Con trai gặp sự cố trong kỳ thi đại học, mẹ đăng video lên MXH: 'Chị không nghĩ đến cảm xúc của con à?'

Con trai gặp sự cố trong kỳ thi đại học, mẹ đăng video lên MXH: 'Chị không nghĩ đến cảm xúc của con à?'
7 giờ trướcBài gốc
Đầu tháng 6, kỳ thi đại học quốc gia tại Trung Quốc - còn gọi là Cao khảo (gaokao) chính thức diễn ra. Đây được xem là cuộc thi khốc liệt bậc nhất trong đời học sinh, nơi mỗi điểm số có thể thay đổi cả tương lai. Nhưng giữa hàng triệu sĩ tử, một sự cố tưởng như cá nhân lại bất ngờ trở thành tâm điểm tranh luận trên khắp mạng xã hội.
Một nam sinh đã vô tình tô thiếu đáp án tới 11 câu trong phần trắc nghiệm môn Toán, tương đương mất khoảng 55 điểm. Với một kỳ thi mà mỗi điểm có thể là ranh giới của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thí sinh khác, sai sót này không chỉ đáng tiếc mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội trúng tuyển vào các trường top đầu.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bùng nổ không chỉ nằm ở lỗi của nam sinh, mà là cách người mẹ phản ứng với sự cố.
Ngay sau khi biết chuyện, người mẹ đã quay video ghi lại khoảnh khắc con trai bật khóc vì tiếc nuối, kèm theo lời chia sẻ nhẹ nhàng rằng mong cộng đồng mạng động viên, tiếp thêm tinh thần cho con. Nhưng trái với kỳ vọng, đoạn video nhanh chóng thu hút sự chỉ trích dữ dội, chia cộng đồng thành hai luồng quan điểm trái chiều.
Người mẹ quay lại cảnh con khóc lóc rồi đăng lên mạng xã hội
Mạng xã hội chia phe: đồng cảm hay phán xét?
Phía bênh vực cho rằng người mẹ chỉ đơn thuần muốn lan tỏa câu chuyện, nhận lại sự động viên trong một thời điểm nhạy cảm. Nhưng nhiều người lại lên tiếng chỉ trích gay gắt:
“Chị không biết nghĩ cho con sao?”
“Chưa thi xong mà đã vạch trần nỗi đau của con lên mạng xã hội là điều không nên.”
“Chuyện riêng tư của con mà chị biến thành nội dung để câu view?”
Một số người thậm chí nghi ngờ động cơ thật sự của người mẹ, cho rằng đây là một hành động “làm nội dung” trên nỗi buồn của chính con trai mình.
Tuy nhiên, người mẹ kiên quyết không gỡ video. Bà cho rằng đó là một “bài học xã hội” quan trọng - không chỉ với con trai bà, mà với nhiều học sinh khác đang trong guồng quay căng thẳng của kỳ thi.
Cậu bé không gục ngã, nhưng dư luận vẫn chưa buông tha mẹ em
Ngay sau ngày xảy ra sự cố, nam sinh ấy vẫn tiếp tục bước vào phòng thi ngày kế tiếp, đôi mắt sưng đỏ nhưng gương mặt đầy quyết tâm. Hình ảnh ấy khiến không ít người cảm phục, gọi em là “chiến binh gaokao” – một thí sinh bản lĩnh, không gục ngã giữa nghịch cảnh.
Nhưng trong khi cậu bé đang nỗ lực vượt qua cú sốc, thì mẹ em lại là người chịu trận trước “phiên tòa dư luận”. Những chỉ trích không ngớt, xoáy sâu vào cách nuôi dạy con, giới hạn riêng tư và đạo đức chia sẻ trong thời đại số.
Cậu học trò vẫn bình tĩnh bước vào buổi thi ngày hôm sau. Ảnh minh họa
Câu chuyện này đã chạm vào một vấn đề lớn hơn: áp lực thi cử không chỉ đè nặng lên vai học sinh mà còn bao trùm cả phụ huynh. Một kỳ thi đại học - chỉ diễn ra một lần trong năm đôi khi trở thành chiếc vé duy nhất dẫn tới tương lai, khiến bất kỳ sơ suất nào cũng trở nên khó tha thứ.
Không ít người nhớ lại chính mình: tô nhầm ô trắc nghiệm, quên giấy báo thi, thậm chí vào nhầm phòng… Sai lầm trong kỳ thi là điều có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, việc sai và bị cả cộng đồng mạng “bóc lỗi” - đó là một tầng áp lực mới.
Một số ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có cải tiến kỹ thuật như hệ thống cảnh báo tô thiếu hoặc chức năng kiểm tra cuối trước khi nộp bài. Nhưng cho đến khi những công cụ đó được phổ biến, người học vẫn phải “tự chiến đấu”, trong khi mọi sơ suất, dù nhỏ đến đâu, đều có thể phải trả giá rất đắt.
Người trẻ sai lầm, xã hội có cho họ một cơ hội?
Dưới phần bình luận của đoạn video, xen giữa những lời phán xét gay gắt là những tiếng nói cảm thông. Có người nhắn:
“Cháu cũng từng bỏ sót đáp án trong một kỳ thi quan trọng. Đó là cú sốc lớn nhưng nó không giết chết ước mơ, chỉ khiến cháu trưởng thành hơn.”
Một số cư dân mạng lên tiếng bảo vệ cậu bé, cho rằng việc mắc lỗi trong kỳ thi không phản ánh sự kém cỏi, mà là điều bình thường dưới áp lực tinh thần quá lớn.
Nhiều người lên tiếng bênh vực cậu học trò. Ảnh minh họa
Và khi người mẹ tiết lộ: sẽ đợi con thi xong mới cho em xem lại video, nhiều người đã phần nào cảm nhận được sự kiềm chế và suy nghĩ của người làm mẹ dù cách thể hiện có thể chưa được trọn vẹn.
Không ai phủ nhận rằng mỗi gia đình có một cách dạy con khác nhau. Nhưng trong những thời khắc quan trọng như kỳ thi đại học, điều con cần nhất có lẽ không phải là một video được chia sẻ, mà là sự bình tĩnh, vững vàng của cha mẹ. Một không gian đủ yên tĩnh để chữa lành và bước tiếp.
Nam sinh ấy, dù mất 55 điểm vẫn trở lại trường thi vào hôm sau. Đó là một chiến thắng không cần giấy báo điểm để chứng minh. Bởi kỳ thi đại học không chỉ là cuộc kiểm tra kiến thức, mà còn là bài thi bản lĩnh của tuổi trưởng thành.
Sai sót là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Nhưng cách người lớn và xã hội phản ứng với sai sót ấy sẽ quyết định liệu đó sẽ trở thành bài học để người trẻ lớn lên, hay là một vết thương khó lành theo họ mãi về sau.
Vân Anh - CTV
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/sao-hoc-duong/con-trai-gap-su-co-trong-ky-thi-dai-hoc-me-dang-video-len-mxh-202507011729163767.html