Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Xuân Cát (xã Tân Uyên) thu hoạch quả mắc-ca
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 640 cựu TNXP, thời hoa lửa, họ cống hiến thanh xuân, phục vụ chiến đấu. Có những người ngày đêm phá núi mở đường hay tham gia xây dựng các công trình thế kỷ phục vụ miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, chi viện cho chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước. Hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhiều cựu TNXP trở về cuộc sống đời thường lại từng gặp không ít khó khăn. Vượt lên tất cả, với bản lĩnh kiên cường, tinh thần xung phong ngày nào, nhiều người tích cực học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng chăn nuôi, trồng trọt làm giàu cho gia đình, quê hương.
Điển hình là cựu TNXP Nguyễn Thị Mít, 71 tuổi ở Đội 4 (xã Tả Lèng). Bà Mít nhớ lại: Năm 1972, tôi rời quê hương Bình Lư, huyện Tam Đường (cũ) tham gia lực lượng TNXP, làm nhiệm vụ mở đường trên tuyến Phong Thổ (cũ) sang tỉnh Điện Biên. Năm 1974, hoàn thành nhiệm vụ, tôi trở về địa phương. Sau đó, cùng chồng lên lập nghiệp tại Đội 4.
Những ngày đầu khởi nghiệp nơi vùng đất mới, cuộc sống của gia đình bà Mít còn nhiều khó khăn. Bằng ý chí và quyết tâm, tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện mô hình V.A.C, gia đình bà có thu nhập ổn định từ trồng, chăm sóc 50 gốc thanh long, 2.000m2 chè, 2 ao nuôi cá và gia cầm. Bên cạnh đó, bà Mít còn là hội viên cựu TNXP gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào do tổ chức hội phát động; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Mít cho biết: “Tôi tâm niệm, sống là để cống hiến. Dù tuổi cao nhưng nhiệt huyết của một thời tham gia TNXP còn mãi, tôi sẽ cố gắng góp sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp”.
Hay như cựu TNXP Nguyễn Xuân Cát, 73 tuổi ở xã Tân Uyên. Năm 20 tuổi, ông tham gia lực lượng TNXP và làm nhiệm vụ tại Lào. Trở về quê hương là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (cũ), nay là tỉnh Ninh Bình và lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn, năm 1999, ông đưa gia đình lên xã Tân Uyên lập nghiệp. Sau 26 năm gắn bó với quê hương thứ 2, gia đình ông Cát trở thành hộ điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương với 1ha mắc-ca, 1ha chè xen cây ăn quả. Trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập 300 triệu đồng. Ông Cát còn thành lập Hợp tác xã Cựu TNXP thu mua quả mắc-ca, chè búp tươi cho người dân trên địa bàn và tạo việc làm thời vụ cho từ 20 - 30 lao động địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông hỗ trợ nhiều hộ hội viên cựu TNXP khác có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều gương cựu TNXP điểu hình trong phát triển kinh tế giỏi của tỉnh. Được biết, thời gian qua, phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế” được các cấp hội cựu TNXP triển khai đồng bộ, được hội viên hưởng ứng với nhiều cách làm sáng tạo. Hiện, toàn tỉnh có hơn 100 gia đình hội viên cựu TNXP vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng, chế biến chè, chăn nuôi, bảo vệ rừng, kinh doanh, trồng hoa cây cảnh, thảo quả, mắc-ca, thành lập hợp tác xã.
Ông Đào Văn Minh - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: “Hội viên cựu TNXP trong tỉnh không chỉ là những nhân chứng sống của một thời hoa lửa còn là những tấm gương sáng về ý chí vươn lên trong cuộc sống. Trong những năm qua, nhiều hội viên không ngừng nỗ lực vượt khó, tận dụng lợi thế địa phương để phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, những cựu TNXP năm xưa tiếp tục vững bước, phát huy tinh thần xung kích trên mặt trận lao động, sản xuất. Những đóng góp thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa ấy chính là minh chứng: dù trong thời chiến hay hòa bình, họ luôn là lực lượng xung kích, sẵn sàng xông pha, đi đầu trên mọi mặt trận.
Thanh Hà - Phan Huy