'Con thi trượt rồi', phép thử cho tình yêu và áp lực

'Con thi trượt rồi', phép thử cho tình yêu và áp lực
16 giờ trướcBài gốc
“Con trượt nguyện vọng rồi mẹ ạ!”.
Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy có thể chứa đựng bao nỗi thất vọng, buồn bã và xấu hổ của một đứa trẻ vừa trải qua kỳ thi cam go đầu tiên trong đời. Chính câu nói ấy cũng là phép thử đối với sự thấu hiểu và yêu thương của các bậc làm cha mẹ.
Kỳ thi tuyển sinh vào 10 và tốt nghiệp THPT 2025 đã chính thức khép lại với niềm vui của nhiều gia đình nhưng cũng có không ít trường hợp rơi nước mắt.
Khi kết quả không như mong đợi, điều quan trọng không phải là con đang thiếu bao nhiêu điểm hay đã sai ở đâu, mà là cha mẹ sẽ nói gì, làm gì, đồng hành cùng con ra sao để con học được rằng cánh cửa này đóng lại không có nghĩa con đường phía trước chẳng còn lối nào cho em.
Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 được mẹ ôm động viên. Ảnh: Mạnh Hùng
Phản ứng nào khiến con tổn thương thêm?
Tối 4/7 vừa qua, điểm thi Văn, Toán, Ngoại ngữ vào lớp 10 của hơn 100.000 thí sinh cùng điểm xét tuyển các trường đã được Hà Nội công bố rộng rãi. Có rất nhiều em đã thành công bước vào ngôi trường mơ ước của mình, nhưng cũng không ít em suy sụp vì số điểm không đủ hoặc tiếc nuối vì “ước gì mình cố thêm một chút”.
Khi con em thi trượt, một số phụ huynh khó tránh việc so sánh con với người khác, trách móc, hoặc im lặng với con.
Những cách phản ứng này là điều nên tránh trong thời điểm nhạy cảm của con trẻ, và cũng không phải cách văn minh để giúp con phục hồi tinh thần.
Không ít cha mẹ còn vô tình làm tổn thương con cái bằng những câu nói như “Cái A đỗ rồi, sao con lại không bằng bạn?’, “Bố mẹ nuôi con vất vả để con báo đáp thế này sao?”, hay thậm chí là ánh mắt thất vọng hoặc sự lạnh lùng… có thể để lại chấn thương tâm lý lâu dài cho các em.
Ở độ tuổi đang hình thành bản sắc cá nhân, việc thi trượt dễ khiến trẻ tự gán cho mình nhãn “kém cỏi”, “vô dụng”. Nếu cha mẹ vô tình xác nhận điều đó bằng lời lẽ không hay và ánh nhìn thất vọng, con cái sẽ càng thêm mất niềm tin vào chính mình, đặc biệt trong thời điểm tâm lý yếu đuối nhất.
Cách giúp con biết thất bại là khởi đầu của thành công
Theo chuyên trang giáo dục Superprof (Anh Quốc), với bố mẹ, điều quan trọng nhất sau khi con thi trượt không phải là tìm lỗi hay chỉ trích những “việc đáng lẽ con phải làm”, mà là giúp con xử lý cảm xúc tiêu cực như buồn bã, xấu hổ, tự trách.
Superprof chỉ ra những điểm dễ nhận biết nhất ở con trẻ khi các em đang có vấn đề về tâm lý như né tránh ánh mắt cha mẹ, tự hạ thấp bản thân, hay cô lập chính mình, ngại giao tiếp.
Trong những thời điểm nhạy cảm này, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là giúp trẻ xử lý cảm xúc cá nhân.
Phụ huynh nên bắt đầu bằng sự lắng nghe nhẹ nhàng và cử chỉ ân cần để tạo cảm giác an toàn cho trẻ, như: “Con thấy thế nào?’, “Con có muốn nói về kỳ thi không?’, “Bố mẹ luôn ở đây nếu con cần”.
Những câu hỏi trên không đưa con vào tình thế bị ép phải chia sẻ nỗi đau, nhưng sẽ gợi mở cho con rằng cha mẹ không thất vọng, không áp đặt, mà đang sẵn sàng làm bạn đồng hành của con.
Sau đó, khi con đã bình tĩnh hơn và sẵn sàng chia sẻ, cha mẹ có thể giúp con từng bước nhìn lại và lựa chọn con đường phía trước.
Phụ huynh cần dẫn dắt con đưa ra quyết định của riêng mình, để con cảm thấy bản thân có giá trị và trách nhiệm với tương lai.
Ngoài ra, cha mẹ nên chia sẻ với con rằng thất bại là một phần của trưởng thành, vì ai cũng từng vấp ngã trong đời.
Những người thành công luôn là những người đã thất bại vô số lần trước khi đạt đến đỉnh cao, vì họ luôn vực dậy sau những lần trượt ngã và quyết không bỏ cuộc.
Cách giáo dục văn minh và thấu hiểu sẽ khiến các bậc cha mẹ trở thành điểm tựa vững chắc nhất cho con em lúc yếu đuối, để con tin rằng: Một kỳ thi không thể đo hết giá trị và năng lực của một con người, và sẽ luôn có nhiều con đường dẫn đến ước mơ.
Diễm Quỳnh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/con-thi-truot-roi-cha-me-lam-gi-de-con-khong-guc-nga-2419486.html