Con trượt lớp 10, cha mẹ đừng trượt vai trò!

Con trượt lớp 10, cha mẹ đừng trượt vai trò!
4 giờ trướcBài gốc
Cú sốc tuổi 15: Tổn thương âm thầm nhưng sâu sắc
Trong bối cảnh giáo dục của thủ đô hiện nay, trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 đối với nhiều gia đình và học sinh sẽ là một cú sốc, gây tổn thương đặc biệt với những học sinh đang ở độ tuổi vị thành niên vô cùng nhạy cảm, dễ tổn thương.
Theo các nhà giáo dục, các nhà tâm lý, đây là thời điểm để cha mẹ thể hiện sự thấu hiểu, đồng hành và thu hẹp khoảng cách thế hệ với con. Vậy cha mẹ cần làm gì?
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, thứ nhất hãy “cảm được” sự hẫng hụt tâm lý của một đứa trẻ vị thành niên khi hụt mất một giấc mơ. Các con sẽ có cảm giác tự ti, mặc cảm, mất giá trị bản thân. Sẽ so sánh với bạn bè, cảm giác bị tụt lại phía sau, sẽ lo lắng tương lai, cảm thấy thế giới "đã đóng cửa" với mình. Nhiều bạn sẽ rút lui khỏi giao tiếp, có thể dẫn đến hành vi tiêu cực nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Thứ hai, theo nhà tâm lý này, lắng nghe và đừng trách móc. Tuyệt đối tránh những câu nói như : “Đã nói rồi, con học thế thì ….”, “Bố mẹ đã kỳ vọng rất nhiều đấy”, “Bạn A học kém con nó còn đỗ mà con thì...” Thay vào đó hãy nói “Bố mẹ hiểu là con đã cố gắng rồi.”, “Chúng ta sẽ cùng nhau tìm phương án khác phù hợp nhé.”
“Hãy nhớ rằng chỉ khi một cá nhân cảm thấy được cảm thông, được an toàn trong gia đình, các em mới dám bộc lộ cảm xúc và làm lại, vượt qua nỗi đau”- ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, hãy để con có một không gian để tự suy ngẫm và bộc lộ cảm xúc. Đừng đánh lạc hướng hoặc khó chịu khi con thể hiện buồn, khóc, thất vọng. Hãy thể hiện con được phép vì đó là cảm xúc tự nhiên. Cha mẹ cũng không nên ép con "phải mạnh mẽ ngay lập tức". Mà hãy khuyến khích con viết nhật ký, vẽ tranh, chia sẻ với người thân hoặc chuyên gia tâm lý.
Đây là cách để giúp con tư duy lại về những cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức của mình và tránh xu hướng thảm họa hóa vấn đề. Sau đó, cha mẹ hãy giúp con nhìn nhận lại quá trình học tập, những nỗ lực đã có để củng cố niềm tin và giá trị của con, không thành công ở một sự kiện không làm con mất đi giá trị.
Ngoài ra, cha mẹ cần phân tích nguyên nhân trượt NV1 một cách khách quan, để trẻ không tự đổ lỗi, khuyến khích con rút kinh nghiệm, vượt qua thất bại và tiếp tục cố gắng.
Cuối cùng, khi đứa trẻ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng cảm xúc, hãy hướng con tìm những lối đi mới với hy vọng mới. Hãy bàn luận cùng con về các nguyện vọng 2, 3, cơ hội học các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề – học song bằng. Giúp con nhìn thấy nhiều lựa chọn khác vẫn có thể dẫn đến thành công và hạnh phúc nếu phù hợp với năng lực và đam mê.
"Thái độ của cha mẹ trong lúc con gặp thất bại có thể quyết định sự trưởng thành của con"
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, cha mẹ hãy giúp con đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và thực tế: học tốt ở môi trường mới, phát triển kỹ năng mềm, tìm hiểu sở thích. Khuyến khích tạo động lực để con tham gia các hoạt động một cách năng động hơn và tìm hiểu về các cơ sở giáo dục mới. Trong cả quá trình này, cha mẹ cần luôn để tâm theo dõi sức khỏe tâm thần của con.
Những biểu hiện mất kiểm soát về nhịp sinh học như mất ngủ kéo dài, không muốn ăn, thu mình, nói những lời tiêu cực như “chán sống”, “con là gánh nặng”… thì hãy đưa con tới gặp chuyên gia tâm lý học đường. Hãy nhớ “Đỗ hay trượt không quyết định tương lai của một đứa trẻ.
Ông Nam đưa ra lời khuyên, thái độ của cha mẹ trong lúc con gặp thất bại có thể quyết định sự trưởng thành của con sau này.” Trở thành người bạn đồng hành tích cực trong thời khắc khó khăn này, cha mẹ không chỉ giúp con không chỉ vượt qua một kỳ thi, mà còn giúp con rèn năng lực chịu đựng thất bại, vượt qua thất bại để vững vàng trên đường đời.
Đỗ Hợp
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/con-truot-lop-10-cha-me-dung-truot-vai-tro-post1758436.tpo