Con rất ân hận

Con rất ân hận
8 giờ trướcBài gốc
Sáng sớm ngày 8/7/2025, tại trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi, trong căn phòng làm việc nhỏ, quyết định khởi tố bị can được đọc lên. Phía trước mặt cậu bé là điều tra viên và cán bộ điều tra. Không gian im ắng đến lạ thường. Người nhận quyết định là một cậu bé vừa tròn 18 tuổi, gương mặt non nớt, ánh mắt hoang mang xen lẫn sự sợ hãi.
Khi trẻ thiếu tình thương của bố mẹ
Cậu bé trong câu chuyện này là bị can T (SN 2007), bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Theo hồ sơ điều tra, đêm ngày 15/11/2024, nhóm của T, gồm 10 đối tượng và nhóm của Q (SN 2005) gồm 11 đối tượng chuẩn bị nhiều hung khí như dao tự chế, dao xắt chuối, vỏ chai bia... đi tìm anh S tại đầu cầu Cổ Lũy để giải quyết mâu thuẫn.
Do không tìm được anh S, nên nhóm của T và nhóm của Q bỏ đi về, khi đến thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà (cũ) thì gặp anh H cùng 6 người bạn đang đi trên đường. Với bản tính ngông cuồng, thích thể hiện, cho dù anh H là người mà nhóm T không hề quen biết nhưng T... vẫn hô hào đuổi, chém gây thương tích cho anh H với tỷ lệ 26%.
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đọc quyết định khởi tố bị can T về tội cố ý gây thương tích.
Thời điểm phạm tội, T mới chỉ 17 tuổi, cái tuổi lẽ ra đang cắp sách đến trường, sống những ngày tháng vô tư, hồn nhiên bên gia đình và bạn bè. Nhưng tiếc thay, em đã bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực và sai lầm của tuổi trẻ. Vì thế, khi nhận quyết định khởi tố bị can, T đã bật khóc vì đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình và chắc chắn phải trả giá bằng một bản án thích đáng cho hành vi sai lầm của bản thân. T cúi gằm mặt, giọng lạc đi: “Con rất ân hận với những việc làm của bản thân!... Nếu như mẹ con không mất sớm, gia đình không tan vỡ thì có lẽ con không như thế này”. Lời bộc bạch bật ra từ đôi môi run rẩy của cậu bé khiến những ai có mặt tại phòng làm việc đều không khỏi nhói lòng.
“Dù đã làm nghề này hơn 15 năm, nhưng mỗi lần khởi tố bị can là trẻ vị thành niên tôi đều cảm thấy rất đau lòng. Các em không sinh ra để thành người phạm tội. Nhưng môi trường gia đình và sự buông lỏng của người lớn đã đẩy các em đi vào con đường sai trái”, một điều tra viên lâu năm chia sẻ.
"
Có những vụ án khiến mình thao thức cả đêm. Không phải vì tính chất nghiêm trọng, mà vì nó quá đau lòng. Nếu gia đình em T không đổ vỡ; nếu có ai đó quan tâm T sớm hơn, thì có lẽ giờ đây em ấy không rơi vào hoàn cảnh như thế này”.
Điều tra viên VÕ HỒNG VIỆT, chia sẻ
Theo điều tra viên trong vụ án này, mẹ T mất khi em chỉ mới 2 tuối, bố có vợ khác để mình T sống với bà nội già yếu. Do thiếu sự quan tâm, quản lý và chia sẻ từ gia đình, T lớn lên trong cảnh cô đơn, buông thả, có thể làm bất cứ điều gì mình thích mà không bị ngăn cản. Những lần trốn học, những trận games thâu đêm và sau cùng là những vụ chém nhau trở thành “lối thoát”; “giải tỏa” cho đứa trẻ ở cái tuổi nổi loạn.
Trong vụ án này, ngoài T còn có hơn 20 bị can bị khởi tố, trong đó các em đều có độ tuổi từ 17 đến 18 tuổi và hầu như đều sống trong những gia đình có bố mẹ ly hôn, hoặc vì cuộc sống mưu sinh bố mẹ phải đi làm ở xa quanh năm. Tương lai của các em vẫn còn dài, dù pháp luật có thể khoan dung với những người chưa thành niên, nhưng những tổn thương tâm lý từ sai lầm của người lớn và bản thân sẽ là vết sẹo hằn sâu không dễ gì phai mờ trong suốt cuộc đời của các em.
Những khoảng trống đau lòng
Theo số liệu thống kê từ Công an tỉnh Quảng Ngãi, trong những năm gần đây số vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng một cách đáng kể. Trong số đó, hơn 70% các em đến từ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, như bố mẹ ly hôn, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc thiếu sự giáo dục, giám sát của gia đình.
“Nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ chỉ cần cho con ăn học đầy đủ là có thể tự nuôi sống bản thân sau này. Song, trong cuộc sống thường ngày, điều mà những trẻ cần nhất là sự hiện diện, là tình cảm và sự định hướng của bố mẹ, người thân trong gia đình. Khi gia đình tan vỡ mà không ai kịp hàn gắn vết thương lòng cho con trẻ thì các em rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn dụ vào con đường phạm pháp”, Thượng tá Ngô Văn Đức - Phó phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ án đau lòng xảy ra mà đối tượng phạm tội là trẻ vị thành niên đều xuất phát từ sự thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Không ít trẻ em bị bỏ mặc, thiếu sự định hướng của người lớn nên sớm lao vào các tệ nạn xã hội, như nghiện games, bạo lực học đường, thậm chí phạm tội nghiêm trọng.
Sau khi bị khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích, T được cho tại ngoại để chờ ngày xét xử. Khi bước ra khỏi phòng, ánh mắt em vẫn đỏ hoe, nhưng thấp thoáng đâu đó là niềm hy vọng dù rất mong manh.
"
Con rất ân hận với những việc làm của bản thân!... Nếu như mẹ con không mất sớm, gia đình không tan vỡ thì có lẽ con không như thế này”.
Bị can T bộc bạch về những sai lầm của bản thân
Những đứa trẻ lẽ ra không bao giờ phải đứng trước vòng lao lý, nếu gia đình là nơi đầu tiên nuôi dưỡng và dạy dỗ các em không tan vỡ. Nhưng sự thờ ơ của người lớn chính là hành vi âm thầm giết chết tuổi thơ và tương lai của những đứa trẻ. Câu chuyện của T là lời nhắc nhở sâu sắc cho những người làm cha, làm mẹ. Không chỉ là chuyện học hành, cơm áo hằng ngày, mà còn là sự đồng hành, lắng nghe, sẻ chia để trẻ cảm nhận được yêu thương và có điểm tựa tinh thần. Một đứa trẻ không tự nhiên trở nên hư hỏng, mà phía sau những sai lầm là những tháng ngày thiếu vắng tình yêu thương, sự hướng dẫn và đồng hành của người lớn.
Pháp luật sẽ không dung tha cho những ai vi phạm pháp luật, kể cả trẻ vị thành niên. Do đó, xã hội, gia đình và nhà trường cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc phòng ngừa; đừng để những đứa trẻ trở thành nạn nhân của chính sự thờ ơ, vô tâm từ những người thân yêu nhất.
Bài, ảnh: SƠN MỸ
Nguồn Quảng Ngãi : https://baoquangngai.vn/con-rat-an-han-54425.htm