Con người, văn hóa Việt Nam 'níu chân' nhà đầu tư Hàn Quốc

Con người, văn hóa Việt Nam 'níu chân' nhà đầu tư Hàn Quốc
5 giờ trướcBài gốc
Con người, văn hóa Việt Nam ‘níu chân’ nhà đầu tư Hàn Quốc
Kiều Chinh
Trò chuyện với Mekong ASEAN, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) chia sẻ, chính những nét tương đồng về văn hóa, tôn giáo cũng như con người Việt Nam với Hàn Quốc đã tạo nên sự gần gũi, yên tâm và dễ thích nghi, “níu chân” những nhà đầu tư đến từ quốc gia này.
Mekong ASEAN: Ông có đánh giá như thế nào về tình hình thương mại, đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, cũng như mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2025 của hai nước?
Ông Hong Sun: Kể từ khi tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1992, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước Hàn Quốc - Việt Nam. Việt Nam không chỉ là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, mà còn là một trong 3 đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trên thế giới về thương mại và đầu tư.
Tính đến tháng 11/2024, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng vốn đầu tư tích lũy lớn nhất tại Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư này đã đạt khoảng 89 tỷ USD, là minh chứng cho sự hợp tác kinh tế sâu sắc giữa hai nước.
Tính riêng 11 tháng năm 2024, trong 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc xếp thứ hai, đóng góp 3,89 tỷ USD, tương đương 12,4% tổng vốn FDI, mặc dù con số này đã giảm 9% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, với việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc đã bước vào thời kỳ mới với sự bùng nổ của những dự án trong phát triển chuỗi cung ứng, công nghệ cao…
Trước đây, đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp dệt may, nhưng hiện nay, phạm vi đã được mở rộng từ các ngành công nghiệp nặng như thép, ô tô, đến các ngành công nghiệp tiên tiến như điện tử, dược phẩm và công nghệ thông tin. Những thay đổi này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp và tiến bộ công nghệ của Việt Nam.
Liên quan đến thương mại, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 23,4 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc tiếp tục tăng, phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực điện tử, máy móc thiết bị và dệt may, giày dép. Tổng chi nhập khẩu đạt 51,1 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ.
Như vậy, thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc sau 11 tháng năm 2024 đạt gần 75 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2023. Dự kiến, thương mại hai chiều cả năm 2024 sẽ vượt mốc 80 tỷ USD.
Tiềm năng để phát triển thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc rất lớn. Hiệp định thương mại tự do song phương đã và đang góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.
Ngoài FTA song phương, các doanh nghiệp Việt còn có thêm lựa chọn khi có hoạt động giao thương xuất nhập khẩu với Hàn Quốc, nhờ vào Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực từ năm 2022 và một FTA khác là Hiệp định Thương mại tự do Asean - Hàn Quốc (AKFTA).
Mặt khác, cơ cấu xuất khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Trong bối cảnh các cam kết đầu tư, sản xuất lớn tiếp tục được mở rộng tại Việt Nam, xuất nhập khẩu điện tử sẽ cải thiện kim ngạch thần tốc hơn nữa.
Theo đó, Việt Nam - Hàn Quốc sẽ sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 dịp kỷ niệm 10 năm ký Hiệp định thương mại tự do Việt - Hàn (VKFTA) và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030.
Mekong ASEAN: Đâu là lợi thế thu hút đầu tư Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN? Những lĩnh vực nào hứa hẹn tiềm năng thu hút vốn FDI doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới?
Ông Hong Sun: Bên cạnh sự ổn định về chính trị, vị trí địa lý thuận lợi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực và thế giới. Việt Nam cũng đang tập trung vào các dự án hạ tầng mang tầm vóc lớn như hệ thống đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối các nước trong khu vực, tái khởi động dự án điện hạt nhân, các cảng biển lớn, … Đồng thời ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tận dụng thành tựu của CMCN 4.0.
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp nước ngoài. Những điều đó thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, đặc biệt là với các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tôi cũng đánh giá cao những chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho các doanh nghiệp phục hồi vượt qua khó khăn trong thời gian qua như việc gia hạn thời gian nộp thuế, giảm thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đã được thực hiện từ suốt năm 2022 và vừa được Quốc hội thông qua tiếp tục thực hiện đến 30/6/2025.
Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất, chi phí sinh hoạt, từ đó khuyến khích hoạt động kinh doanh và hoạt động tiêu dùng. Vì vậy, đây là một chính sách hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích sự phục hồi, phát triển của kinh tế nói chung.
Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tôn giáo cũng như con người với Hàn Quốc. Điều đó tạo nên sự gần gũi, yên tâm và dễ thích nghi khi tới Việt Nam kinh doanh, cũng là lý do “níu chân” những nhà đầu tư Hàn Quốc.
Vì những lý do đó, Việt Nam đã trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, là một trong những nước đón các nhà đầu tư Hàn Quốc nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư, sắp tới, sẽ có sự đa dạng hơn nữa lĩnh vực đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam, không phải chỉ là lĩnh vực sản xuất, chế tạo mà còn là các dự án hàng tỷ USD về năng lượng.
Việt Nam là một trong những nước có nhiều cơ hội để phát triển ngành chất bán dẫn. Vì vậy, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục xem xét cơ hội đầu tư mở rộng các chuỗi giá trị cung ứng của chất bán dẫn tại Việt Nam.
Đặc biệt, văn hóa và du lịch Việt Nam - Hàn Quốc sẽ có nhiều triển vọng phát triển hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới đối với lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia, 11 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách đông nhất đến Việt Nam với 4,1 triệu lượt; chiếm 26% thị phần khách quốc tế. Điều này cho thấy Hàn Quốc luôn là một thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và còn nhiều tiềm năng, dư địa để khai thác.
