'Con nhà người ta' - chiếc bóng vô hình làm mờ ước mơ con trẻ

'Con nhà người ta' - chiếc bóng vô hình làm mờ ước mơ con trẻ
7 giờ trướcBài gốc
Dưới bóng so sánh, ánh sáng sẽ mờ đi
Mùa thi qua đi không chỉ in dấu trên những trang giấy đầy công thức hay bài văn còn vương mùi mực mà còn khắc sâu một vết lặng trong trái tim Đoàn Trần Tường Vy, lớp 9, Trường THCS Thác Mơ, thị xã Phước Long. Cầm bảng điểm tổng kết, em lặng lẽ nhìn những con số, dù đã nỗ lực vượt bậc, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến nhưng niềm vui ấy vụt tắt trước tiếng thở dài của gia đình.
“Cùng tuổi, cùng lớp, bạn Ngọc đã là học sinh xuất sắc, rộng mở cánh cửa vào trường chuyên. Còn con, chỉ dám nghĩ đến ngôi trường gần nhà. Sao con không thể tự tin như con nhà người ta?” - lời nói vô tình của ba Tường Vy tựa như cứa vào trái tim nhạy cảm của em.
Chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10, Đoàn Trần Tường Vy (lớp 9, Trường THCS Thác Mơ, thị xã Phước Long) đang phải gánh trên vai những “ước mơ của ba mẹ”
“Mỗi lần bị so sánh, em thấy mình như một kẻ thất bại. Cố gắng bao nhiêu cũng vô nghĩa trước cái bóng “người ta” quá lớn... Dù em có đam mê hội họa và từng giành giải thưởng nhưng không dám khoe. Trong mắt bố mẹ, những nét vẽ của em chẳng “đáng” bằng điểm 9, điểm 10 của bạn bè… Đang chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10, em thật sự mơ hồ với việc chọn khối học để theo đuổi ước mơ của mình” - giọng Vy nghẹn đắng.
“Con nhà người ta” - hình mẫu đã ăn sâu vào từng nếp nhà, len lỏi vào từng bữa cơm, ám ảnh từng câu chuyện. Dù biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng các bậc làm cha mẹ vẫn không dằn được lòng mà so sánh con mình. Từ cân nặng, chiều cao cho đến điểm số... đều có thể trở thành mục tiêu để các bậc phụ huynh đặt lên bàn cân so sánh.
Biết bao nhiêu học sinh đã rơi vào vực sâu của sự chán nản, tự ti, thậm chí trầm cảm, chỉ vì cha mẹ đặt nặng kỳ vọng mà quên đi sự lắng nghe, thấu hiểu. “Con nhà người ta” từ một lời khích lệ mơ hồ đã biến thành chiếc bóng lớn lấn át cả những ước mơ riêng, khiến nhiều đứa trẻ bị tổn thương, trở nên hoài nghi đánh mất chính mình.
“Không phải con không muốn tốt như người ta. Nhưng con là con, đâu thể sống một cuộc đời sao y bản chính của ai đó...” - em Nguyễn Lê Anh Thư, Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài) bộc bạch.
So sánh - liệu có phải là cách khơi dậy nghị lực?
Cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang, thành đạt. Từ sâu thẳm, việc lấy một “hình mẫu tiêu biểu” để khích lệ con vươn lên không phải điều sai. Nhưng điều khiến đứa trẻ tổn thương không nằm ở mục tiêu được đưa ra, mà ở cách so sánh, ở ánh nhìn chưa đủ thấu cảm, ở những áp lực âm thầm nhưng nặng nề.
Theo Tiến sĩ tâm lý Uông Thị Lê Na, giảng viên Trường Cao đẳng Bình Phước: “Việc so sánh con mình với người khác có thể mang lại tác dụng nếu được thực hiện đúng cách, đúng thời điểm. Nhưng nếu lạm dụng, sẽ khiến trẻ bị tổn thương, ích kỉ, chai lì cảm xúc, thậm chí có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm, tự làm đau bản thân hoặc phản ứng tiêu cực với cha mẹ”.
Thực tế, nhiều vụ việc đau lòng đã bắt nguồn từ việc cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn mà thiếu sự thấu hiểu, dẫn đến khoảng cách ngày càng xa giữa các thế hệ. Có những đứa trẻ từng bị chai lì cảm xúc, cãi lại cha mẹ, bỏ ngoài tai lời khuyên bảo, hoặc thu mình, trầm cảm chỉ vì cảm giác rằng mình “không đủ tốt”, “mãi mãi thua kém người khác”.
