Cơn lũ quét 'nhấn chìm' chính giới Tây Ban Nha

Cơn lũ quét 'nhấn chìm' chính giới Tây Ban Nha
3 giờ trướcBài gốc
Trận lũ quét lịch sử tràn qua vùng Valencia đã để lại hậu quả nặng nề: Tính đến ngày 10/11, đã có ít nhất 223 người chết và 78 người vẫn nằm trong danh sách mất tích, đang được các đơn vị cứu nạn, cứu hộ tìm kiếm. Đó là chưa kể nhiều tài sản của người dân trong vùng đã bị lũ cuốn trôi, các cơ sở sản xuất công nghiệp bị nhấn chìm trong lũ gây hư hại nặng,...
Mưa bão kéo dài liên tục trong nhiều ngày được xem là nguyên nhân chính làm phát sinh lũ quét; một phần nguyên nhân sâu xa hơn được Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez giải thích là do biến đổi khí hậu gây ra thời tiết mưa bão bất thường vượt ngoài dự báo. Các cơn bão tập trung ở lưu vực các sông Magro, Turia và Poyo, tạo ra những bức tường nước tràn bờ, khiến người dân bất ngờ khi họ tiếp tục cuộc sống thường ngày vào tối 29 và sáng sớm 30/10. Cơ quan thời tiết quốc gia Tây Ban Nha cho biết, tại khu vực Chiva bị ảnh hưởng nặng nề, lượng mưa trong 8 giờ nhiều hơn lượng mưa trong 20 tháng trước đó, gọi trận lụt này là “phi thường”.
Người đứng đầu vùng Valencia Carlos Mazón (giữa) và Vua Felipe VI (bên phải) thị sát vùng thiên tai.
Nhưng, để lý giải vì sao lũ lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản thì đang là vấn đề tranh cãi, đổ lỗi lẫn nhau giữa các đảng phái, chính trị gia. Thảm họa được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp cấp độ 2, nghĩa là chính quyền khu vực do đảng PP điều hành phải chịu trách nhiệm. Nếu chính quyền Valencia kết luận rằng họ không còn có thể xử lý tình hình nữa thì cấp độ có thể được nâng lên để cho phép chính quyền trung ương do đảng Xã hội lãnh đạo vào cuộc và tiếp quản.
Cuộc tranh cãi ngày càng làm lộ ra những thông tin về tinh thần và thái độ phục vụ người dân cũng như việc ứng phó thiên tai của các quan chức địa phương và Chính phủ Tân Ban Nha đã khiến dân chúng trong vùng phẫn nộ, đã xảy ra sự phản đối gay gắt khi các quan chức cấp cao của chính phủ đến thăm vùng thiên tai.
Sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng về cách chính quyền xử lý tình trạng khẩn cấp đã khiến 130.000 người đổ ra đường ở thành phố Valencia vào tối 9/11 để kêu gọi người đứng đầu chính quyền khu vực là ông Carlos Mazón từ chức. Ông Mazón là thành viên của đảng Nhân dân bảo thủ (PP), đang bị dư luận gây áp lực ngày càng lớn sau khi có thông tin cho biết ông đã dùng bữa trưa kéo dài 3 giờ với một nhà báo vào ngày 29/10, ngày mưa như trút nước đổ xuống khu vực này, và không đến trung tâm chỉ huy khẩn cấp cho đến 7 giờ 30 tối hôm đó.
Sự chậm trễ trong việc cung cấp, cập nhật số người chết và mất tích đã làm nảy sinh các thuyết âm mưu và thúc đẩy thông tin sai lệch. Trong khi đó, thảm kịch của con người đã được một người có ảnh hưởng tự xưng là “phát xít” sử dụng TikTok để quyết định khu vực nào bị ảnh hưởng sẽ nhận được viện trợ do những người theo dõi của mình chi trả.
Có những câu hỏi chưa được giải đáp về lý do tại sao, mặc dù có nhiều cảnh báo thời tiết màu đỏ từ cơ quan khí tượng quốc gia, chính quyền của ông vẫn đợi gần 14 giờ mới gửi tin nhắn bảo vệ dân sự khẩn cấp đến điện thoại di động của người dân. Khi tin nhắn cảnh báo được gửi đến điện thoại di động về mức độ nghiêm trọng của trận lũ lụt và yêu cầu mọi người ở nhà thì khi đó nhiều người đã ra đường, làm việc hoặc ngập trong nước ở những vùng trũng thấp hoặc gara ngầm, những cái bẫy chết người.
Ông Mazón đã phản ứng lại những lời chỉ trích bằng cách đổ lỗi cho Chính phủ Tây Ban Nha và thậm chí là Cơ quan ứng cứu khẩn cấp quân đội (UME). Nhưng, các nguồn tin trong chính quyền của Thủ tướng Pedro Sánchez khẳng định rằng họ đã làm mọi thứ có thể để cảnh báo về thảm họa và đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để giảm thiểu hậu quả trong phạm vi hạn chế của một nhà nước phi tập trung cao độ.
Ngày 2/11, chính phủ của ông Sanchez đã quyết định điều động 10.000 binh sĩ quân đội và cảnh sát đến vùng thiên tai để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và dọn dẹp sau lũ.
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Khủng hoảng lũ lụt, ông Sánchez cho biết chính phủ đang huy động mọi nguồn lực có thể để đối phó với “thảm kịch khủng khiếp”, vốn đang diễn ra nghiêm trọng nhất ở khu vực phía Đông Valencia. Ông cũng thừa nhận rằng, phần lớn viện trợ vẫn chưa được chuyển đến và kêu gọi đoàn kết và chấm dứt tranh cãi chính trị và đổ lỗi.
Thủ tướng Sánchez cũng thừa nhận cần phải tính toán chính trị sau khi mối nguy hiểm đã qua và công tác dọn dẹp hoàn tất. “Sau đó sẽ là cuộc tranh luận chính trị về những điều chúng ta phải cải thiện trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu này”, ông cho biết vào ngày 11/11 khi chính phủ của ông thông qua gói cứu trợ khẩn cấp thứ hai trị giá gần 3,8 tỷ euro.
Bất chấp các hoạt động chính trị, chỉ trích và cướp bóc bùng phát, đặc điểm đáng chú ý nhất của thảm họa này là sự gia tăng đoàn kết. Những người tình nguyện cầm chổi và người dân có máy kéo đã đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Valencia để giúp đỡ. Cũng như các video về những chiếc ô tô quay cuồng bất lực giữa dòng nước bùn và hình ảnh những đống đồ đạc ướt sũng, một trong những hình ảnh thường trực của thảm họa sẽ là hàng nghìn người tình nguyện cầm chổi và xô băng qua một cây cầu ở Valencia để tiếp cận những người cần giúp đỡ. Khi nước lũ rút đi và những thi thể cuối cùng được tìm thấy, ít nhất, hành động của họ sẽ không thể bị chỉ trích.
An Châu (Tổng hợp)
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/con-lu-quet-nhan-chim-chinh-gioi-tay-ban-nha-i750498/