Công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
một ngày trướcBài gốc
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua ngày 13/3/2025.
Thiếu tướng Phạm Hải Trung giới thiệu về Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Thắng.
Giới thiệu về Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, tại thông báo số 14-TB/TW ngày 4/12/1969, Bộ Chính trị đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”.
Trong suốt 55 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phần lớn các quy định pháp luật hiện hành chỉ mới tập trung vào việc quản lý, bảo vệ công trình trong Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được quy định.
Trong thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Đây là nhiệm vụ có tính chất đặc thù, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ công trình Lăng, vừa thực hiện đón tiếp Nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật đặc thù, có nhiều thiết bị đơn chiếc, sản xuất theo đặt hàng từ nước ngoài. Trong trường hợp tình hình thế giới có biến động, việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị, đào tạo nhân lực ở nước ngoài gặp không ít khó khăn.
"Vì vậy việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Pháp lệnh được ban hành là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất tính đến thời điểm hiện nay để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Trung nói và cho hay Pháp lệnh, Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 6 Chương, 32 Điều.
Về một số nội dung trọng tâm của Pháp lệnh, ông Trung thông tin, về phạm vi Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là các công trình, khu vực có giá trị chính trị, lịch sử - văn hóa, quốc phòng, an ninh đặc biệt của quốc gia, bao gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; Khu di tích K9); Công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm hoạt động y tế - kỹ thuật giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoạt động khoa học và công nghệ trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; riêng nội dung bảo đảm an ninh, an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết.
Trả lời thêm về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, ông Trung cho biết: “Công tác đảm bảo an ninh, an toàn được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ Công an chỉ đạo hết sức chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định. Trong 55 năm qua, chúng tôi đã tổng kết thấy không để xảy ra tình huống mất an toàn, an ninh, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Nội dung kiểm tra diễn ra từ 4h sáng để đồng bào vào dự lễ thượng cờ vào mùa nóng bắt đầu thực hiện từ 6h. Cho nên công tác bảo vệ, vệ sinh được bắt đầu từ 4h30, và công tác kiểm tra bắt đầu từ 5h30”.
Liên quan đến việc bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trung cho hay, trước đây Liên Xô cũng đã giúp đỡ Việt Nam bảo vệ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đào tạo các cán bộ y tế chuẩn bị cho công tác giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1969 các chuyên gia Liên Xô đã sang trực tiếp giúp đỡ Nhà nước Việt Nam. Năm 1992 khi Liên Xô không còn nữa thì chúng ta đã hợp tác trực tiếp với các chuyên gia Liên bang Nga, trong đó có việc đào tạo về y tế. Đến năm 2022 lực lượng y tế của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm nhận các nhiệm vụ y tế trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thể hiện rõ nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19, khi các chuyên gia không sang được thì toàn bộ việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện bởi các cán bộ y tế của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việt Thắng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/cong-bo-phap-lenh-quan-ly-bao-ve-khu-di-tich-lang-chu-tich-ho-chi-minh-10302890.html