Còn sân, nhưng không nhặt sân lên

Còn sân, nhưng không nhặt sân lên
8 giờ trướcBài gốc
Niệm Buddho thế nào
Luang Pu được mời giảng dạy tại Bangkok vào ngày 31-3-1978. Trong một buổi pháp đàm, một số cư sĩ bày tỏ sự nghi ngờ của họ về cách niệm “buddho” là như thế nào. Luang Pu đã từ bi trả lời:
“Khi bạn thiền tập, đừng hướng tâm ra ngoài. Đừng bám vào bất cứ kiến thức nào. Bất cứ kiến thức nào bạn học từ sách vở hay thầy dạy, đừng mang nó vào để làm phức tạp các thứ. Hãy cắt bỏ tất cả những gì đã có trong tâm, và khi bạn hành thiền, chỉ cần nhận biết tất cả những gì đang diễn ra trong tâm. Khi tâm tĩnh lặng, bạn sẽ tự biết như thế. Nhưng bạn phải tiếp tục thiền tập thật nhiều. Khi thời điểm tới để các thứ diễn biến, chúng sẽ tự diễn biến. Bất cứ cái gì bạn biết, hãy để nó tới từ chính tâm của bạn.
“Kiến thức đến từ một tâm tĩnh lặng là vô cùng vi tế và thâm sâu. Vì vậy, hãy để kiến thức của bạn xuất phát từ một tâm vắng lặng và bất động".
“Hãy để tâm khởi lên là nơi chú tâm duy nhất. Đừng hướng tâm ra ngoài. Hãy để tâm nhìn ngay vào tâm. Hãy để tâm thiền định trên chính nó. Hãy để tâm cứ liên tục lặp lại buddho, buddho. Và rồi buddho chân thực sẽ xuất hiện trong tâm. Bạn sẽ tự biết buddho là gì. Chỉ có vậy thôi. Không có gì nhiều đâu…”.
Dành cho những người muốn tốt lành
Đầu tháng 9-1983, Hội các bà nội trợ của Bộ Nội vụ, do bà Juap Jirarote chỉ huy, đã tới vùng Đông Bắc để làm một số công tác từ thiện. Một buổi tối, họ nhân cơ hội ghé qua và tỏ lòng tôn kính tới Luang Pu lúc 6 giờ 20 chiều.
Sau khi tỏ lòng kính trọng và hỏi thăm sức khỏe của ngài, họ nhận được một số bùa hộ mệnh từ ngài. Tuy nhiên, thấy ngài không được khỏe, họ nhanh chóng rời đi. Nhưng có một phụ nữ đã ở lại và nhân cơ hội đặc biệt này để hỏi Luang Pu: “Con cũng muốn một thứ gì tốt lành [ám chỉ một tấm bùa hộ mệnh] từ Luang Pu”.
Luang Pu trả lời: “Con phải thiền tập, mới có được điều gì tốt lành. Khi con thiền, tâm con sẽ bình yên. Lời nói và việc làm của con sẽ bình yên. Lời nói và việc làm của con sẽ tốt lành. Khi con sống trong thiện pháp như thế, con sẽ hạnh phúc”.
Người phụ nữ trả lời: “Con bận rất nhiều việc và không có thời gian để thiền tập. Con bận đủ thứ việc làm cho Chính phủ, con lấy đâu ra thời gian để thiền tập?”.
Luang Pu giải thích, “Nếu con có thời gian để thở, [là] con có thời gian để thiền”.
Còn sân, nhưng không nhặt sân lên
Năm 1979, Luang Pu đến Chantaburi để nghỉ ngơi và tới thăm Trưởng lão Ajaan Somchai. Dịp đó, một Hòa thượng cao cấp từ Bangkok - ngài Phra Dharmavaralankan của chùa Wat Buppharam, người chỉ huy Giáo hội miền Nam Thái Lan - cũng có mặt ở đó, đang tập thiền khi về già, chỉ trẻ hơn Luang Pu một tuổi. Khi biết Luang Pu là một nhà sư chuyên thiền định, nhà sư cao cấp quan tâm và nói chuyện một buổi dài với Luang Pu về kết quả của thiền định. Vị chức sắc cao cấp nói đến trách nhiệm của mình và nói rằng bản thân đã lãng phí phần lớn cuộc đời vào việc học và điều hành Giáo hội cho tới khi về già. Vị chức sắc thảo luận những điểm khác nhau của hành thiền với Luang Pu, cuối cùng hỏi ngài, “Ngài vẫn còn sân giận chút nào không?”.
