Mô-típ “sống ảo” để lừa đảo
Trong số hơn 2.660 bị hại của Phó Đức Nam trên toàn quốc, có một sinh viên 22 tuổi. Người này ngưỡng mộ Nam vì cái mác "chuyên gia đầu tư chứng khoán bất bại". Mỗi video Nam đăng tải cùng siêu xe, tiền tỷ, cuộc sống giàu có đã khiến nam sinh này sẵn sàng bỏ ra 8 tỷ đồng để đầu tư.
Số tiền “khủng” chưa thể thống kê hết của các bị hại là minh chứng cho lời thú nhận của Nam tại cơ quan điều tra. "Khi người ta thấy nhà đẹp, xe sang sẽ bị cuốn hút và từ đó dễ tạo được sự tin tưởng để lôi kéo tham gia đầu tư tài chính", Phó Đức Nam khai.
Qua công tác đấu tranh phá án, Công an TP Hà Nội đánh giá, các nạn nhân sập bẫy đa số tin vào sự hào nhoáng, giàu có của Nam. "Tính đến nay, đây là đường dây lừa đảo lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán", phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội thông tin trong buổi họp báo chuyên án.
Rõ ràng, việc xây dựng hình ảnh “toát ra mùi tiền” trên mạng xã hội khiến nhiều người choáng ngợp đã trở thành chiêu thức để Nam vận hành đường dây lừa đảo.
Tiền mặt và vàng thu giữ được trong chuyên án Phó Đức Nam
Trên thực tế, việc thuê xe, mượn quần áo, mượn túi xách, thậm chí mượn luôn cả lời văn để quảng cáo về mô hình kinh doanh đa cấp, tiền ảo, tài chính là cách mà nhiều "chủ tịch" tự phong đang làm trên mạng xã hội.
Thời gian qua, mạng xã hội tràn lan hình ảnh, video ghi lại một buổi chụp ảnh ngoài trời được cho là của các thủ lĩnh, chuyên gia tài chính – đầu tư. Trong đoạn video, có khoảng 10 người đang đứng xếp hàng, thay nhau tạo dáng, chụp ảnh bên cạnh một chiếc ôtô.
Ngay sau khi đoạn video được đăng tải, cư dân mạng nhận ra đây là những người tự xưng chủ tịch, chuyên gia tài chính, chuyên gia đọc lệnh top 1, Top 1 Trade bất bại…
Hình ảnh các "chủ tịch" tự phong quảng cáo trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Tìm hiểu tài khoản Facebook và Tiktok của các “chủ tịch” này mới thấy, dù mỗi người đang làm cho sàn chứng khoán ảo nào thì tất cả đều có chung một bài: đảm bảo có lãi, lợi nhuận cao, kiếm tiền dễ dàng, bỏ ra 1 đồng thu về 10 đồng, không cần kiến thức tài chính chỉ cần ngồi nhà bấm điện thoại.
Còn nhiều Mr Pips
Vài năm gần đây, tình trạng chèo kéo, dụ dỗ người có tiền đầu tư vào vàng và chứng khoán quốc tế rất phổ biến. Thậm chí, chỉ cần tham gia 5 nhóm chuyên dành để thảo luận về ngoại hối, giá dầu và cổ phiếu quốc tế, phóng viên đã nhận được tin nhắn từ 10 tài khoản khác nhau, tự xưng chuyên gia tài chính, hứa hẹn "không cần nghiên cứu sâu vẫn có thể thu được lãi khủng".
"Sàn bên em là sàn chuẩn, đầy đủ chứng chỉ ASIC,VFSC có trụ sở tại Châu Âu. Vào đây, em cam kết nạp rút ổn định, trượt giá thấp, hoa hồng 20% tiền nạp, hoàn tiền và miễn phí mở lệnh qua đêm, hỗ trợ 24/7 với đa dạng sản phẩm như: nhóm tín hiệu, sao chép giao dịch, giao dịch bằng robot, webinar phân tích thị trường...", tài khoản tên Minh Invest, tự nhận “chuyên gia đọc lệnh”, cho biết.
Chia sẻ với Đài Hà Nội, anh Nguyễn Thanh Lộc, 26 tuổi, nhân viên văn phòng trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, cũng trở thành nạn nhân của sàn chứng khoán quốc tế ảo.
