Công bố Quyết định chuyển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân

Công bố Quyết định chuyển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân
6 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định chuyển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân.
Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, các tổ chức doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước của nhà trường…
Khẳng định vị thế đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản trị kinh doanh
Ngày 15/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc chuyển Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ từ một trường ĐH thành một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.
Ngày 13/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có Quyết định chuyển và công nhận Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhiệm kỳ 2021-2026 thành Hội đồng ĐH Kinh tế Quốc dân nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 25 thành viên. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã có các quyết định công nhận PGS.TS Bùi Đức Thọ giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế Quốc dân; GS.TS Phạm Hồng Chương giữ vị trí Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng ĐH Kinh tế Quốc dân đã hoàn thành việc chuyển đổi từ trường Đại học sang mô hình Đại học; chúc mừng các thầy cô trong Ban lãnh đạo đảm nhiệm cương vị và định danh lãnh đạo mới. Theo Bộ trưởng, ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử phát triển của nhà trường như một dấu mốc đậm nét trong lịch trình phát triển, lịch trình đổi mới và thể hiện vai trò của nhà trường trong nền giáo dục và với toàn thể xã hội, với người dân, người học, đất nước.
“Từ nay, cái tên ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thay thế cho Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ “Đại” lên đầu và giúp trường hướng tới cái “Đại” trên mọi phương diện”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.
Bộ trưởng nhận định: ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu của Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh. Với tư cách là đơn vị trọng điểm quốc gia, ĐH Kinh tế Quốc dân được Chính phủ và ngành Giáo dục ưu tiên đầu tư để phát triển thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục ĐH.
ĐH Kinh tế Quốc dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với quy mô và chất lượng đào tạo hàng đầu trong khối ngành kinh tế tại Việt Nam. Với 88 ngành ở trình độ ĐH, 70 ngành trình độ sau ĐH, hàng năm, trường đào tạo hơn 40.000 sinh viên và học viên; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước với nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. Hàng năm, trường tổ chức nhiều hội thảo khoa học uy tín, trong đó có nhiều hội thảo quốc tế có chất lượng được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, ĐH Kinh tế Quốc dân còn là một trung tâm nghiên cứu lớn, góp phần xây dựng các chính sách kinh tế, cải thiện mô hình quản lý và thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật chất lượng cao cho đất nước.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân giới thiệu về lịch sử phát triển của ĐH Kinh tế Quốc dân và những kết quả, đóng góp của nhà trường trong suốt chiều dài xây dựng, phát triển.
Với uy tín và vị thế của mình, ĐH Kinh tế Quốc dân đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Trường cũng đóng vai trò tiên phong thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu.
“Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình như một trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh tại Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi trân trọng ghi nhận, đánh giá cao kết quả nhà trường đã đạt được và một lần nữa chúc mừng ĐH Kinh tế Quốc dân, cũng là chúc mừng Ban lãnh đạo, toàn thể các cán bộ, người lao động, giảng viên, học viên, sinh viên của nhà trường”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định về việc chuyển và công nhận Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành Hội đồng ĐH Kinh tế Quốc dân.
Đại học đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao
ĐH và trường ĐH khác nhau ở những điểm nào?” - Trả lời câu hỏi này, theo Bộ trưởng, vấn đề then chốt không phải ở chỗ to hay nhỏ. Trường ĐH cũng có thể phát triển quy mô rất lớn và cũng có thể có kết quả nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
ĐH quan trọng ở chỗ nó là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị ĐH cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng phát triển và lớn mạnh.
ĐH cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị. Mô hình tổ chức và quản trị nội bộ mới mà nhà trường lựa chọn tạo khả năng lớn hơn, cho phép giải phóng từ bên trong, khai phóng ở chiều sâu, đưa tự chủ ĐH đi tới hiệu quả cao hơn.
Mô hình ĐH là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên trong định hướng phát triển thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu ĐH Kinh tế Quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, sở trường và sức mạnh truyền thống.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định cho Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế Quốc dân Bùi Đức Thọ.
Cần đứng vững trên thế mạnh truyền thống, sở trường và đặc sắc, mở rộng theo hướng các ngành có liên quan và hỗ trợ nhau thành hệ thống, đa ngành một cách hợp lý nhất, trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc và uy tín.
Đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của nhà trường cần nối tiếp, phát huy trong mô hình tổ chức mới.
