Con nói nhanh lên!

Con nói nhanh lên!
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh hai bố con chụp với nhau vô cùng hiếm.
1. Kiểm điểm lại thì đúng là ảnh chỉ có 2 bố con chụp với nhau là vô cùng hiếm. Tôi nhớ ra có cái này là đẹp nhất. Bác thợ ảnh tại một phòng chụp ở phố Lao Động (Cẩm Phả) nhét vào tay tôi 2 bông tóc tiên thơm nức và ghi lại khoảnh khắc có lẽ là hoàn mỹ nhất trong đời. Nghĩa là khi bố còn trẻ khỏe, tôi còn vô lo - mọi thứ đều vừa vặn để người ta nếm được ngay vị ngọt của hạnh phúc. Một ảnh nữa bé bằng con tem chụp từ lúc tôi còn chưa biết nói đang ở cuốn album nào đó… Kể từ khi bố mới ngã bệnh tầm này năm ngoái thì hai bố con có "selfie" đấy nhưng chắc tôi sẽ giữ cho riêng mình thôi.
Việc hai bố con chẳng có ảnh chụp riêng có thể do với tôi bố là một cái gì đó luôn sẵn đấy, không thể mất đi đâu được mà phải lo gìn giữ, nâng niu. Nhưng cũng có thể do hai bố con không hợp tính nhau lắm. Chắc chắn rằng để có nhiều ảnh chụp chung ngoài việc ở với nhau nhiều thì còn phải có nhiều chuyện để nói với nhau nữa…
Từ khi bố trở nặng, hai bố con nói chuyện nhiều hơn, có khi bằng cả mấy năm cộng lại. Mỗi tội, khi đó sự giao tiếp không còn được thông suốt. Khó khăn lắm tôi mới nghe được bố tôi nói gì. Nhưng khi tôi nói mấy chuyện liên quan đến việc xảy ra sau khi chết theo quan điểm Phật pháp (tất nhiên tôi cũng “nghe hơi nồi chõ” vậy) thì bố tôi bảo: “Con nói lắm quá”. Khi tôi nói lời cảm ơn bố vì đã nuôi dạy, chăm lo cho chúng tôi thì bố tôi nhăn nhó: “Con nói nhanh lên!”. Dịch ra là nhanh lên không là bố không nghe thấy gì nữa đâu… Đấy là hai câu hiếm hoi bố nói rõ ràng trước khi mất.
À còn một câu nữa là “Con để cho bố nghỉ” nói với giọng dịu dàng. Ấy là khi tôi đang đọc dở bài nguyện của Phật Phổ Hiền. Giữa chừng của lần đọc thứ hai thì ông bảo nghỉ. Tất nhiên khi đó tôi chỉ đọc những gì Phật pháp và đề nghị bài gì ông cũng đều gật. Tôi sẽ nhớ mãi khuôn mặt của ông chuyển sang trạng thái thư giãn, có khi như đang say ngủ khi tôi đọc (dù mới trước đó còn lộ vẻ đau đớn). Do vậy thỉnh thoảng tôi phải dừng lại để hỏi ông có đang nghe không. Ông ra hiệu, tôi mới đọc tiếp.
2. Hồi bé tôi hay được khen là giống bố nhưng chính bố mẹ tôi cũng phải thừa nhận rằng bố tôi đẹp trai hơn tôi. Tôi cũng không có căn cứ gì để phản đối. Vài năm trước chính tôi nghe thấy bố nói chuyện với mẹ tôi khi hai người cùng xem truyền hình: “Thằng Hà nhà mình không được như mấy thằng này nhỉ?!” Làm tôi ngớ ra, quên cả cười. Câu nói này hẳn thể hiện băn khoăn bấy lâu nay của cả hai bố mẹ, rằng sao chúng mình đều đẹp thế mà con cái lại chả thừa hưởng gen trội gì cả.