“Ban đầu đối tượng lừa đảo tiếp cận tạo niềm tin và nói rằng đang quản lý data trên sàn chứng khoán nên biết được lỗ hổng của sàn. Giờ chỉ cần giao dịch khi hệ thống lỗi thì chắc chắn sẽ thắng được tiền. Nếu tôi chấp nhập hợp tác thì sẽ nhận được lãi suất 10 - 15%/tháng, thậm chí từ 100 - 200%/năm. Sau khi nạp tiền đầu tư lần đầu, tôi rút tiền về rất nhanh và còn được thưởng 11 triệu.
Sau đó vì muốn sinh lời nhiều hơn nên mình đầu tư toàn bộ số tiền mình có. Đến khi rút tiền thì hệ thống báo tài khoản của mình hết hạn, phải nạp thêm tiền để gia hạn tài khoản mới lấy được tiền ra. Tôi rất sốc vì mất tiền nên không được bình tĩnh. Tôi cố gắng xoay tiền để nạp nhiều lần nữa nhưng sàn vẫn thông báo phải nạp thêm thì mới rút được tiền cũ. Đến khi mất trắng 3,8 tỷ đồng, tôi mới ngớ người ra mình đã bị lừa. Số tiền này là toàn bộ tiền tiết kiệm và tiền vay mượn từ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè…", anh Lộc chia sẻ.
Không chỉ anh Lộc, hàng nghìn người trong các nhóm kín tập hợp các nạn nhân của sàn chứng khoán ảo, đầu tư vàng… vẫn đang phải xoay sở cuộc sống sau khi trút hết tiền vào đầu tư.
Các sàn giao dịch quốc tế tổ chức hội thảo, hội nghị đầu tư để mời gọi người dân tham gia đầu tư, giao dịch
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã khảo sát từ ngày 28/11 đến 14/12 đối với trên 59.000 người dùng cá nhân tham gia. Kết quả, cứ 220 người dùng thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.
Trong đó, hình thức mời gọi đầu tư giả là một trong 3 hình thức lừa đảo phổ biến nhất năm 2024. Thậm chí, có tới 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao. Hai hình thức phổ biến còn lại là giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Nhiều chuyên gia nhận định, chính thị trường lừa đảo còn béo bở, người dân ham làm giàu nhanh nên bỏ qua những cảnh báo từ cơ quan chức năng… Đây là điều kiện để sản sinh các phiên bản lừa đảo kiểu Mr Pips.
Không có miếng pho-mát miễn phí
Cơ quan công an ước tính, số tài sản thu giữ được từ Mr Pips lên tới 5.200 tỷ. Con số này khiến dư luận “dậy sóng” bởi quy mô của đường dây lừa đảo.
“Tại sao có thể lừa được số tiền lớn như thế. Trước khi xuống tiền, nạn nhân không tự hỏi vì sao họ miệt mài chào mời mình ngày đêm trong khi lãi lớn, kiếm tiền dễ vậy sao?”, tài khoản Lê Thúy bình luận.
“Nếu có cơ hội làm giàu nhanh như vậy thì họ phải ưu tiên bản thân và gia đình trước chứ nhỉ”, tài khoản Thành Nam thắc mắc.
Phó Đức Nam (Tức Mr Pips) thời điểm bị bắt giữ.
Đại tá Thành Kiên Trung, Trưởng Công an quận Cầu Giấy, khẳng định các sàn giao dịch quốc tế về chứng khoán chưa được cấp phép tại Việt Nam. Do đó, mọi sàn giao dịch này hiện tại đều bất hợp pháp.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), "không có mô hình kinh doanh nào mang về lợi nhuận cao khủng khiếp đến thế, chỉ có làm ăn bất chính mới như vậy". Do vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo, đầu tư thông minh chứ không nên ồ ạt theo phong trào. Nếu muốn đầu tư, cần phải xem xét kỹ 3 yếu tố: Sự an toàn, lợi nhuận và mức thanh khoản.
Ông Long cho biết quy định của pháp luật chứng khoán, chỉ có Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán TPHCM được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam. Ngoài ra, không có tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư khi tham gia đầu tư chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành cần hết sức thận trọng. Đặc biệt là đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, lời mời đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hay phái sinh quốc tế.