Nhận thấy tiềm năng này, năm 2024, KoCham nỗ lực đẩy mạnh hợp tác du lịch với các doanh nghiệp Việt Nam. Tháng 6/2024, KoCham đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về phát triển du lịch với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf). Thỏa thuận kỳ vọng Hoiana có thể tiếp cận sâu rộng hơn tới thị trường du lịch Hàn Quốc, giới thiệu và thu hút thêm nhiều du khách từ Hàn Quốc đến Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ảnh minh họa: Hình ảnh các hoạt động giao lưu, thúc đẩy du lịch - văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc.
Mekong ASEAN: Từ thành công của những doanh nghiệp lớn Hàn Quốc, để vươn ra thị trường quốc tế, kinh nghiệm nào cho doanh nghiệp Việt, theo ông?
Ông Hong Sun: Hiện khu vực FDI chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng lợi thế của Việt Nam có thể không kéo dài mãi, như chi phí lao động thấp hay các ưu đãi đầu tư sẽ không thể mãi tốt hơn các nước khác.
Để vươn ra thị trường quốc tế thì cần tinh thần dám mạo hiểm cũng như nêu cao chất lượng. Lấy ví dụ về thành công của Tập đoàn Samsung, với câu chuyện của những chiếc điện thoại Samsung thập niên 1990. Năm 1995, Chủ tịch Lee Kun-Hee của Samsung đã tập trung 2.000 nhân viên đứng trước cửa nhà máy Gumi và đốt cháy tổng cộng 150.000 chiếc điện thoại di động với lời khẳng định: “Nếu các anh vẫn còn tạo ra những sản phẩm kém cỏi như thế này, tôi sẽ quay lại đây và tôi sẽ đốt thêm một lần nữa”.
7 năm sau, model SCH-X430S trở thành mẫu điện thoại di động Samsung đầu tiên đạt doanh số 10 triệu chiếc. Sẽ chẳng có một mẫu điện thoại Samsung nào bán được 10 triệu chiếc, nếu như Chủ tịch Lee không thẳng thừng đốt điện thoại trước mặt nhân viên của mình.
Đó dường như là cam kết về chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất, trước khi đến tay người tiêu dùng, điều kiện cần để kinh doanh được trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia. Các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài, trước hết phải chú trọng chữ tín, cùng với đó là cần thêm sự tự tin để vươn ra biển lớn.
Việt Nam cũng đang có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang phát triển với tốc độ nhanh và mạnh, thì cần nỗ lực để vươn ra thị trường nước ngoài, trong đó cần lấy văn hóa là nền tảng để kinh doanh, nêu cao tinh thần học hỏi từ các đối tác quốc tế.
Văn hóa không tách rời mà phải luôn luôn gắn liền với kinh tế, hỗ trợ cho hợp tác kinh tế phát triển. Vì thế, cần chú trọng đến văn hóa như một điểm tựa góp phần phát triển kinh tế cũng như quan hệ hợp tác giữa các quốc gia
Doanh nghiệp Việt Nam rất có tiềm năng phát triển ra thế giới. Nhưng để doanh nghiệp Việt ra thế giới còn có rất nhiều hạn chế từ ngôn ngữ, văn hóa, trong khi đây là thế mạnh.
Hàn Quốc thì ngược lại, rất thành công trong việc đưa âm nhạc, phim ảnh… ra thế giới, tất nhiên, thành công này không phải ngẫu nhiên, mà nó đã có kế hoạch của Chính phủ từ hàng chục năm trước. Chính phủ Hàn Quốc xác định vai trò văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Mỗi doanh nghiệp có thể trở thành đại sứ văn hóa quảng bá đất nước, con người ra thế giới.
Để thấy rằng, các doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để dám đầu tư và hợp tác với đối tác nước ngoài, bởi thị trường quốc tế rất rộng lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế sẽ khó thực hiện hơn. Và văn hóa song hành cùng kinh tế là cả một chiến lược, một tầm nhìn, một quyết tâm.
Mekong ASEAN: Như ông đã chia sẻ, con người, văn hóa Việt Nam là một trong những điều ‘níu chân’ nhà đầu tư Hàn Quốc. Hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, điều gì về con người, văn hóa Việt Nam khiến ông ấn tượng?
Ông Hong Sun: Tôi đã đến Việt Nam từ năm 1994. Người Việt Nam chăm học, chăm làm, đôi tay khéo léo. Doanh nghiệp Việt Nam dám làm, dám đương đầu, hòa nhập và phát triển.
Một trong những tính cách đặc biệt của người Việt là không chờ đợi mà sẽ nỗ lực và có sự bật dậy đặc biệt sau khó khăn. Hơn 30 năm sinh sống tại Việt Nam, tôi chưa từng trải qua một cơn bão nào thảm khốc như Yagi.
Vừa dọn dẹp, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão là một quá trình không dễ dàng, nhưng người dân, doanh nghiệp Việt Nam đều tận lực tối đa cho quá trình tái thiết. Mục tiêu lớn nhất là sớm đưa doanh nghiệp vào hoạt động bình thường, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, tạo niềm tin và môi trường kinh doanh ổn định cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Tinh thần Việt Nam” luôn là điều doanh nghiệp Hàn Quốc ấn tượng và tin tưởng khi đầu tư, gắn bó với đất nước này.
Mekong ASEAN: Cảm ơn những chia sẻ của ông!
KIỀU CHINH
KIỀU CHINH
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/con-nguoi-van-hoa-viet-nam-niu-chan-nha-dau-tu-han-quoc-37653.html