Luang Pu trả lời ngay: “Tôi còn, nhưng tôi không nhặt nó lên”.
Nhận biết kịp thời
Khi Luang Pu đang được điều trị tại Bệnh viện Chulalongkorn ở Bangkok, rất nhiều người đã tới để tỏ lòng kính trọng và lắng nghe lời dạy của ngài. Ông Bamrungsak Kongsuk nằm trong số những người quan tâm đến hành thiền. Ông là học trò của Ajaan Sanawng ở Wat Sanghadana ở tỉnh Nonthaburi, một trong những trung tâm thiền nghiêm ngặt của thời đại chúng ta. Ông nêu lên chủ đề thực hành Chánh pháp bằng câu hỏi: “Luang Pu, làm thế nào để cắt đứt sân hận?”.
Luang Pu trả lời, “Không có ai cắt đứt được. Chỉ có nhận biết nó kịp thời. Khi bạn nhận biết nó kịp thời, nó sẽ tự biến mất”.
Tinh tấn, không lười biếng
Nhiều tu sĩ và Sa-di đến chăm sóc Luang Pu vào đêm khuya ở Bệnh viện Chulalongkorn đã bối rối và ngạc nhiên khi họ nhận thấy rằng vào một số đêm, sau 1 giờ sáng, họ có thể nghe Luang Pu giảng pháp trong khoảng mười phút và sau đó tụng kinh ban phước cho người nghe, như thể có rất nhiều người nghe ngay trước mặt ngài. Lúc đầu, không ai dám hỏi ngài về việc này, nhưng sau nhiều lần sự việc xảy ra, họ không kìm được nghi ngờ nên mới hỏi. Luang Pu nói với họ, “Những nghi ngờ và thắc mắc này không phải là con đường để thực hành Chánh pháp”.
Tiết kiệm với lời nói của mình
Một nhóm đông người thực hành Chánh pháp từ tỉnh Buriram - đứng đầu là Trung úy Cảnh sát Bunchai Sukhontamat, công tố viên của tỉnh - đã tới để tỏ lòng kính trọng Luang Pu, để nghe pháp và hỏi về cách thăng tiến trong việc thực hành của họ. Hầu hết họ đã thực hành với tất cả các nhà sư nổi tiếng, những người đã giải thích cách thực hành theo nhiều cách khác nhau mà không phải lúc nào cũng tương ưng với nhau, và điều này khiến họ càng thêm nghi ngờ hơn. Vì vậy, họ xin lời khuyên của Luang Pu về cách thực hành đúng và dễ nhất, vì họ gặp khó khăn trong việc tìm thời gian để thực hành. Nếu họ có thể học được một cách thực sự dễ dàng thì nó sẽ đặc biệt phù hợp với họ. Luang Pu đã trả lời, “Hãy quan sát tâm ngay nơi tâm”.
Đơn giản nhưng khó làm
Nhóm Duangporn Tharichat từ Đài Phát thanh Không quân 01 ở Bang Syy, do Akhom Thannithate đứng đầu, đã tới vùng Đông Bắc để cúng dường và bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà sư ở các tu viện khác nhau. Khi dừng lại để tỏ lòng kính trọng với Luang Pu, họ đã dâng phẩm vật cúng dường và nhận những vật lưu niệm nhỏ. Sau đó, một số trong nhóm đi chợ mua sắm, một số tìm nơi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, có một nhóm khoảng bốn hoặc năm người ở lại và xin Luang Pu chỉ cho họ một phương pháp đơn giản để thoát khỏi căng thẳng và trầm cảm về tinh thần, vốn xảy ra thường trực với họ. Họ hỏi phương pháp nào sẽ cho kết quả nhanh nhất? Luang Pu trả lời: “Đừng hướng tâm con ra ngoài”.
___________
Phra Bodhinandamuni ghi lại
Thanissaro Bhikkhu (dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh)
(NSGN 339)
Nguyên Giác dịch/Nguyệt san Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/con-san-nhung-khong-nhat-san-len-post75050.html