Nhưng ở khía cạnh khác nó cũng thể hiện biệt nhãn của bố tôi khi dám tự tin so sánh tôi hẳn với các nam diễn viên Hàn Quốc. Nghĩa là con mình không được như “mấy thằng này” song chả kém cạnh gì lắm, kiểu vậy…
Bức ảnh chụp khi tôi học năm nhất đại học.
3. Ngoài đẹp trai (điều này mãi về sau tôi mới để ý còn hồi bé với tôi đương nhiên bố là như thế rồi), bố tôi còn giỏi giang và có tài lẻ (hát hay, làm thơ) mà tôi được thừa hưởng ít nhiều. Bố tôi đủ điểm đi học nước ngoài nhưng vì hoàn cảnh nên chỉ học trong nước, hình như khóa Xây dựng đầu tiên của ĐH Bách Khoa. Ông làm giảng viên ĐH Xây dựng mười mấy năm trước khi về công tác tại Quảng Ninh cho gần vợ con.
Nhưng có một khả năng tôi không thừa hưởng được từ bố. Đó là khoa nói (cái này thì ông giống bà nội tôi - người từng làm giáo viên hội thẩm nhân dân). Tất nhiên ông luôn làm chủ hôn trong các đám cưới của dòng họ, bức ảnh kèm theo đây chụp trong đám cưới của cô út tôi. Tôi có thể nói dăm câu ba điều trong chừng mực của một nhà báo, tức là hỏi hoặc lấp chỗ trống trong một chương trình. Nhưng để thuyết trình cho ra tấm ra món hoặc nói chuyên sâu về một vấn đề thì còn hạn chế. Cũng dễ hiểu vì tôi chả chuyên nhất một thứ gì.
Vậy nên tôi định nhờ chú út đọc lời cảm ơn trong lễ truy điệu bố tôi. Nhưng chú khuyên tôi tự viết và đọc, tôi thấy vậy cũng phải. Lễ tang ông bà tôi, chẳng ai khác ngoài bố tôi làm việc đó. Nhưng ông nói vo hoàn toàn, còn tôi thì chỉ đọc thôi còn chưa nên hồn. Nhưng ít ra bằng “ngòi bút”, tôi cũng phần nào nói lên được tình cảm và suy nghĩ của mình dành cho bố. Người đã chăm lo cho tôi nhiều hơn tôi tưởng. Cũng vì ngày xưa tôi cho việc mình đòi hỏi và bố mẹ đáp ứng là đương nhiên nên thực sự cũng không biết trân trọng đúng mực.
4. Tôi đọc sách và nghe nhạc phần lớn cũng do môi trường mà bố tôi tạo dựng trong gia đình. Tuy bố là dân khoa học tự nhiên nhưng trữ và cập nhật nhiều sách báo về văn chương, mỹ thuật. Bố tôi không chỉ đọc Tạp chí Khoa học Đời sống mà còn cả Tạp chí Mỹ thuật của Liên Xô, nghĩa là bằng tiếng Nga. Còn tôi tha hồ giở ra xem tranh. Ông cũng thường lấy các bức tranh cổ điển trong tạp chí đó ra kẹp giữa hai mảnh kính (mà không cần khung) để treo trong nhà.
Về sau tôi nảy nòi sở thích trồng cây cảnh. Thì đó cũng là thú chơi của ông hồi tôi còn bé. Có điều ông trồng cây mát tay hơn tôi. Trong bức ảnh này hẳn ông có ý muốn khoe bông cẩm tú cầu mới trồng được. Ông thân với bên công ty công viên cây xanh, nên là cứ có giống cây gì mới ông lại mang về nhà trồng và đều thành công. Nhà tôi không chỉ có dàn nho mà còn là nhà đầu tiên trong vùng có dàn chanh leo. Nhưng hồi đấy chả ai biết ăn, ngửi thì thơm nhưng nếm chỉ thấy chua lè nên toàn ngắm hoa là chính. Sau nhà còn có một dàn nhỏ hơn cho mướp ta và có lần là “mướp Ấn Độ”- quả này bây giờ phổ biến với tên gọi lặc lè. Hồi đó nó hẵng còn mới lạ nên nhà tôi toàn để chín mới ăn. Khi chín, ruột nó chuyển màu đỏ và có vị ngọt lợ chả hấp dẫn gì. Để xào khi còn xanh mới chuẩn bài nhưng hồi đấy có biết đâu. Khu vườn bé thôi nhưng cũng đủ thứ, nào là bưởi, táo, hồng xiêm, na, chuối, mơ, ổi, chanh… Mỗi tội không có mít - thứ quả tôi mê nhất.
