Đưa sản phẩm dược liệu được nghiên cứu, bào chế ra thị trường
Tự thân vận động
Cách đây khoảng 2 năm, Dự án Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất giống nguồn gen cá nâu do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện đã cho ra thành phẩm hơn 70 vạn giống cá nâu. Số giống này được phục vụ tái tạo nguồn lợi thủy sản ở một số đầm, phá, đảo nhỏ trong và ngoài thành phố Huế. Ngoài ra, một số được chuyển cho các doanh nghiệp nuôi thương phẩm.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, chủ nhiệm dự án cho biết, có 4 cơ sở là doanh nghiệp, trung tâm tham gia cùng dự án áp dụng quy trình công nghệ sản xuất nguồn gen cá nâu để sản xuất ra con giống. Số giống được các cơ sở ứng dụng sản xuất đã được bán ra và được thị trường đón nhận rất tích cực, đơn đặt hàng tăng lên.
Ngoài dự án nghiên cứu giống cá nâu hay nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng tạo khác về nông nghiệp, dược liệu, hóa mỹ phẩm, thực phẩm... trên địa bàn đã thương mại hóa thành công, vẫn có không ít những kết quả, sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo còn nằm trên giấy, trong phòng thí nghiệm. Trần Bảo Phúc, thành viên nhóm thực hiện Đề tài tái sử dụng thực phẩm thừa để nuôi ruồi lính đen khá tiếc khi đề tài của nhóm dù được Hội đồng cuộc thi Startup Kite của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đánh giá có tính sáng tạo, thực tiễn cao trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm an toàn, nhưng hiện vẫn tạm “án binh”, chờ tìm đối tác để chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm.
Sản phẩm từ nghiên cứu khoa học được chào bán ra thị trường một phần là nhờ có sự hợp tác của doanh nghiệp với nhà khoa học
Hay Đề tài nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano bạc để sản xuất một số sản phẩm hóa mỹ phẩm kháng khuẩn, làm lành vết bỏng, vết thương, lở loét, côn trùng đốt, khử mùi, chăm sóc da... của TS. Lê Quang Tiến Dũng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế rất hữu dụng, nhưng để thương mại hóa sản phẩm, tự thân TS. Dũng phải tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường và lượng tiêu thụ còn nhỏ giọt.
Theo thống kê của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, có hàng ngàn đề tài, công trình, giải pháp nghiên cứu khoa học tại các hội thi, cuộc thi và nhiều đề tài luận văn của tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp II, đề tài trong các thư viện của các trường đại học... xứng đáng ứng dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển giao, thương mại hóa kết quả vẫn còn rất ít ỏi.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cũng thừa nhận có những đề tài, dự án chỉ dừng lại ở thử nghiệm hoặc mô hình với mức độ tác động nhỏ mà chưa được chuyển giao nhân rộng ra thực tiễn. Một số nghiên cứu cho kết quả tốt lại chưa kết nối được giữa doanh nghiệp và nhà khoa học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Doanh nghiệp và nhà khoa học cùng “bắt tay”
Thời gian qua, một số cơ chế, chính sách được Chính phủ ban hành có liên quan đến thương mại hóa kết quả, sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo như Nghị quyết 193/2025/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia kỳ vọng sẽ gỡ được rào cản. Song nhiều ý kiến cho rằng, để thương mại hóa thành công còn phụ thuộc vào doanh nghiệp, đối tác liên kết và nhu cầu thị trường.
Phân tích vấn đề này, TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, một trong những người tham gia thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cho rằng, nghiên cứu khoa học, sáng tạo cũng là một sự đầu tư và những nhà khoa học đang rất cần được hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức dám trả tiền để họ nghiên cứu. Nếu nghĩ thoáng về yếu tố rủi ro, mạo hiểm thì sẽ tạo thuận lợi, kích thích nhà khoa học dấn thân, vì họ luôn có sẵn trí tuệ và đam mê nghiên cứu, sáng tạo, nhưng họ chỉ thiếu kinh phí. Quan trọng là nhà đầu tư có dám mạo hiểm chấp nhận độ trễ, hay thất bại trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo hay không. Còn khi kết quả nghiên cứu đã thành công, chắc chắn sản phẩm sẽ được doanh nghiệp kết nối đưa ra thị trường và đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Theo TS. Hoàng, có vẻ như lòng tin giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với nhà khoa học vẫn đang còn giữ một khoảng cách. Một số đơn vị đã thu được thành công trong hợp tác này đa phần là vì nhà khoa học đồng thời làm nghiên cứu và làm nhà kinh doanh. Tất nhiên con số này ở Huế rất ít, vì thực ra kinh doanh là một lĩnh vực mà không phải nhà khoa học nào cũng làm được. Nên cũng cần phân biệt và xác định rõ nhà khoa học làm việc của khoa học và nên có nhà kinh doanh cùng bắt tay song hành để hình thành một cơ chế làm việc theo nhóm mà ở đó có đủ các thành phần, tin tưởng lẫn nhau để xây dựng, phát triển sản phẩm nghiên cứu sáng tạo ra thị trường. Bên cạnh đó, rất cần thêm sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tạo “chất xúc tác” kích thích các bên hợp tác.
Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bàn về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh cần khuyến khích cơ chế đặt hàng nghiên cứu cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp từ trường đại học và viện nghiên cứu để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, đưa sản phẩm nghiên cứu lưu thông mạnh ra thị trường.
Hoài Thương