Đầu giờ chiều 2/4, một nạn nhân của thảm họa động đất tại Myanmar đã được lực lượng cứu hộ 3 nước Việt Nam, Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu thành công sau 124 giờ mắc kẹt trong đống đổ nát.
Vừa hoàn thành nhiệm vụ được coi như “kỳ tích”, Thượng úy Đào Văn Long lữ đoàn 229 Binh chủng Công binh (đoàn Cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết: Vào trưa cùng ngày, anh đang cùng đồng đội triển khai công tác cứu hộ tại bệnh viện Ottara Thiri tại thành phố Naypyidaw thì nhận được thông tin về một nạn nhân động đất mắc kẹt có khả năng vẫn còn sống.
Thượng úy Đào Văn Long chia sẻ với phóng viên về quá trình cứu hộ, cứu nạn
Ngay lập tức, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử một đội công binh gồm 6 thành viên đến khách sạn Aye Chan Thar để phối hợp cùng lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar để tìm cách giải cứu.
“Khi tới hiện trường, tôi được giao nhiệm vụ vào bên trong để dọn đất đá, bê-tông ra phía bên ngoài. Ngay sau đó, công binh Việt Nam cũng lên phương án đục phá sàn công trình. Khi toàn đội đục xuống độ sâu chừng 50cm thì lớp tấm đan bằng sắt thép bắt đầu lộ ra”, Thượng úy Đào Văn Long kể.
Lúc này, để bảo đảm liên lạc, cứ 3 phút, nhóm cứu hộ phía trên lại hỏi nạn nhân một lần.
- Hello, Hello. Are you ok?
- Ok.
Sau khi đục thông được sàn, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận thành công nạn nhân bị mắc kẹt phía dưới.
“Sau khi đục được ô thoáng rộng chừng 10cm, tôi thò được tay xuống, ra hiệu cho nạn nhân. Lúc này, anh vươn tay lên để bắt. Qua đánh giá, nạn nhân vẫn trong thể trạng sức khỏe khá tốt”, Thượng úy Long tiếp lời.
Vào thời điểm này, niềm vui như vỡ òa ra với các cán bộ, chiến sĩ đoàn Việt Nam nói riêng; đoàn cứu hộ quốc tế nói chung. Dưới cái nắng nóng hầm hập của ngày cuối mùa khô Myanmar, tất cả như được tiếp thêm động lực.
“Hết 10 phút, các bạn bên đoàn Thổ Nhĩ Kỳ - khi ấy là điều phối viên thông báo cho chúng tôi tạm nghỉ để lực lượng khác vào thay thế. Chúng tôi đánh giá, việc phối hợp như trên vô cùng quan trọng, bởi không gian để làm nhiệm vụ rất hạn chế, trong khi kết cấu công trình đang ở độ nghiêng 5 độ - mức độ vô cùng nguy hiểm”.
Các chiến sĩ công binh cùng lực lượng cứu hộ quốc tế đưa nạn nhân thành công ra khỏi đống đổ nát sau 124 giờ mắc kẹt.
Nói thêm về điều kiện sinh tồn của nạn nhân, Thượng úy Long giải thích: Sở dĩ, bếp trưởng người Myanmar có thể sống sót kỳ diệu do khi động đất xảy ra, nam thanh niên này ở tầng 2. Dư chấn khiến sàn nhà anh đứng sập xuống khu vực phòng tắm phía dưới. Lúc này, rất may có một thanh dầm bắt ngang phía trên nạn nhân nên đã tạo ra được khoảng hở, giúp không khí lưu thông.
Sau khi cắt bỏ các kết cấu bị sập đổ, lực lượng cứu hộ Việt Nam và các cộng sự quốc tế đã đưa được nạn nhân ra ngoài an toàn.
Niềm vui của người nhà các nạn nhân sau khi cuộc giải cứu thành công.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông U Myint Lin, bố của nạn nhân cho biết: Ngày xảy ra động đất, gia đình ông đang ở nhà, còn con trai thì đi làm tại khách sạn.
“Gần 1 tuần qua, gia đình tôi không nhận được tin tức gì về con trai, chỉ đến sáng nay mới được thông báo con vẫn còn sống nên rất mừng”, ông U Myint Lin xúc động.
Sau khi được giải cứu, anh Thep Maung Maung đã được đưa lên xe cứu thương để chuyển tới bệnh viện trong tiếng hò reo của gia đình, lực lượng cứu hộ và những người có mặt.
Niềm vui của các lực lượng tham gia cuộc giải cứu thần kỳ.
THÀNH ĐẠT - SƠN BÁCH