Giảm kỳ vọng, tăng kỳ công
Khi những kỳ thi qua đi, điều đọng lại không chỉ là điểm số mà là cách con nhớ về sự đồng hành của gia đình. Là một ánh mắt động viên, một câu nói nhẹ nhàng: “Bố mẹ biết con đã cố gắng rồi”. Và đôi khi, chỉ cần vậy cũng đủ khiến con “tỏa sáng” theo cách rất riêng của mình.
Yêu con không phải là đặt con lên bàn cân, mà là cùng con lớn lên mỗi ngày
Khác với những gia đình thường xuyên đặt con lên bàn cân so sánh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phức (ngụ xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng) lại chọn cách đồng hành cùng con bằng sự tôn trọng và thấu hiểu. Gia đình anh có 5 người con, mỗi người đều có thế mạnh, tính cách riêng biệt. Với anh Phức, không đứa trẻ nào là “kém cỏi”, chỉ cần được khích lệ đúng cách thì mỗi đứa trẻ đều có thể phát huy hết khả năng của mình. Chính sự tin tưởng, động viên ấy đã trở thành chất xúc tác giúp các con anh vững vàng theo đuổi ước mơ.
Câu chuyện đáng ngưỡng mộ nhất là con gái đầu của anh - một học sinh tại trường THPT chuyên ở địa phương đã từng được 12 trường đại học tại Mỹ đồng loạt gửi thư mời nhập học, trong đó có cả những trường nằm trong top đầu. Điều đặc biệt, em không chỉ giỏi học thuật mà còn nổi bật ở các hoạt động xã hội và khả năng lãnh đạo - những điều chỉ có thể phát triển khi được sống trong môi trường gia đình tôn trọng và nuôi dưỡng sự tự tin.
Anh Phức chia sẻ: “Chúng tôi không đặt áp lực thành tích, không so sánh con với bất kỳ ai và cũng không so sánh các con với nhau. Thay vào đó, mỗi bước tiến nhỏ của con đều được lắng nghe, ghi nhận và động viên. Tôi tin rằng khi trẻ được lớn lên bằng tình yêu thương và niềm tin, các con sẽ biết cách tỏa sáng theo cách riêng của mình”.
Tình yêu không cần điều kiện, chỉ cần thấu hiểu
Giáo dục gia đình - môi trường đầu tiên và quan trọng nhất cần đặt nền tảng trên sự thấu cảm, đồng hành và ghi nhận. Điều cha mẹ cần không phải là khuôn mẫu để con vừa vặn bước vào, mà là một tấm gương soi để con thấy mình ngày hôm nay tốt hơn hôm qua. So sánh con với chính mình, dõi theo từng tiến bộ nhỏ bé của con, quan trọng hơn nhiều so với việc đặt lên con những thành tựu của người khác.
Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng, với những ước mơ không giống nhau
Mỗi đứa trẻ là một mầm cây mang hình hài và nhịp thở riêng. Có cây ưa nắng, có cây hợp bóng râm; có mầm vươn cao thật nhanh, cũng có mầm cần thêm thời gian để bật chồi. Nhưng điều tất cả những mầm cây ấy cần, không phải là sự so sánh, mà là một môi trường đủ yêu thương, đủ tin tưởng để lớn lên vững vàng. Đã đến lúc các bậc cha mẹ thôi tìm kiếm hình mẫu “con nhà người ta” để áp lên con mình, mà hãy đồng hành, khơi gợi, tôn trọng sự khác biệt vì mỗi đứa trẻ chỉ có thể tỏa sáng theo cách riêng của chính nó.
Khi lời động viên thay cho sự so bì, khi tình yêu thương thay cho kỳ vọng áp đặt, thì những đứa trẻ sẽ không chỉ học giỏi, chăm ngoan mà còn trưởng thành với trái tim lành mạnh, một tinh thần tự tin và khát vọng đóng góp tích cực cho xã hội. Đừng để “con nhà người ta” trở thành cái bóng đè nặng lên tuổi thơ của con bạn. Bởi chính cha mẹ là người nắm giữ ngọn đèn, quyết định ánh sáng trong con mình có được tự do tỏa rạng hay không.
Thiên Thư
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/173088/con-nha-nguoi-ta-chiec-bong-vo-hinh-lam-mo-uoc-mo-con-tre