Con rạch tay muốn tự sát, sao mẹ cứ nói 'bình thường'

Con rạch tay muốn tự sát, sao mẹ cứ nói 'bình thường'
8 giờ trướcBài gốc
ThS Lê Đào Anh Khương kể ông từng làm việc với nhiều trường hợp bạn trẻ gặp khủng hoảng tâm lý, là nạn nhân của hiện tượng "bình thường hóa những điều bất ổn".
Một nữ sinh trung học từng tìm đến trung tâm tham vấn tâm lý với đôi tay chằng chịt vết cắt và tinh thần rõ ràng là đang suy sụp. Cô bé thậm chí chia sẻ bản thân có ý định tự sát.
Khi chuyên viên tham vấn liên hệ với phụ huynh, người mẹ trả lời: “Tôi thấy con bình thường mà, vết rạch là con vẽ hoa văn cho đẹp thôi”. Với người mẹ, mọi thứ vẫn “ổn” nhưng với cô con gái, đó là tiếng kêu cứu bị phủ nhận, theo lời kể của chuyên viên tham vấn tâm lý, ThS Lê Đào Anh Khương trong buổi trò chuyện “Huyễn tưởng về bình thường - Nhận diện và đối diện với bất ổn tâm lý”.
Sự kiện còn có sự tham gia của BS chuyên khoa tâm thần Nguyễn Võ Văn Hiến. Hai chuyên gia cùng phân tích những biểu hiện và hệ quả của việc “bình thường hóa” tổn thương, đồng thời đưa ra hướng tiếp cận chữa lành từ cả cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng.
Hiểu lầm về “bình thường”
Câu chuyện của nữ sinh trung học phản ánh một thực tế phổ biến ở các nước châu Á: nhiều người đang sống trong trạng thái bất ổn tâm lý nhưng cố tin rằng đó là điều “bình thường”.
“Người lớn không chấp nhận những biểu hiện rõ ràng về việc con cái đang bị khủng hoảng tâm lý. Chính điều đó góp phần đẩy các em vào sâu trong bế tắc”, ThS Lê Đào Anh Khương, với 10 năm kinh nghiệm tham vấn tâm lý, nhận xét. Ông nói thêm cách hành xử của người mẹ là một biểu hiện của “huyễn tưởng bình thường”.
Theo tác phẩm Huyễn tưởng về bình thường của bác sĩ Gabor Maté và Daniel Maté, "huyễn tưởng bình thường" đề cập đến tình trạng con người và xã hội hiện đại ngộ nhận những điều vốn dĩ bất ổn, thậm chí độc hại, là “bình thường”.
Tác phẩm Huyền tưởng về bình thường chỉ ra căng thẳng, cô đơn, mỏi mệt không phải là trạng thái bình thường.
Hiện tượng này được thể hiện qua hai khía cạnh. Thứ nhất, con người có xu hướng cho rằng các vấn đề như căng thẳng mạn tính, cô đơn kéo dài, áp lực công việc cực đoan… là điều hiển nhiên, tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Thứ hai, dù nhận thức bản thân có vấn đề, nhiều người vẫn cố ép mình nghĩ mọi thứ vẫn ổn, không cần đối diện thực tế.
ThS Khương kể ông từng gặp một người mẹ tuyên bố: “Tại sao con lại khóc trong nhà này? Không ai chấp nhận sự yếu đuối cả”. Theo ông, xã hội từ lâu đã dạy con người phải thù ghét sự yếu đuối và bình thường khi đối mặt với khó khăn, đó là lý do “huyễn tưởng bình thường” mãi tồn tại mạnh mẽ.
BS Nguyễn Võ Văn Hiến cũng cho rằng đây là một vấn đề phổ biến ở Việt Nam và có thể lý giải dưới góc độ y học. Ông giải thích khi cơ thể liên tục chịu áp lực, hormone cortisol có nhiệm vụ đối phó căng thẳng sẽ được duy trì ở nồng độ cao. Từ đó, hệ thần kinh con người sẽ thích nghi và xem đó là một trạng thái “bình thường mới”.
“Điều này nguy hiểm ở chỗ người bệnh không nhận ra mình bị bệnh và cho phép bản thân tiếp tục làm việc trong môi trường độc hại. Bởi lẽ hệ thống cảm nhận đã quen với sự mất cân bằng”, bác sĩ phân tích.
Chấp nhận
Để thoát khỏi “huyễn tưởng bình thường” cần một quá trình nhận diện, đối diện và chuyển hóa sâu sắc, cả ở cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng. Như bác sĩ Gabor Maté và Daniel Maté đã viết trong Huyễn tưởng về bình thường: “Sự chấp nhận không có nghĩa là chịu đựng mà là đối diện và hiểu rõ để thay đổi”.
ThS Khương cho rằng một trong những bước đầu tiên để thoát khỏi huyễn tưởng là dám thừa nhận rằng bản thân không ổn và cho phép mình thể hiện cảm xúc.
“Tôi từng gặp một ca tham vấn mà thân chủ là một bạn trẻ đang trong trạng thái khủng hoảng. Bạn hỏi tôi: ‘Em có được khóc ở đây không?’. Đó là khoảnh khắc bạn ấy kết nối lại với chính mình”, ông kể.
Hai chuyên gia đồng tình cần có những thay đổi ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội để mọi người cùng thoát khỏi "huyễn tưởng bình thường".
Chuyên viên tham vấn tâm lý phân tích hai tác giả Gabor Maté và Daniel Maté đã đưa ra bốn chữ A quan trọng trong quá trình chữa lành, bao gồm: Authenticity (chân thật), Acceptance (chấp nhận), Anger (giận dữ lành mạnh) và Action (tự thể hiện và tiếp tục).
Trong đó, chấp nhận được xem là nền tảng, khi cá nhân hiểu rằng sang chấn không thể bị xóa bỏ hoàn toàn, mà cần phải học cách sống chung.
BS Hiến lưu ý những sang chấn nhỏ thời thơ ấu thường bị bỏ qua vì không đủ “nặng”. Đó có thể là nguyên nhân sâu xa gây ra những rối loạn tâm lý dai dẳng về sau. Do đó, khi thấy những dấu hiệu bất ổn về tâm lý và cơ thể, ông khuyến nghị người bệnh đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần càng sớm càng tốt.
“Ngay cả bác sĩ cũng không thể tự chẩn đoán cho mình, nên việc người dân cố gắng tự định nghĩa trạng thái tâm lý của bản thân là điều không hiệu quả và có thể gây hại”, ông nói.
Ở cấp độ cộng đồng, hai chuyên gia đồng tình cần có những thay đổi vĩ mô. BS Hiến kêu gọi việc xây dựng những chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần trong trường học, đào tạo giáo viên về nhận diện cảm xúc và tạo ra mạng lưới hỗ trợ chuyên môn cho người dân.
ThS Khương lại nhấn mạnh một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là văn hóa đề cao sự chịu đựng, nơi “hy sinh” dễ bị biến thành sự ràng buộc. Theo ông, chữa lành không thể chỉ là nỗ lực cá nhân, mà cần một xã hội cho phép mỗi người được “không ổn”, được nói ra và được lắng nghe.
Đức An
Nguồn Znews : https://znews.vn/con-rach-tay-muon-tu-sat-sao-me-cu-noi-binh-thuong-post1567181.html