Thời tiết bước vào nắng nóng, cũng là thời gian học sinh phổ thông tại Hải Phòng vào kỳ nghỉ hè. Đây là thời điểm hết sức nhạy cảm ở các sông ngòi, ao đầm, nơi nguy cơ xảy ra các vụ đuối nước luôn rình rập. Bởi vậy, từ thực tiễn xảy ra của những năm trước, mùa hè năm nay Công an TP Hải Phòng đã sớm đưa ra cảnh báo nạn đuối nước, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch dạy bơi miễn phí, trang bị kỹ năng tiếp xúc nước cho trẻ em trên địa bàn.
Những vụ đuối nước đau lòng
Theo tin từ UBND xã Ninh Sơn (TP Thủy Nguyên, Hải Phòng), vào tối 19/5 trên địa bàn xã đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm, khiến 1 bé trai 5 tuổi tử vong. Vụ việc xảy ra khi chị Bùi Thị T. (SN 1992, trú thôn 5, xã Ninh Sơn) đi tập thể dục vào cuối buổi chiều như thường lệ, lúc này cháu L.T.H (SN 2015) và cháu L.K.N (SN 2020) là con chị T. đạp xe đi theo mẹ. Khi đến đoạn kênh Núi Nấm (thôn 4, xã Ninh Sơn), không may hai chị em H. và N. bị rơi xuống kênh.
Nghe tiếng kêu cứu, một số người dân gần khu vực đã chạy đến kịp thời cứu vớt được cháu L.T.H, còn cháu L.K.N thì đã bị nước cuốn đi. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hải Phòng đã cử lực lượng và phương tiện đến hiện trường, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, đến 0h30 ngày 20/5 đã tìm thấy thi thể của nạn nhân L.K.N và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
CBCS Trạm Cảnh sát đường thủy Bạch Đằng hướng dẫn kỹ năng tiếp xúc nước cho trẻ em trên địa bàn TP Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Trước đó, trên địa bàn xã Tân Minh (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 2 cháu nhỏ cùng 11 tuổi bị tử vong. Vụ việc xảy ra vào chiều 5/3 khi 1 nhóm học sinh của Trường tiểu học Quang Phục (xã Tân Minh) rủ nhau ra khu vực đất trống gần vùng bãi bồi sông Văn Úc để chơi đùa và đá bóng. Trong thời gian này, chẳng may 4 cháu bé trong nhóm bị rơi xuống đầm nước nuôi thủy sản gần đó.
Khi vụ việc được phát hiện, những người dân trong khu vực đã cứu được 2 cháu lên bờ, tuy nhiên do đầm rộng, nước sâu, 2 cháu còn lại là P.T.A và Đ.T.T (cùng sinh năm 2014, cùng là học sinh lớp 5D, Trường Tiểu học Quang Phục, xã Tân Minh) đã bị chìm và tử vong.
Trên đây chỉ là 2 vụ việc điển hình mới xảy ra tại Hải Phòng. Còn theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2024 vừa qua trên địa bàn đã xảy ra gần 10 vụ đuối nước khiến hàng chục trẻ em bị tử vong. Đáng chú ý, phần lớn các vụ việc nghiêm trọng đều xảy ra trong dịp nghỉ hè, khi các em nhỏ thường tìm đến vui chơi, tắm tại các vùng nước trong điều kiện thời tiết nóng bức.
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, TP Hải Phòng là địa phương có gần chục cửa sông lớn đổ ra biển, có mật độ sông ngòi thuộc diện lớn nhất miền Bắc. Cùng với đó là hệ thống thủy lợi, thủy nông và các tùng, áng, hồ, đầm, ao… phục vụ tiêu thoát nước, canh tác nông nghiệp và nuôi thả thủy sản. Đây là những vùng nước rộng, sâu và luôn có hoạt động đổi nguồn với dòng chảy mạnh, cũng từ đó xuất hiện nhiều điểm bơi tắm tự phát, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho cả người lớn và trẻ em.
Chưa kể, trong dịp nghỉ hè đến các cháu bé được nghỉ học, có nhiều thời gian rảnh nên tự tìm chỗ vui chơi, trong đó có cả những điểm không an toàn mà vụ việc 2 chị em ruột cùng tử vong khi ngã xuống đầm nuôi thủy sản ở xã Trường Thọ (huyện An Lão, TP Hải Phòng) vào mùa hè năm 2024 là một ví dụ đau lòng.
