Trẻ em Singapore đi học thêm từ khi còn nhỏ, thậm chí là từ mẫu giáo. Ảnh: Straits Times.
Khi con mới học mẫu giáo nhỡ, bà Janice Tay (43 tuổi, Singapore) đã cho con trai đi học thêm tiếng Trung. Hiện, bé trai đã lên lớp một và vẫn duy trì học thêm. Chi phí bà Tay chi cho việc học của con trai là 200 SGD/tháng, hơn 140 USD.
Với con gái, bà Tay cũng từng cho con đi học thêm Toán, Tiếng Trung và Khoa học khi em học lớp 5, lớp 6 để chuẩn bị thi lên bậc THCS. Đáng chú ý là con gái bà Tay tự chủ động xin mẹ học thêm vì cảm thấy bản thân học chưa tốt, thi học kỳ chưa đạt điểm cao.
Vì thế, bà Tay đã chi khoảng 700 SGD (tương đương 511 USD) mỗi tháng cho việc học thêm của con gái vào thời điểm đó. Kết quả, điểm thi tốt nghiệp tiểu học PSLE của con bà Tay tốt hơn mong đợi, em có thêm lựa chọn vào những trường THCS chất lượng hơn.
Dù bỏ nhiều tiền cho con học thêm, bà Tay vẫn nghĩ rằng sự tiến bộ của con gái không đơn giản là nhờ học thêm, mà còn có động lực cố gắng rất lớn của con.
"Đến gần kỳ thi PSLE, con tôi nỗ lực hơn, nhà trường cũng quản thúc các con rất chặt. Quan trọng hơn, tôi tin rằng môi trường tích cực cùng với sự hỗ trợ của gia đình đã thúc đẩy con tôi cố gắng học tập", bà Tay nói với Straits Times.
Chi tiền tỷ cho việc học thêm
Không riêng bà Tay, nhiều phụ huynh khác ở Singapore cũng sẵn sàng chi số tiền khủng cho việc học của con. Cục Thống kê Singapore mới công bố dữ liệu khảo sát mới nhất về chi tiêu hộ gia đình năm 2023 (từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2023), trong đó chi phí cho giáo dục tăng đáng kể vì nhu cầu học thêm tăng cao.
Năm 2013, số tiền các gia đình Singapore chi cho việc học thêm của con (bao gồm học thêm ở nhà và học thêm ở trung tâm) là 1,1 tỷ SGD. Đến năm 2018, con số này là 1,4 tỷ SGD và đã tăng lên 1,8 tỷ SGD vào năm 2023.
Nếu tính trung bình, các hộ gia đình chi khoảng 104.000 SGD/tháng cho việc học thêm của trẻ, tăng mạnh so với mức 88,4 SGD/tháng trong cuộc khảo sát năm 2018. Nếu tính năm 2013, số tiền các gia đình chi cho con học thêm chỉ là 79,9 SGD.
Mức chi cho việc học thêm cũng có sự khác biệt, tùy thuộc vào thu nhập gia đình. Cụ thể, 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất trong khảo sát này đã chi trung bình 162 SGD/tháng, gấp 4 lần so với nhóm 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất.
Nhưng nhìn chung, mức chi hàng tháng của các gia đình cho giáo dục đã tăng đáng kể so với khảo sát năm 2018. Nếu tính cả chi phí học thêm, học chính khóa, sách vở, dụng cụ học tập..., số tiền trung bình các gia đình Singapore bỏ ra cho con mỗi tháng là 404.000 SGD, trong khi con số năm 2018 là 374 SGD.
Các trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm, thậm chí tìm cách để "thích ứng" với chính sách mới của Bộ Giáo dục. Ảnh: Straits Times.
Bộ Giáo dục cũng bất lực
Bàn về số liệu này, PGS Jason Tan từ Viện Giáo dục Quốc gia Singapore cho biết ngành công nghiệp dạy thêm không có dấu hiệu chững lại, dù Bộ Giáo dục Singapore đã tìm mọi cách nhằm giảm áp lực học tập cho trẻ thông qua những cải cách giáo dục gần đây.
Hiện, các biện pháp giảm áp lực mà bộ đã áp dụng bao gồm loại bỏ các kỳ thi giữa năm, đổi hệ thống chấm điểm PSLE, triển khai phân nhóm môn học để trẻ được theo đuổi các môn học sở trường, cải tổ chương trình giáo dục năng khiếu...
Giáo sư Tan thông tin thêm rằng ngành giáo dục Singapore đang cố gắng điều chỉnh chương trình giáo dục theo hướng tự chọn. Theo đó, học sinh được học theo chương trình phù hợp với bản thân, thay vì phải ép mình theo một khuôn mẫu cố định.
Mong muốn của Bộ Giáo dục Singapore là giảm bớt sự ám ảnh về điểm số - điều mà nhiều người vẫn coi là tiêu chí để đánh giá sự thành công. Dù vậy, áp lực cạnh tranh ở đất nước này vẫn còn rất lớn, thậm chí lan sang lĩnh vực phi học thuật.
Lĩnh vực phi học thuật mà PGS đề cập chính là chương trình tuyển sinh sớm dành cho học sinh lớp 6. Theo đó, học sinh có thể trúng tuyển lớp 6 sớm hơn bằng cách sử dụng năng khiếu thể thao, nghệ thuật.
Dù Bộ Giáo dục cải cách chính sách đến đâu, ngành công nghiệp dạy thêm vẫn có thể tìm cách thay đổi để thích ứng nhanh chóng. PGS Tan lấy ví dụ kể từ khi có chương trình tuyển sinh sớm, loạt học viện đào tạo thể thao mọc lên như nấm để bồi dưỡng năng khiếu thể thao cho trẻ, giúp các em đủ điều kiện đăng ký xét tuyển.
Không riêng các trung tâm, chính phụ huynh cũng phần nào "tiếp tay" cho hoạt động dạy thêm. Nhiều người nói với Straits Times rằng họ luôn nghĩ bản thân phải tạo điều kiện cho con đi học và sẽ thấy rất có lỗi nếu con không được học nhiều như bạn bè.
"Ở Singapore, nhiều người cho rằng chỉ học ở lớp rồi về nhà tự học là chưa đủ. Đó là lý do các gia đình luôn tìm người dạy thêm bên ngoài để con họ được học nhiều hơn những thứ được dạy ở trường", PGS Tan chia sẻ.
Thái An