Công an Thanh Hóa thông tin mới nhất về vụ sản xuất 21 loại thuốc giả

Công an Thanh Hóa thông tin mới nhất về vụ sản xuất 21 loại thuốc giả
6 giờ trướcBài gốc
Thủ đoạn tinh vi, hàng giả len lỏi từ bệnh viện đến siêu thị
Thị trường tiêu dùng trong nước đang phải đối mặt với thực trạng đáng báo động: vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi và lan rộng đến hầu hết các mặt hàng thiết yếu từ sữa, thuốc men cho đến thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Đáng lo ngại hơn, không ít sản phẩm giả mạo đã len lỏi vào các hệ thống phân phối chính thống, thậm chí xuất hiện trong bệnh viện, nhà thuốc và siêu thị.
Những năm gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ làm giả sữa công thức cho trẻ em, thuốc điều trị bệnh mãn tính và thực phẩm chức năng, với quy mô lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, người tiêu dùng gần như không thể phân biệt hàng thật – giả nếu chỉ dựa vào bao bì, tem nhãn. Ma trận hàng giả đang ngày một phức tạp và nguy hiểm hơn.
Một ví dụ điển hình là vụ án được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) khởi tố tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan (Hải Dương). Hai bị can đã làm giả sữa bột, giả mạo hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm bằng giấy tờ của cơ quan chức năng, hợp thức hóa quy trình sản xuất và phân phối. Những sản phẩm này được đưa ra thị trường qua đại lý, nhà thuốc, thậm chí trên các nền tảng thương mại điện tử.
Từ một vụ việc đơn lẻ, cơ quan chức năng đã phát hiện chuỗi thủ đoạn tinh vi, khép kín – trong đó, các đối tượng lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác hậu kiểm và niềm tin của người tiêu dùng để mở rộng quy mô làm giả.
Không dừng lại ở sữa, tình trạng làm giả thuốc cũng trở nên nghiêm trọng. Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với 14 đối tượng bị bắt, thu giữ gần 10 tấn thuốc thành phẩm và nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, phần lớn là thuốc Đông y giả chứa hàm lượng cao thuốc giảm đau – đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Lực lượng công an kiểm tra số thuốc giả. Ảnh: Công an Thanh Hóa.
Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, đó là từ sản xuất, mua nguyên liệu, đến phân phối qua mạng xã hội bằng tài khoản, số điện thoại ảo. Các sản phẩm này thường không có giấy tờ, chứng từ, nhưng vẫn tìm cách thâm nhập vào các cơ sở y tế thông qua đấu thầu trá hình.
Trên chương trình Tiêu điểm kinh tế của Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng tối ngày 24/4, Thiếu tá Tống Đình Xuân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Thủ đoạn hoạt động của đối tượng rất là tinh vi. Từ khâu mua nguyên liệu đến khâu sản xuất và bán hàng đều trên các không gian mạng. Các đối tượng sử dụng những số điện thoại ảo, các tài khoản ảo, cũng như là bán hàng chủ yếu qua các trang mạng và những các ứng dụng bán hàng, điều này gây khó khăn cho lực lượng cơ quan điều tra".
Thực tế đáng báo động là hàng giả không tự nhiên xuất hiện trên bàn ăn hay trong đơn thuốc – chúng đi theo một hành trình được dàn dựng kỹ lưỡng. Từ bác sĩ kê đơn đến người nổi tiếng quảng bá, rồi các buổi hội thảo "tặng quà miễn phí", tất cả đều góp phần hợp thức hóa sự xuất hiện của hàng giả. Người tiêu dùng – vốn tin tưởng vào danh tiếng lại trở thành nạn nhân dễ dàng nhất.
Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở pháp lý, sự thiếu đồng bộ trong quản lý chất lượng, quảng cáo, phân phối... để đưa hàng giả ra thị trường dưới vỏ bọc hợp pháp. Khi hành vi vi phạm không bị xử lý triệt để, lợi nhuận khổng lồ từ hàng giả tiếp tục trở thành động lực cho những đường dây tinh vi hơn mọc lên.
