Gia Cát Lượng (181 - 234), tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, là một nhà quân sư, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông là khai quốc công thần, Thừa tướng của nhà Thục Hán trong thời Tam Quốc.
Theo các ghi chép, Gia Cát Lượng là người túc trí đa mưu, liệu sự như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Dù không cần rời khỏi nhà nhưng ông vẫn biết mọi chuyện trên đời. Về sau, Lưu Bị biết được tiếng tăm lẫy lừng của Gia Cát Lượng nên đã đến ngôi nhà tranh 3 lần nhằm chiêu mộ bậc hiền tài này làm việc dưới trướng của mình.
Sau khi "xuống núi", Gia Cát Lượng nhiều lần bày mưu tính kế giúp Lưu Bị đạt được nhiều mục tiêu, xây dựng nhà Thục vững mạnh và khiến lực lượng của Tào Tháo, Tôn Quyền chịu thiệt hại lớn.
Sau nhiều năm đi theo phò tá Lưu Bị, Gia Cát Lượng có con trai khi đã ngoài 40 tuổi. Người con này được Khổng Minh đặt tên là Gia Cát Chiêm. Nhiều người tin rằng, Gia Cát Chiêm sẽ kế thừa sự nghiệp của cha trong tương lai và là nhân vật xuất chúng.
Thế nhưng, tài năng của Gia Cát Chiêm lại kém xa cha. Do thường xuyên bận rộn chuyện chính sự, phò tá hoàng đế Lưu Bị và sau đó là Lưu Thiện - con trai Lưu Bị nên Khổng Minh không có nhiều thời gian chăm lo, dạy giỗ Gia Cát Chiêm.
Gia Cát Chiêm không được Gia Cát Lượng dành nhiều thời gian dạy dỗ để thành tài được cho là bởi vì 2 lý do. Đầu tiên, nếu Khổng Minh dành nhiều thời gian, công sức để bồi dưỡng con trai thành nhân tài xuất chúng thì có thể khiến Lưu Bị nghi ngờ có dã tâm, muốn chiếm đoạt ngôi vua.
Theo đó, Gia Cát Chiêm dù được thừa hưởng một số phẩm chất của cha nhưng do không được Khổng Minh truyền dạy các kiến thức chính trị, binh pháp... nên tài năng kém xa cha.
Nguyên do thứ hai là vì Gia Cát Chiêm có tính cách tự cao tự đại. Ngay từ khi còn nhỏ, Gia Cát Chiêm đã cậy có một người cha tài giỏi nên kiêu ngạo. Thêm nữa, nhiều người cũng nói rằng, Gia Cát Chiêm lớn lên sẽ trở thành kỳ tài xuất thế nên càng kiêu căng, ngạo mạn, lười học hỏi.
Vậy nên, dù Gia Cát Lượng có thông minh, tài trí đến đâu cũng không thể giúp Gia Cát Chiêm - người con trai tầm thường trở thành một nhân vật kiệt xuất, có thể "hô mưa gọi gió".
Thậm chí, nhiều sử gia cho rằng, Gia Cát Lượng thần cơ diệu đoán nên từ sớm đã dự đoán được số phận của con trai nên không dốc lòng bồi dưỡng. Quả thật, sau khi Gia Cát Lượng chết, Gia Cát Chiêm cũng làm việc cho nhà Thục nhưng cuối cùng chết thảm khi dẫn quân đánh trận với ít kinh nghiệm. Ảnh trong bài mang tính minh họa.
Mời độc giả xem video: Trung Quốc ra mắt tàu treo tự động trên cao. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (TH)
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/con-trai-gia-cat-luong-kem-coi-vi-nguyen-nhan-bat-kha-khang-2094907.html