Để có niềm tin và đoán định được triển vọng, tương lai phát triển của một cơ sở giáo dục, ta có thể nhìn vào quá khứ, bề dày thành tựu, quy mô, chất lượng, uy tín của hiện tại. Nhưng quan trọng nhất, quyết định cả tốc độ phát triển và chất lượng phát triển trong tương lai lại phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn phát triển, khát vọng phát triển của người đương thời.
ĐH Kinh tế Quốc dân mong muốn, lựa chọn và chuyển đổi sang mô hình phát triển mới - mô hình ĐH - để thực hiện một cuộc lột xác, thay đổi về chất bên trong và hình vóc bên ngoài, quyết tâm đổi mới và phát triển, đó chính là khát vọng mới, tầm nhìn mới. Điều này khiến chúng ta tin tưởng, lạc quan với chặng đường phát triển tương lai của ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là điểm lớn quan trọng và rất có ý nghĩa. Tôi trân trọng chúc mừng nhà trường với sự hướng đến cái lớn trong tương lai này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định cho Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân Phạm Hồng Chương.
Gánh vác và góp phần giải quyết thách thức mới của nền kinh tế
Đất nước đang rất khẩn trương, tích cực, quyết tâm phát triển các ngành công nghệ và kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ mới, mong sao theo kịp các nước tiên tiến. Nhưng công nghệ phát triển, sản xuất phát triển mà các lĩnh vực về quản trị, về kinh doanh, về các chính sách điều hành kinh tế từ vĩ mô tới vi mô - không tiên tiến, không theo kịp thế giới thì hiệu lực, hiệu quả của những nỗ lực trong công nghệ và kỹ thuật cũng sẽ không đem lại hiệu quả phát triển cho đất nước, thậm chí các rủi ro về kinh tế còn gia tăng. Cũng giống như người vụng mà giao cho họ công cụ sắc bén.
Nói điều này, Bộ trưởng cho rằng, sứ mệnh của chúng ta trong thời đại mới, trong kỷ nguyên mới chắc chắn khác với những gì đã từng làm trong truyền thống.
Với các trường ĐH khác, sản phẩm khoa học là các phát minh sáng chế, là sản phẩm khoa học và công nghệ chuyển giao, là các công bố khoa học uy tín và ảnh hưởng tầm nhân loại.
Với ĐH Kinh tế Quốc dân, sản phẩm rất quan trọng của chúng ta chính là tư vấn chính sách, là giải pháp về chính sách, là mô hình, là phương pháp quản lý tầm quốc gia với các thành tố của nền kinh tế, từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp. ĐH ta có lợi thế về việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia hàng đầu quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, quản trị, tài chính, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp,… Chưa nói gì tới các phát minh mới, việc học tập các nước tới nơi, tới chốn và vận dụng sáng tạo cho sự phát triển của Việt Nam đã là mảnh đất cho chúng ta thể hiện, khẳng định, phát triển.
“Học tập thế giới, nhưng áp dụng vào thực tế Việt Nam, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam với nhiều nét riêng là một điều cần lưu tâm. Tâm lý, văn hóa, truyền thống, phong tục,… của người Việt tác động thế nào tới quản trị và phát triển kinh tế là những vấn đề cần quan tâm. Cần phát huy hết lợi thế đặc điểm văn hóa của người Việt thành lợi thế cạnh tranh trong thời đại mới”, Bộ trưởng lưu ý.
Lấy ví dụ từ quốc tế, Bộ trưởng dẫn câu chuyện Nhật Bản sau Minh Trị duy tân đã phát triển kinh tế, thương mại mạnh mẽ. Sau thời gian phát triển kinh tế và kinh doanh, tầng lớp thương nhân phát triển rất mạnh. Các nhà tư tưởng Nhật Bản đã nghĩ tới việc cần xây dựng, kiến tạo tinh thần luân lý, đạo đức, văn hóa cho doanh nhân, thương nhân Nhật Bản.
Họ đã đem truyền thống võ sĩ đạo, tinh thần Nho gia và Thiền học kiến tạo nên loại luân lý thương nhân mới với sự đề cao tu dưỡng đạo đức cá nhân, chữ tín, tinh thần kỷ luật, trách nhiệm xã hội, và coi đây là các giá trị cốt lõi. Từ đó, Nhật Bản đã xây dựng được thương hiệu quốc gia và đặc trưng phẩm chất thương nhân Nhật Bản cho cả thời cận đại và hiện đại.
