Tuy vậy, dư luận vẫn còn không ít băn khoăn về những "biến tướng" có thể nảy sinh trong dạy thêm, học thêm.
Hướng đến việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh, không ảnh hưởng đến việc tổ chức chương trình giáo dục của nhà trường, ngăn chặn các nguy cơ tiêu cực, Thông tư 29 quy định rất rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm: không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh…
Quy định khá tường minh, nhưng giáo viên và phụ huynh vẫn đặt ra nhiều câu hỏi: những học sinh thiết tha học, mong muốn xin vào lớp học thêm, cô giáo có được nhận không? Những học sinh lớp 1 chưa đọc thông, viết thạo, phụ huynh gửi cô kèm có bị cấm không? Cô giáo chỉ dạy dưới 10 học sinh và dạy 2 buổi/tuần, liệu có phải đăng ký kinh doanh?
Thật ra, Thông tư 29 cũng có những quy định tưởng "cứng" nhưng thực tế rất dễ "lách" như giáo viên công lập không được quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Việc này không khó để nhờ người nhà, người thân đứng tên đăng ký. Hay giáo viên đi dạy thêm phải báo cáo hiệu trưởng sẽ dẫn đến hiện tượng đi dạy tại 3 - 4 nơi, chỉ báo cáo 1 nơi lấy lệ.
Dư luận cũng cho rằng, các quy định đặt ra cũng khó ngăn chặn được những “biến tướng” của hình thức dạy thêm, học thêm. Đơn cử như các trường có thể mở câu lạc bộ Toán, Văn, Anh có thu phí, xếp giờ học câu lạc bộ xen lẫn tiết học chính khóa. Không cho giáo viên trường công lập được dạy thêm với học sinh mình dạy trên lớp thì giáo viên sẽ liên kết với các trung tâm bên ngoài rồi đưa học sinh của mình đến...
Thông tư không nêu hình thức xử phạt nếu giáo viên cố tình vi phạm quy định nên khó tạo sức răn đe. Tuy nhiên lại nhấn mạnh việc giám sát dạy thêm, học thêm không chỉ ngành giáo dục hay chính quyền địa phương, mà còn có giám sát toàn dân, của học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã ban hành. Nghĩa là cả phụ huynh, giáo viên, dư luận đều phải tham gia giám sát hoạt động này, thậm chí có thể “khui” những sai phạm...
Dạy thêm, học thêm và quy định quản lý về dạy thêm, học thêm suy cho cùng là hướng đến mục tiêu dạy tốt, học tốt. Vấn đề cốt lõi là xây dựng và củng cố đạo đức nghề nghiệp nhà giáo để thầy cô nhận thức được giới hạn của mình và không sai phạm; có chính sách đãi ngộ tương xứng với nghề giáo, để thầy cô có động lực phấn đấu, hết lòng trong công tác giảng dạy, bảo đảm học sinh nắm đúng, đủ kiến thức, không cần đi học thêm.
Hơn cả là chương trình học được giảm tải, đề kiểm tra đánh giá, đề thi không vượt ngoài phạm vi sách giáo khoa. Có như vậy sẽ phân hóa được nhu cầu thực sự của học sinh, phụ huynh; áp lực lên học sinh, phụ huynh, giáo viên đều được giảm bớt và không phát sinh những tiêu cực liên quan công tác dạy thêm, học thêm.
Nam Du