Chủ động phòng tránh từ sớm, từ xa
Trước thực trạng trên, thời gian qua Công an TP Hải Phòng đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phòng chống tình trạng đuối nước ở trẻ em. Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị tham mưu cho chính quyền cơ sở, rà soát các vùng nước, tiến hành rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các vùng nguy hiểm và quản lý chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn tại các bể bơi công cộng.
Bên cạnh đó, với tinh thần phòng ngừa từ sớm, từ xa, lực lượng Công an tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tiếp xúc nước cho trẻ em tại các trường học. Công an thành phố cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tắm tại các khu vực chưa được cấp phép, đặc biệt là trẻ em khi không có người lớn đi kèm; vận động để mỗi người dân, mỗi gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn cho chính mình và người thân, đặc biệt là học sinh khi các em bước vào kỳ nghỉ hè.
Song song với các biện pháp phòng ngừa nêu trên, lực lượng Công an Hải Phòng đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn và tập huấn nghiệp vụ các đội cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở. Phong trào dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn cũng được phát động trong toàn Công an TP, với chủ công là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Cảnh sát đường thủy, Hội phụ nữ và Đoàn Thanh niên Công an… gần đây đã trở thành hoạt động thường niên.
Trung tá Ngô Minh Tuệ, Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho biết, trung bình mỗi năm lực lượng Cảnh sát đường thủy Hải Phòng tổ chức dạy bơi miễn phí cho khoảng 200 em nhỏ là con em những gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến học bơi ở các cơ sở dịch vụ.
Riêng tại Trạm Cảnh sát đường thủy Bạch Đằng, toàn bộ CBCS đều được tập huấn nghiệp vụ thống nhất về bơi và phòng, chống đuối nước, để hướng dẫn các em nhỏ những động tác cơ bản như: khởi động trước khi bơi nhằm tránh co cơ, chuột rút; kỹ năng thở, phối hợp tốt chuyển động cơ thể; tập nổi, đạp chân, tập lướt nước, nhất là tự nhận biết những dấu hiệu cơ thể để nhanh chóng rời khỏi khu vực mặt nước. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được hướng dẫn kỹ năng cứu hộ, phát hiện sự cố đối với bản thân và những người xung quanh để xử lý những tình huống đuối nước, phù hợp với độ tuổi của các em.
Cũng theo Trung tá Ngô Minh Tuệ, thực hiện chỉ đạo của Công an TP và lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP, cũng như mọi năm, trước mùa hè năm nay Trạm Cảnh sát đường thủy Bạch Đằng đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, dạy bơi miễn phí và các phương án cứu nạn, cứu hộ đuối nước đối với tình huống phát sinh trên địa bàn được phân công quản lý. Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát những địa bàn nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để kịp thời phát hiện, xử lý khi có tình huống phát sinh.
CBCS Trạm cảnh sát đường thủy Bạch Đằng cũng tự nguyện quyên góp và vận động quyên góp những vật dụng hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể là đồ bơi, áo phao và những quà tặng ý nghĩa khác, góp phần hỗ trợ an toàn cho các em cũng như thắt chặt sự gắn bó quân dân, thể hiện trách nhiệm của người chiến sĩ Công an với cộng đồng.
Công an Hà Tĩnh đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng ngừa đuối nước cho học sinh và người dân
Theo thống kê trong năm 2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 26 vụ đuối nước ở trẻ em khiến 29 cháu tử vong. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, đã xảy ra 06 vụ, 07 cháu tử vong. Trước thực trạng đó, để chủ động phòng ngừa các vụ tai nạn đuối nước có thể xảy ra, thời gian này lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp với các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại trường học, hướng dẫn các em học sinh kỹ năng bơi lội an toàn, kỹ năng sơ cấp cứu người bị đuối nước và cách mặc áo phao đúng quy chuẩn.
Lực lượng Công an xã còn chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên và lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở tổ chức các buổi truyền thông lưu động tại các thôn, xóm, khu dân cư, đặc biệt là các khu vực gần sông, hồ, đập. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ tai nạn đuối nước, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, chăm sóc và giám sát trẻ em trong mùa hè. (Nga Nguyễn)
V.Huy