Công bố kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hương

Công bố kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hương
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 12/2, thông tin từ UBND thành phố Huế cho biết, kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hương vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Sông Hương đoạn chảy qua trung tâm thành phố Huế.
Kịch bản nguồn nước sông Hương được công bố nhằm phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Đồng thời, là căn cứ để các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông Hương chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp theo quy định pháp luật.
1,08 tỷ m3 nước cho nhu cầu sản xuất thủy điện
Trong kịch bản, cơ quan chức năng nêu rõ hiện trạng nguồn nước trên lưu vực sông Hương. Theo kết quả phân tích, quan trắc, tổng lượng mưa từ tháng 9 - 12/2024 trên lưu vực sông Hương phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm. Dòng chảy lưu vực sông Hương vào những tháng mùa mưa năm 2024 cao hơn so với trung bình thời kỳ (từ năm 2015-2024) nhiều năm về trước.
Lần đầu tiên công bố kịch bản nguồn nước sông Hương được công bố.
Cụ thể, dòng chảy trên các sông chính là Tả Trạch (đến hồ Tả Trạch) cao hơn khoảng 13%, sông Hữu Trạch (đến hồ Bình Điền) cao hơn khoảng 16%, sông Bồ (đến hồ Hương Điền) cao hơn khoảng 16%, sông A Sáp (đến hồ A Lưới) thấp hơn khoảng 3%.
Theo hiện trạng nguồn nước dưới đất, trữ lượng nước có thể khai thác trên lưu vực sông Hương khoảng 531 triệu m3/năm, trong đó hiện đang khai thác khoảng 0,51 triệu m3/năm (chiếm 0,1%), tập trung chủ yếu trong tầng chứa nước lỗ hổng và tầng chứa nước karst.
Theo số liệu quan trắc từ tháng 11/2017 - 12/2024 cho thấy, chiều sâu mực nước trong các tầng chứa nước lỗ hổng ở sông Hương có xu hướng ổn định, dâng nhẹ trong những năm gần đây.
Còn theo hiện trạng tích nước của các hồ chứa lớn, quan trọng, trên lưu vực sông Hương hiện có 12 hồ chứa thủy điện và 106 hồ chứa thủy lợi. Trong đó có 16 hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 1 triệu m3. Tính đến đầu năm 2025, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi này cơ bản đều đạt từ 71% dung tích thiết kế trở lên.
Nguồn nước lưu vực sông Hương sử dụng chủ yếu cho nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và sản xuất thủy điện.
Trong kỳ công bố kịch bản lần này cũng đã làm rõ nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành. Theo đó, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Hương trong 8 tháng đầu năm 2025 khoảng 619,8 triệu m3, phần lớn là khai thác, sử dụng nguồn nước mặt (chiếm tỷ lệ khoảng 99,8%), trong đó tiểu vùng khai thác lớn nhất là đồng bằng nam sông Hương và phụ cận chiếm khoảng 37%.
Nguồn nước lưu vực sông Hương sử dụng chủ yếu cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt, công nghiệp; nhu cầu nước cho nông nghiệp và nhu cầu nước cho sản xuất thủy điện. Trong đó, nhu cầu nước sản xuất thủy điện từ tháng 11 - 8/2025 của 3 nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch khoảng 1,08 tỷ m3. Trong khi, nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp khoảng 52 triệu m3; nhu cầu nước cho nông nghiệp khoảng 497,5 triệu m3.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước
Trên cơ sở thông tin, số liệu hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của 3 hồ chứa lớn, quan trọng (Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền); 15 hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên; nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong các tầng chứa nước dưới đất; dự báo khí tượng, thủy văn trên các lưu vực sông…, cơ quan chức năng nhận định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Hương trong mùa cạn năm 2025 ở trạng thái bình thường.
Nguồn nước trên lưu vực sông Hương trong mùa cạn năm 2025 được nhận định ở trạng thái bình thường.
Với hiện trạng tích nước đầu mùa cạn và diễn biến nguồn nước của 3 hồ chứa lớn, kết hợp với chế độ vận hành 8 của đập Thảo Long, về cơ bản, nguồn nước bảo đảm yêu cầu mực nước tại đập Thảo Long (duy trì trên 85% thời gian yêu cầu) và đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng, nếu vận hành các hồ chứa, nhất là đập Thảo Long (hạ nguồn sông Hương) không hợp lý, nguồn nước của các hồ chứa lớn trên sông Hương vẫn có khả năng không cung cấp đủ nước cho hạ du trong các tháng mùa cạn năm 2025.
Đối với các tiểu vùng hạ lưu sông Hương, nguồn nước cơ bản ở trạng thái bình thường, khả năng không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước diện rộng.
Tuy nhiên, một số tiểu vùng vẫn còn có nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước vào mùa khô mang tính cục bộ. Bên cạnh nguyên nhân thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy thì nguyên nhân chính là do năng lực lấy nước và số lượng các công trình khai thác, công trình tích trữ nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc thiếu nước các khu vực này ảnh hưởng chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.
Việc vận hành đập Thảo Long (hạ nguồn sông Hương) được yêu cầu đảm bảo hợp lý, nhằm đảm bảo nguồn nước cho hạ du vào mùa cạn.
Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, UBND thành phố Huế được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc vận hành đập Thảo Long, đảm bảo ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt. Phối hợp với các hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước, giao thông thủy ở hạ du và cải thiện cảnh quan, du lịch thành phố Huế và đảm bảo không gây ngập úng các vùng trũng sông Hương, sông Bồ phía thượng lưu.
Bên cạnh đó, các Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Huế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, trên nguyên tắc tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí nước, dự phòng nguy cơ xảy ra thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
Ngọc Văn
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/cong-bo-kich-ban-nguon-nuoc-luu-vuc-song-huong-post1716457.tpo