Cà phê đặc sản tại một trang trại ở Ban Mê Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Trang tin ABC News (Australia) vừa đăng bài viết cho biết tại Australia, nơi “văn hóa cà phê” ăn sâu vào tiềm thức, người tiêu dùng đã được cảnh báo rằng giá một ly latte buổi sáng của họ có thể tăng lên tới 8 AUD (5 USD), thậm chí là hai con số. Gốc rễ của vấn đề có thể bắt nguồn từ phía bên kia thế giới.
Brazil - quốc gia sản xuất hạt cà phê arabica được ưa chuộng nhất ở Australia - đã phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt trong những năm gần đây, bao gồm hạn hán, lượng mưa quá nhiều và sự thay đổi nhiệt độ làm giảm sản lượng thu hoạch.
Candy MacLaughlin, một người trồng cà phê và cũng là chuyên gia trong ngành, cho biết: "Các nhà xuất khẩu không tích trữ cà phê để tăng giá. Có một sự thiếu hụt thực sự vì cung không theo kịp cầu". Theo các nhà giao dịch, điều này đã khiến giá hạt cà phê arabica xanh của Brazil tăng 112% năm 2024, tác động lan tỏa đến tất cả các loại cà phê.
Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), năm 2022, Australia nhập khẩu phần lớn cà phê từ Brazil, tiếp theo là Colombia, Việt Nam và Honduras. Dù xung quanh Australia là các quốc gia trồng cà phê như Papua New Guinea (PNG), Indonesia và Việt Nam, song đồng sáng lập công ty rang xay cà phê Greensquare Caleb Holstein giải thích rằng "việc tìm các nguồn cà phê khác để có giá tốt hơn không đơn giản".
Khó khăn trong mở rộng quy mô
Tại Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ tư thế giới, những người nông dân đang nỗ lực cải thiện chất lượng và năng suất. Tuy nhiên, đối với họ, việc mở rộng quy mô sản xuất cà phê là khá khó khăn.
Intan Taufik - chuyên gia về quá trình lên men tại Viện Công nghệ Bandung (Indonesia) và hiện đang giúp những người trồng trọt ở Indonesia loại bỏ các vi khuẩn không mong muốn trong quá trình chế biến - cho biết lý do khiến Australia không mua nhiều cà phê của quốc gia láng giềng này bởi người dân Australia không thích một số hương vị cay truyền thống của cà phê Indonesia.
Mặc dù vậy, Fawad Ali - nhà nghiên cứu về tính bền vững tại Đại học Griffith – cho rằng cà phê đặc sản là con đường triển vọng nhất. Ông đang cùng các đồng nghiệp nghiên cứu các cách tạo ra hương vị tự nhiên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng". Theo ông, thành tựu lớn nhất đối với tính bền vững của ngành cà phê sẽ là thu hút nhiều người trồng hơn, tăng số lượng cây và cải thiện sản lượng.
Trong khi đó, Timor-Leste vẫn đang xây dựng ngành công nghiệp cà phê sau nhiều thập kỷ bị bỏ bê. Miledis Lopes, một giám đốc tại công ty sản xuất và xuất khẩu cà phê Orijem Timor, cho biết năng suất thấp khiến việc tái đầu tư vào các phương pháp tốt hơn trở nên khó khăn, đồng thời lưu ý rằng năng suất chỉ bằng khoảng 10% so với mức trung bình toàn cầu do kiến thức và công nghệ hạn chế.
Tuy nhiên, ông Troy Huckstepp - người sáng lập Orijem Timor - cho biết đất nước này còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ông nói: "Chúng tôi đang cố gắng phá vỡ chu kỳ chỉ sản xuất cà phê. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải chia sẻ kiến thức — hướng dẫn nông dân cách cắt tỉa cây đúng cách, trồng cây che bóng và thích nghi với biến đổi khí hậu”.
Vai trò của Việt Nam
Việt Nam, nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, phải đối mặt với một vài khó khăn. Một trong những lý do là hương vị. Người Australia chủ yếu thích hạt cà phê arabica vì hương vị mịn, phức hợp của chúng, trong khi robusta - mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam - thường được mô tả là "có mùi gỗ" hoặc "giống cao su".
