương tự sẽ tạo ra "sự cạnh tranh không lành mạnh", chủ yếu là vì các công ty nước ngoài này có thể bỏ qua các quy định địa phương về sự cần thiết có sự tham gia của các bên trung gian trong thương mại. Chính phủ lo ngại rằng nếu không có các biện pháp bảo vệ như vậy, các doanh nghiệp nhỏ của Indonesia, vốn là xương sống của nền kinh tế, có thể bị "phá hủy" bởi làn sóng nhập khẩu giá rẻ.
Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu. Ảnh: Fortune.
Bằng cách chặn Temu, Indonesia cũng đang hạn chế dòng hàng nhập khẩu vốn sẽ làm suy yếu các doanh nghiệp trong nước, cho phép các ngành công nghiệp trong nước phát triển mà không bị áp đảo bởi giá cả cạnh tranh của hàng nhập khẩu.
Indonesia từ lâu đã tìm cách cân bằng giữa mở cửa cho đầu tư nước ngoài với việc bảo vệ các doanh nghiệp địa phương. Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã gây áp lực lớn cho doanh nghiệp địa phương. Các nền tảng như Temu và Shein đã áp dụng các chiến lược định giá mạnh mẽ, tận dụng sản xuất chi phí thấp tại Trung Quốc để cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm với mức giá mà các nhà bán lẻ địa phương khó có thể cạnh tranh được.
Trên phạm vi toàn cầu, sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã gây ra các cuộc tranh luận về vai trò của chủ nghĩa bảo hộ trong nền kinh tế kỹ thuật số. Một mặt, các chính phủ có trách nhiệm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, chủ nghĩa bảo hộ quá mức có thể kìm hãm sự đổi mới, hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng và dẫn đến xung đột thương mại. Quyết định chặn Temu của Indonesia làm nóng lên cuộc tranh luận phức tạp này, làm nổi bật những thách thức đi kèm với việc quản lý thương mại điện tử toàn cầu trong một thế giới ngày càng kết nối.
Hiền Thảo
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/con-loc-hang-sieu-re-trung-quoc-khuay-dao-the-gioi-275579.htm