Khi tôi lên cơn khuân cấp tập đủ thứ cây và chậu lớn nhỏ về trồng khắp ban công, sân thượng - vì nhà tôi lúc này chỉ là nhà ống - bố mẹ hoảng hốt ngăn cản. Tôi bèn nhắc lại chuyện bố mê cây ngày xưa, ông mới xuôi xuôi. Tôi tình cờ trồng được cây sống đời “cổ thụ” trên sân thượng. Ông khen đẹp và bảo đánh xuống sân trồng để ông còn ngắm (chắc chắn nó gợi nhớ đến mấy cái cây mà ông từng trồng). Lúc đó ông cũng ốm khá nặng rồi. Nhưng rồi cành cây cắm xuống vẫn ra đi trước ông. Tất nhiên cây con thì vẫn còn và đang lớn.
5. Bức ảnh này hẳn được chụp khi tôi học năm nhất Đại học. Bằng một chiếc máy tự động của ai đó. Vì đến khoảng năm thứ ba là bố mẹ đã đầu tư cho tôi mua máy cơ rồi. Từ đó trở đi tôi thành nhiếp ảnh gia của gia đình. Được tự tay ghi lại những gì mắt mình nhìn được về người thân là một trong vài điều đúng đắn nhất mà tôi có thể làm. Như hình ảnh ghi lại nụ cười của bố và mọi người khi chúng tôi về quê thăm mộ tổ.
Trong ảnh có thể thấy bố mẹ tôi giãn nở ra mặt khi ngồi bên tôi. Tất nhiên rồi vì họ vừa trút được gánh nặng. Trước đó còn tính chuyện cho tôi đi làm công nhân nếu trượt Đại học… Còn tôi thì mang bộ mặt dậy thì dở sưng vù. Khi đó tôi thực tâm muốn thì vào Nhạc viện hơn, nhưng thậm chí còn không dám bày tỏ với bố mẹ. Cứ âm thầm thi và trượt 2-3 lần. Và đó cũng là lúc khoảng cách giữa tôi và bố mẹ ngày càng xa. Từ đó, tôi có làm gì cũng không chia sẻ với song thân nữa. Vì tôi biết sẽ chỉ nhận được sự nghi ngại và ngăn cản. Nhưng thật ra phần nhiều vẫn do tôi không dám tuyên bố và bảo vệ đến cùng mong mỏi của bản thân. Tôi phải trả giá cho sự khép kín của chính mình mà thôi.
Tôi nghĩ thành công của mỗi đứa con phần nhiều bắt nguồn từ sự hòa đồng trong gia đình. Và bản thân việc nuôi dưỡng tốt mối tâm giao chỉ duy nhất trong nhà mới có đã là một thành công đáng kể của đời người rồi. Vì thế nhất định không nên giữ khoảng cách với những người đáng ra không thể gần gũi hơn là bố mẹ. Nếu được lựa chọn thì hãy đối thoại, thậm chí tranh luận để phá băng. Còn hơn để đến lúc bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài độc thoại. Vì thế có điều gì đáng nói nhất, hãy nói khi bố mẹ còn có thể nghe và đáp lời.
Nguyễn Mạnh Hà
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/con-noi-nhanh-len-10302828.html