Còn nhiều ý kiến với dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới

Còn nhiều ý kiến với dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều điều khoản quy định trong Nghị định kinh doanh xăng dầu bị phản đối. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp bán lẻ lo bị “thâu tóm”
Nhiều lần lên tiếng vì không được Bộ Công Thương mời tham dự Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới (dù là đối tượng bị tác động trực tiếp bởi Nghị định), cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) xăng dầu đã quyết định ủy quyền cho ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc gửi thư kiến nghị lên các cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.
Theo đó, trong thư kiến nghị lần thứ 2 của cộng đồng DNBL, ông Giang Chấn Tây kiến nghị đề nghị “tách các DN đầu mối ra khỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu (CHBL) của họ để các CHBL này hạch toán độc lập về tài chính và độc lập về pháp nhân điều hành”. Ông Tây cho rằng, chỉ có cách này toàn bộ DNBL trên toàn lãnh thổ Việt Nam mới hoạt động cạnh tranh công bằng, từ đó làm cho thị trường hoạt động tốt hơn, Nhà nước phân cấp quản lý thuận tiện hơn, thu thuế đúng và đủ hơn.
Phân tích rõ hơn, ông Tây nói, việc để DN đầu mối thực hiện đủ các mắt xích kinh doanh từ nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đã tạo điều kiện để các CHBL của đầu mối được “bao bọc, không sợ lỗ”, thậm chí chấp nhận bán lỗ khâu bán lẻ để cạnh tranh triệt hạ các CHBL khác thuộc khối tư nhân thông qua chính sách khuyến mãi ngày vàng, giờ vàng, chiết khấu trực tiếp cho khách hàng mua số lượng lớn, tích điểm và hoàn tiền, giảm giá khi thanh toán bằng thẻ, ưu đãi định kỳ, ưu đãi cho khách hàng là DN... Tất cả những động thái này là hình thức giảm giá trá hình để cạnh tranh không lành mạnh với các CHBL khác, làm trái quy định và làm sai lệch giá bán lẻ mà Nhà nước đã quy định.
"Nóng" chuyện mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối
Bên cạnh đó, thư kiến nghị cũng đề nghị dự thảo nghị định nên để DNBL và thương nhân phân phối (TNPP) được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau để điều tiết nguồn hàng cung - cầu theo quy luật kinh tế thị trường. Đây cũng là vấn đề mà nhiều Bộ, ngành khác đã góp ý cho dự thảo này của Bộ Công Thương.
Cụ thể, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phản đối việc Bộ Công Thương không cho phép các TNPP mua bán xăng dầu với nhau là do lo ngại sẽ có tình trạng mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao. Theo đó, VCCI cho rằng, lập luận này không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường. Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những TNPP có giá thấp hơn. Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. TNPP nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.
Phân tích thêm, VCCI cho biết, trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định hệ thống phân phối 1:1, tức là DNBL buộc phải phụ thuộc vào TNPP. Trong trường hợp đó, nếu TNPP tăng giá bán (thông qua việc giảm chiết khấu), DNBL không thể đổi sang nhà cung cấp khác, nên buộc phải chịu giá cao. Tuy nhiên, từ Nghị định 80/2023/NĐ-CP đã cho phép DNBL được nhập hàng từ nhiều nguồn, tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên nên tình trạng trên đã không còn diễn ra.
Ngoài ra, lập luận “việc mua bán xăng dầu giữa các TNPP xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều TNPP xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ “ảo” trên thị trường” cũng bị VCCI phản bác. VCCI cho rằng, theo dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông chỉ áp dụng cho thương nhân đầu mối, không áp dụng cho các TNPP. Thêm vào đó, dự thảo đã bổ sung quy định yêu cầu về việc thương nhân đầu mối phải kết nối mạng với Bộ Công Thương báo cáo dữ liệu về kho chứa xăng dầu, tồn kho xăng dầu, từ đây Bộ sẽ nắm được số liệu thực tế của thị trường xăng dầu.
Tuy nhiên, dù bị nhiều đơn vị phản đối nhưng Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm của mình. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Phan Văn Chinh khẳng định, quan điểm của Bộ Công Thương là DN được làm những gì pháp luật không cấm, tuy nhiên đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, DN phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện quy định cụ thể với từng mắt xích trong chuỗi.
Đại diện một TNPP phản bác: “Điều kiện này là quy định về kinh doanh như kho bãi, cửa hàng, các thủ tục hành chính, không thể đưa việc mua bán bị giới hạn được coi là một điều kiện kinh doanh. Rõ ràng việc này vi phạm quy định pháp luật, DN được làm các điều mà pháp luật không cấm. Chúng tôi mua bán lẫn nhau nhưng vẫn đảm bảo giá bán lẻ đúng giá quy định”.
Hoàng Tú
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/con-nhieu-y-kien-voi-du-thao-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-moi-post530333.html