Trung Quốc phát triển kinh tế thị trường theo mô hình Trung Quốc và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường mấy chục năm qua cũng đặt các nhà tư tưởng và các nhà khoa học nước này trước việc giải quyết đầu bài lớn về việc kiến tạo văn hóa đạo đức doanh nhân mới trên cơ sở văn hóa truyền thống được đặc biệt lưu ý phát huy.
Nghi thức chuyển giao Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân.
Với Việt Nam, theo Bộ trưởng, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời gian vừa qua đã tạo được những bước phát triển lớn về kinh tế, xã hội. Trong thực tế, đã dần hình thành ngày càng đông đảo lực lượng doanh nhân. Kinh tế càng phát triển, đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển theo.
Trước đây, nước ta vốn là nước nông nghiệp với truyền thống trọng nông ức thương. Ở đó, tầng lớp thương nhân vốn rất nhỏ bé và không có mấy vị thế. Nhưng hiện nay trong bối cảnh mới và tầng lớp thương nhân ngày càng phát triển, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm của xã hội với tầng lớp doanh nhân, thương nhân.
Để gánh vác và góp phần giải quyết các thách thức của các ĐH có tham gia đào tạo kinh tế góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân, ĐH Kinh tế quốc dân cần đặt những vấn đề lớn không chỉ là câu chuyện kinh doanh mà cần chú ý đến tầng lớp doanh nhân.
Chúng ta phát triển nền văn hóa và con người XHCN, nhưng phẩm chất của con người mới XHCN áp dụng cho doanh nhân là việc khó. Cần phát huy truyền thống văn hóa, đề xuất tinh thần và các giá trị văn hóa doanh nhân mới của người Việt.
Làm thế nào để vẫn có lợi ích, lợi nhuận, nhưng vẫn yêu nước, trách nhiệm dân tộc, trách nhiệm xã hội; kinh doanh giữ tín, không lợi mình hại người; có quan điểm giá trị lành mạnh bền vững, có khát vọng lớn vươn ra thế giới; biết đem tinh thần “kiến lợi tư nghĩa”, thấy lợi không đạt tới bằng mọi cách, nghĩ tới người khác, tới môi trường, tới sự bền vững, không chộp giật, không nhìn ngắn, không dễ thỏa mãn, không manh mún;… Đó là những điều cần đào tạo cho đội ngũ doanh nhân mới ngay từ khi còn ở trong môi trường đại học.
“Điều đó không phải ở nơi này thì nơi đâu? không phải các thầy đang ngồi đây thì sẽ là ai? Các Giáo sư kinh tế học cần gánh vác điều này. Làm được điều đó là thêm tầm tư tưởng cho sự phát triển nhân lực chất lượng cao thực sự cho tương lai trong lĩnh vực kinh tế. Đó cũng là phát triển ĐH Kinh tế cho đúng tầm quốc dân, mà quốc dân cũng là quốc gia trong chiều nội hàm” - Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng nêu yêu cầu, một trong những việc cần làm ngay của nhà trường là rà soát và hoàn thiện Chiến lược phát triển dựa trên cơ sở các chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục; phát huy hết lợi thế để trưởng thành nhanh chóng trong một mô hình quản trị mới.
Về công tác tổ chức, ĐH Kinh tế Quốc dân cần xác lập cơ chế phân cấp theo hướng phát huy quyền tự chủ nhiều hơn, thực chất hơn cho các đơn vị bên dưới, làm thế nào để tinh thần tự chủ được phát huy đến từng cán bộ, từng cấp thấp nhất.
Đối với các thầy cô trong Ban lãnh đạo, sự thay đổi tên gọi từ Hiệu trưởng sang Giám đốc cũng không nên chỉ là thay đổi trên danh nghĩa mà cần thiết thay đổi cả tầm nhìn, năng lực, trình độ quản trị để thích nghi với mô hình quản trị mới, đáp ứng được kỳ vọng, mong đợi của toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên trong việc chuyển đổi mô hình. Và làm được như vậy thì sự chuyển đổi mô hình mới đem lại những giá trị gia tăng.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng khẳng định sẽ có cơ chế hỗ trợ và giám sát phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho ĐH Kinh tế Quốc dân phát triển.
Trước một giai đoạn mới, Bộ trưởng gửi lời chúc ĐH Kinh tế Quốc dân ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn nữa, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển giáo dục ĐH của cả nước và đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, hội nhập, ổn định và phát triển bền vững.
Hiếu Nguyễn. Ảnh: Trần Hiệp
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/cong-bo-quyet-dinh-chuyen-truong-dh-kinh-te-quoc-dan-thanh-dh-kinh-te-quoc-dan-post715675.html