Một vụ việc gần đây còn cho thấy sự liên kết giữa các sản phẩm giả và hệ thống phân phối bệnh viện. Sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược Quốc tế Grand Pharma – từng bị xác định liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả – đã xuất hiện trong đơn thuốc điều trị tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Hệ lụy từ người nổi tiếng tiếp tay cho hàng giả
Vấn đề quảng cáo sản phẩm sai sự thật, đặc biệt bởi người nổi tiếng, cũng đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Luật hiện hành chủ yếu điều chỉnh quảng cáo truyền thống, trong khi hình thức quảng cáo qua livestream, video trên Tiktok, Fanpage cá nhân của KOLs lại chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo luật sư Huỳnh Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm với các tài khoản mạng xã hội và nhà mạng để truy vết hành vi vi phạm. Đồng thời, luật cần được cập nhật để kiểm soát hiệu quả hoạt động quảng cáo, bán hàng online.
Về phía cơ quan lập pháp, phát biểu trên chương trình Tiêu điểm kinh tế, ông Hoàng Minh Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội) cho biết: Dự thảo luật mới đã bổ sung quy định về trách nhiệm của các nền tảng trung gian quảng cáo, cũng như trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng khi truyền tải sản phẩm đến người tiêu dùng.
Ông Hoàng Minh Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội). Ảnh: VTV
Tuy nhiên, hệ thống hậu kiểm hiện vẫn còn phân tán, thiếu phối hợp. Nhiều sản phẩm chỉ cần "tự công bố", không bị kiểm tra trước khi lưu thông. Điều này khiến việc xử lý vi phạm chủ yếu dừng lại ở mức hành chính, không đủ sức răn đe.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội), chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là xu hướng tất yếu, nhưng cần gắn chặt hành vi vi phạm với chế tài xử lý tương xứng để đảm bảo hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội). Ảnh: VTV.
Những hộp sữa giả trong bệnh viện, những viên thuốc Đông y chứa thuốc giảm đau, những sản phẩm được người nổi tiếng quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội – tất cả đều có điểm chung đó là chúng len lỏi qua kẽ hở pháp luật, để rồi người dân – bên yếu thế nhất lại là người phải gánh chịu hậu quả.
Trong xã hội hiện đại, hàng giả không chỉ là gian lận thương mại – mà là tội ác đối với sức khỏe cộng đồng. Đây là lúc cần đến những biện pháp mạnh tay, quyết liệt, đồng bộ để bảo vệ thị trường tiêu dùng, lấy lại niềm tin cho người dân, và ngăn chặn triệt để tội phạm hàng giả đang ngày càng nguy hiểm và khó lường hơn bao giờ hết.
Liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả, qua khám xét, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, gồm: 44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion; 1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn; 4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hóa Sigapore); 2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; 1.923 hộp Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh); 5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh); 2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn; 930 hộp thuốc Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; 6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; 1.014 hộp thuốc Phong tê nhức Bạch Xà Vương; 4.743 hộp thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; 845 hộp thuốc đa xoang mũi; 4.012 hộp thuốc Viên vai cổ; 2.413 hộp thuốc Yuan Bone; 834 hộp thuốc thoái cốt hoàn plus; 515 hộp thuốc thoái hóa nhức khớp hoàn plus; 657 hộp thuốc thoát hóa tọa cốt đơn.
Ngoài số thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, lực lượng Công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả, gồm: hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142 kg các loại viên hoàn, viên nén, bột và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất như: dây chuyền sản xuất, máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán và hàng nghìn các sản phẩm hàng hóa là thuốc chữa bệnh khác chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu, máy móc để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn.
Thái Mạnh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/cong-an-thanh-hoa-thong-tin-moi-nhat-ve-vu-san-xuat-21-loai-thuoc-gia-384758.html