Nhiều chuyển biến tích cực sau khi Nghị định 168 đi vào đời sống
Sau 20 ngày triển khai thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168), tình hình TTATGT trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến rõ rệt, tích cực. Cụ thể, lực lượng CSGT Thành phố đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm làm nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên tinh thần kiên quyết nhằm thay đổi thói quen tham gia giao thông của người dân, ý thức chấp hành được nâng cao, tình hình giao thông được bảo đảm an toàn.
Từ ngày 01/01 đến ngày 18/01, lực lượng CSGT Thành phố đã lập biên bản 30.853 trường hợp vi phạm, so với liền kề giảm 620 trường hợp. Trong đó, một số hành vi trọng tâm tập trung xử lý gồm: 534 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, 1.152 trường hợp lưu thông không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố, 425 trường hợp đi ngược chiều, 9.642 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 3.618 trường hợp chạy quá tốc độ quy định…
Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP chủ trì hội nghị
Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) được kéo giảm sâu sau hơn 2 tuần triển khai Nghị định 168. Tính từ ngày 01/01 – 19/01, trên địa bàn Thành phố xảy ra 45 vụ TNGT đường bộ, làm 23 người chết, 23 người bị thương. So với thời gian liền kề (từ ngày 13/12/2024 đến 31/12/2024) giảm 50 vụ (giảm 53%), giảm 15 người chết (giảm 39%), giảm 21 người bị thương (giảm 48%).
Về tình hình giao thông trên lĩnh vực đường bộ, đến thời điểm hiện tại cơ bản người dân chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT, đặc biệt là các hành vi vi phạm tăng mức phạt gấp nhiều lần đối với một số hành vi vi phạm: không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều, đi trên hè phố... Vì vậy, tuy có xảy ra ùn tắc giao thông ở một số địa bàn khu vực trung tâm vào giờ cao điểm sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, nhưng tình hình giao thông được duy trì mức độ an toàn cao, ý thức người dân được nâng cao, làn đường sử dụng đúng đối tượng, dòng xe ngay ngắn, không còn tình trạng phương tiện dồn ứ cục bộ trong phạm vi giao lộ.
Đại diện Phòng CSGT báo cáo tại hội nghị
Nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian lễ, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) đã tiến hành rà soát tổng số các giao lộ cần gắn đèn tín hiệu giao thông cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, trực tiếp phối hợp các đơn vị thuộc Sở Giao thông - Vận tải nhanh chóng bố trí thêm nhân lực, phương tiện để thực hiện việc lắp đặt trong thời gian tới. Kết quả, đến hết ngày 19/01, đã lắp 500 bộ đèn tín hiệu giao thông cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại 205 nút giao thông.
Có thể thấy, việc ban hành quy định pháp luật về TTATGT làm thay đổi nhận thức người dân, cho thấy chính sách pháp luật được lan truyền rộng rãi đến tận người dân, đây là ưu điểm lớn của việc triển khai, thi hành Luật TTATGT đường bộ trong thời gian vừa qua.
Lãnh đạo các phòng chức năng thuộc CATP dự hội nghị
Nhường đường cho xe ưu tiên thực thi nhiệm vụ là tình huống khẩn cấp, không được xem là vi phạm
Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, đồng thời trên địa bàn Thành phố diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội, sự kiện chào đón năm mới, CATP dự báo tình hình TTATGT sẽ có nhiều diễn biến phức tạp do nhu cầu của người dân về quê, du lịch, vui chơi giải trí trong dịp Tết tăng cao, đặc biệt là trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, lưu lượng phương tiện sẽ gia tăng trên các tuyến đường, nhất là tại các cửa ngõ ra vào Thành phố, khu vực sân bay, bến cảng. Lực lượng CSGT toàn Thành phố sẽ trực chiến 100% quân số nhằm bảo đảm đủ quân số thực hiện nhiệm vụ điều khiển giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ ra vào Thành phố. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ Nhân dân di chuyển trên các tuyến giao thông trong những ngày trước, trong và sau Tết.
Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc CATP yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm, trong đó, tập trung quán triệt nội dung Nghị định 168 của Chính phủ đã kế thừa và phát huy những nội dung đã, đang thực hiện có hiệu quả tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như: việc kiểm soát các vi phạm về nồng độ cồn đã hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, kiểm soát xử lý xe quá tải trọng, cơi nới thành thùng khi tham gia giao thông, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá rất cao; với mục tiêu tiếp tục kéo giảm sâu TNGT, hình thành môi trường giao thông an toàn.
Bên cạnh đó, tuyên truyền việc chấp hành quy định pháp luật, song song với việc mở rộng nhận thức cho người dân như: nhường đường cho xe ưu tiên thực thi nhiệm vụ là tình huống khẩn cấp, cấp thiết, không được xem là vi phạm; khi đèn tín hiệu hư hỏng, chấp hành theo hướng dẫn giao thông của lực lượng chức năng, hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin hư hỏng đèn tín hiệu…
Trừ điểm trên Giấy phép lái xe là biện pháp quản lý nhà nước có tính nhân văn
Trao đổi thêm với phóng viên, lãnh đạo Phòng PC08 cho biết, mục đích bảo vệ tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu nên Nghị định 168 đã nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính với nhóm hành vi thuộc về lỗi cố ý của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện là nguyên nhân chính gây TNGT, ùn tắc giao thông, hủy hoại kết cấu hạ tầng giao thông, như: không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông, hiệu lệnh của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; đi ngược chiều; điều khiển xe đi trên vỉa hè; chuyển hướng không đúng quy định, không nhường đường cho các phương tiện khi chuyển hướng từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính, mở cửa xe không đảm bảo an toàn, chở quá tải trọng ở mức cao, chở quá số người quy định, giao xe cho người không đủ điều kiện (không có Giấy phép lái xe) tham gia giao thông…
Bên cạnh đó, biện pháp trừ điểm trên Giấy phép lái xe là biện pháp quản lý nhà nước có tính nhân văn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp tục điều khiển phương tiện khi có hành vi vi phạm giao thông mà chưa bị trừ hết điểm, đảm bảo cuộc sống hàng ngày, vừa tự quản lý, ý thức về số điểm còn lại để tham gia giao thông một cách chủ động, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, xã hội.
A.T