Jeff Carlin, một thợ rang cà phê kỳ cựu ở Australia, chia sẻ: "Đây không phải là loại cà phê mà người Australia thường uống, trừ khi nó có trong các loại cà phê hòa tan pha trộn".
Một nguyên nhân khác là giá cà phê robusta tăng vọt khi các nhà nhập khẩu cạnh tranh để chuyển sang các loại rẻ hơn.
Bên cạnh đó, cũng giống như Brazil, Việt Nam đã chứng khiến thời tiết ít thuận lợi trong những năm gần đây, gây bất lợi cho người trồng cà phê trong nước.
Triển vọng từ Papua New Guinea
Người trồng cà phê arabica ở Papua New Guinea (PNG) cũng phải đối mặt với những rào cản lớn khi cố gắng mở rộng quy mô do cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, thiếu cơ sở hạ tầng và đầu tư. Vì vậy, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả.
Tuy nhiên, ông Holstein và những người khác tin rằng PNG đang trong thời kỳ phục hưng và có thể cung cấp nhiều sản lượng hơn trong tương lai. Ông nói: "Hiện đã có một số khoản đầu tư từ các công ty thương mại lớn. Chúng tôi thấy hạt cà phê của PNG có hương vị giống với hạt cà phê của Colombia và Kenya trong một số hỗn hợp nhất định".
PNG đang phối hợp với Bộ Công nghiệp Australia giải quyết các vấn đề như thối lá và sâu đục quả. Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng, tội phạm và quản lý yếu kém vẫn là những rào cản lớn. Bên cạnh đó, việc vận chuyển cà phê từ Goroka ở vùng cao nguyên đến cảng Lae thường tốn kém như vận chuyển ra nước ngoài. Phó Giáo sư kinh tế Jeffrey Neilson tại Đại học Sydney giải thích: "Các tuyến đường vận chuyển thường xuyên bị hư hỏng do mưa lớn và bị cuốn trôi".
Sự bùng nổ ở châu Á-Thái Bình Dương
Về phía nhu cầu, có nhiều thị trường mới đang nổi lên, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Holstein chia sẻ: "Trung Quốc từ một nước tiêu thụ cà phê Brazil lớn thứ 20 hiện đã vươn lên vị trí thứ 6 trong khoảng 12 tháng". Nhu cầu tăng đột biến này đã tạo ra sự siết chặt chưa từng có đối với nguồn cung.
Luckin Coffee - một công ty lớn đến từ Trung Quốc - gần đây đã ký hai thỏa thuận lịch sử với Hội đồng Cà phê Brazil. Thỏa thuận đầu tiên vào tháng 6/2024 nhập khẩu 120.000 tấn cà phê trị giá 500 triệu USD. Chỉ 4 tháng sau đó, công ty này tăng gấp đôi khối lượng nhập khẩu, nhưng giá đã tăng vọt lên 900 triệu USD cho cùng một số lượng.
Con đường phía trước
Trong bối cảnh nhu cầu vượt xa nguồn cung và biến đổi khí hậu đang định hình lại các điều kiện trồng trọt, ngành công nghiệp cà phê phải đối mặt với một tương lai bấp bênh. Theo tổ chức phi chính phủ World Coffee Research, đến năm 2040, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cà phê robusta lên tới 35 triệu bao (loại 60 kg/bao), một phần là do biến đổi khí hậu và xu hướng tiêu dùng. Ông Carlin cho rằng hiện chưa có đủ đầu tư cho việc trồng cà phê hoặc cơ sở hạ tầng.
Mặc dù vậy, bà Manove - người điều hành doanh nghiệp Blue Mama Commodities ở PNG - vẫn lạc quan cho rằng thế giới luôn yêu thích cà phê và PNG có thể trồng một số loại cà phê ngon nhất. Tuy nhiên, bà thừa nhận PNG cần các công cụ và kiến thức để tiếp tục phát triển ngành cà phê.
Thanh Tú ( P/v TTXVN tại Sydney)