Theo cơ quan chức năng, chỉ trong một thời gian ngắn, tà đạo Hà Mòn đã lôi kéo hơn 2.300 người tin theo, phát triển sang các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Những hoạt động của tà đạo Hà Mòn đã gây ra không ít hậu quả về nhiều mặt, trong đó có việc cản trở quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Điển hình như những người theo tà đạo Hà Mòn không tham gia sinh hoạt với cộng đồng, tổ chức đám cưới không đăng ký kết hôn, không chấp hành lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự, hạn chế tiếp xúc với “người lạ”... Một số đối tượng còn có những lời lẽ thách thức, có thái độ chống đối khi chính quyền cơ sở triệu tập. Bên cạnh đó, tà đạo này còn chia rẽ đoàn kết trong cộng đồng dân cư và gieo rắc mê tín dị đoan...
Lực lượng Công an tỉnh Kon Tum đến vùng sâu, vùng xa tuyên truyền người dân không nghe, không theo tà đạo.
Trước thực trạng trên, trong những năm 1999 đến 2010, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh ngăn chặn, xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn, trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đã triển khai, thành lập các tổ tăng cường cơ sở xuống địa bàn trực tiếp thực hiện “4 cùng” với nhân dân. Bên cạnh đó là tham mưu, phối hợp các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào, phản bác các luận điệu tuyên truyền sai sự thật, đấu tranh, xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến tổ chức tà đạo Hà Mòn.
Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng Công an tỉnh Kon Tum phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt giữ 23 đối tượng cầm đầu, cốt cán, chống đối quyết liệt, xử lý hình sự 9 đối tượng, kiểm điểm trước dân 8 đối tượng, chuyển giao 6 đối tượng cho Công an các tỉnh xử lý theo thẩm quyền.
Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tham gia đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, tranh thủ sự ủng hộ, tham gia của các chức sắc, Giáo hội Công giáo trong công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và lực lượng Công an cơ sở, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hoạt động tà đạo Hà Mòn.
Trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vẫn còn nhớ như in những ngày gian khổ “nằm gai, nếm mật” để xóa bỏ tà đạo Hà Mòn. Theo ký ức, vào năm 2003, trên địa bàn xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tà đạo “Hà Mòn” xuất hiện tại thôn Giang Lố 2, người cầm đầu tự xưng Giáo phu là ông A Giêng. Đã có 53 hộ với 200 khẩu nghe xúi giục, hằng ngày tập trung tại nhà A Giêng cầu nguyện, đọc kinh trái phép.
“Để xóa bỏ được tà đạo, cần làm cho người dân phải tin tưởng, có nhận thức đúng đắn vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tránh để các đối tượng tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo. Hằng ngày, chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương với người dân. Có thời điểm rất khó khăn, căng thẳng do bị người dân lảng tránh. Thế nhưng trên tinh thần là một người con của bản làng, chúng tôi kiên trì gần gũi tiếp cận, sau đó, dùng tình cảm bên cạnh lý lẽ thuyết phục, việc làm hành động cụ thể để người dân tin tưởng. Mưa dầm thấm lâu, đến năm 2017, tà đạo “Hà Mòn” hoàn toàn bị xóa bỏ, đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Giang Lố 2 quay về đạo chính thống sinh hoạt”, một cán bộ Công an huyện Ngọc Hồi nhớ lại.
Công an Kon Tum tổ chức thăm hỏi, tuần tra đảm bảo ANTT trong mùa thu hoạch cà phê của người dân trên địa bàn.
Còn trong ký ức của Trung tá Đặng Minh Thắng, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đắk Hà, vào thời điểm 2003, tại làng Kon Gu 1, xã Ngọk Wang, huyện Đắk Hà, hai đối tượng cốt cán của tà đạo Hà Mòn là A Níp, A Cheoh đã lôi kéo 28 hộ/55 khẩu là giáo dân tin theo tà đạo “Hà Mòn”.
“Công tác xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn đã kéo dài hơn 13 năm trời, đó là cả một quá trình có rất nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ nhất là những lần phải lên nương để gặp từng người, từng hộ gia đình để vận động. Đi từ sáng sớm cho đến đầu giờ chiều rồi vẫn chưa được ăn sáng, có những hôm 6 giờ chiều mới là bữa trưa của chúng tôi. Đó là những ngày tháng “đói, khát” và chịu những sự phản kháng, xúc phạm, lăng mạ của bà con đã tin theo tà đạo Hà Mòn”, Trung tá Thắng chia sẻ.
Nhà thờ gỗ Kon Tum (Nhà thờ chính tòa giáo phận Kontum), nơi không chỉ dành riêng cho người Công giáo tới hành lễ và cầu nguyện, mà còn là một điểm đến không thể bỏ qua đối với cả người dân Kon Tum và du khách.
Từ sự kiên trì vận động, thuyết phục của cán bộ Công an, nhiều người dân đi theo tà đạo “Hà Mòn” đã bỏ theo tà đạo, trở lại cuộc sống bình thường, biết ơn đến chính quyền, Công an địa phương. “Sau khi chúng tôi vận động được thì bà con lại rất phấn khởi. Tình cảm giữa chúng tôi với những người đã từng lầm lỗi, đi theo tà đạo Hà Mòn lại rất vui vẻ, như người trong gia đình. Bà con thường mời chúng tôi xuống nhà chơi. Chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi bà con. Trải qua những sóng gió, giờ có được những tình cảm như vậy thì tôi rất là trân quý”, Trung tá Thắng cho hay.
Qua 13 năm tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an, đến nay vấn đề tà đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản được giải quyết. Cụ thể, đã xóa bỏ hoàn toàn về tổ chức và giải quyết được cơ bản yếu tố chính trị, phản động, ly khai tự trị của tà đạo Hà Mòn, đa số người từ bỏ tà đạo Hà Mòn đã đi Nhà thờ và quay lại sinh hoạt đạo Công giáo.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào tháng 5/2022, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an) nhấn mạnh: “Thực tiễn công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trong những năm qua ở Kon Tum đã cho thấy, khi nào cấp ủy, chính quyền nhất là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp mhân dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành dưới sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy Đảng, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt vấn đề phức tạp về an ninh trật tự mới giải quyết dứt điểm tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại phát triển kinh tế - xã hội cũng là nguồn lực để đảm bảo quốc phòng và an ninh”.
“Tà đạo Hà Mòn” hay còn gọi là “Đạo Gyin”, “Công giáo Đề ga”, xuất hiện tại Kon Tum từ cuối năm 1999 sau đó lan sang Gia Lai, Đắk Lắk do đối tượng Y Gyin (SN 1942, người dân tộc Ba Na Rơn Gao, trú ở làng Kơ Tu, xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) tự dựng lên một câu chuyện để lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin.
Từ câu chuyện bịa đặt này, Y Gyin cùng một số đối tượng khác đã tung ra các luận điệu sai trái, bịa đặt hết sức phản động nhằm lôi kéo, kích động giáo dân Công giáo từ bỏ đạo chính thống của mình, từ bỏ nhà thờ để đi theo tà đạo của chúng.
Nguy hiểm hơn, bọn Fulro lưu vong đã lợi dụng tà đạo này để tập hợp lực lượng kích động chống phá, gây mất ổn định về an ninh ở một số địa bàn; lôi kéo, tập hợp lực lượng hoạt động cho Fulro, tuyên truyền cái gọi là “đạo Hà Mòn” là của người dân tộc để tập hợp lực lượng chống phá chính quyền, chia rẽ đoàn kết dân tộc.
Văn Thành