Công bố quyết định về tổ chức và nhân sự Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13

Công bố quyết định về tổ chức và nhân sự Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13
4 giờ trướcBài gốc
Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chúc mừng Ban Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức và đưa bộ máy mới đi vào hoạt động kể từ ngày 1/3 thông suốt, không gián đoạn. Tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước ở Trung ương sau sắp xếp đã giảm từ 25 đầu mối xuống còn 20 đầu mối; đã tiến hành sắp xếp 63 Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 Ngân hàng Nhà nước Khu vực.
Tiếp theo đó, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành phố thành 34 tỉnh, thành phố và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp, theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rà soát, sắp xếp lại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực để đồng bộ với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và đã hoàn thành việc sắp xếp lại theo chỉ đạo của Trung ương.
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 được thành lập từ ngày 1/3 trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Trà Vinh. Do tỉnh Tây Ninh (cũ) và tỉnh Long An (cũ) hợp nhất thành tỉnh Tây Ninh (mới), tỉnh Tiền Giang (cũ) và tỉnh Đồng Tháp (cũ) hợp nhất thành tỉnh Đồng Tháp (mới) nên trong đợt sắp xếp lại Ngân hàng Nhà nước khu vực lần này, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 được phân công quản lý địa bàn 2 tỉnh (mới) là Đồng Tháp và Tây Ninh.
Như vậy, sau khi sắp xếp lại, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 quản lý thêm địa bàn 2 tỉnh (cũ) là Đồng Tháp (trước đây thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15) và Tây Ninh (trước đây thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 12); đồng thời, địa bàn 2 tỉnh cũ là Bến Tre và Trà Vinh chuyển về thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14.
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 quản lý địa bàn có quy mô hoạt động bao gồm: 125 Chi nhánh ngân hàng thương mại, 70 Quỹ tín dụng nhân dân. Quy mô huy động 391 nghìn tỷ đồng; dư nợ 493 nghìn tỷ đồng.
Về sắp xếp nhân sự, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã điều động, bổ nhiệm ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 12 và ông Vương Trí Phong, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 giữ chức vụ Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 13.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Khu vực và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Ngành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai với quyết tâm cao nhất trong mọi mặt hoạt động, mà trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Qua đó nhằm triển khai thực hiện thành công chương trình, kế hoạch nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2025, phấn đấu đạt mức cao nhất của kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhất là nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ mục tiêu tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ nhằm đạt tăng trưởng cả năm ít nhất 8% và tạo đà, tạo lực, tạo nền tảng cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 theo mục tiêu chung của Chính phủ.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13, Phó Thống đốc yêu cầu khẩn trương kiện toàn tổ chức Đảng theo mô hình tổ chức mới, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong đảng viên, công chức và người lao động trong việc triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Ngân hàng Nhà nước khu vực 13 đi vào hoạt động bảo đảm liên tục, thông suốt, an toàn, hiệu lực, hiệu quả; không bỏ sót lĩnh vực, địa bàn quản lý, không gián đoạn công việc trong tất các các mặt nghiệp vụ. Tăng cường theo dõi, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn…
Đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Chỉ thị 01 và các chỉ đạo mới. Trong đó chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, ngoại hối. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức chương trình "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát". Theo đó, từ đầu năm 2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã phát động phong trào cán bộ, đoàn viên, người lao động trong toàn hệ thống ngân hàng ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương để cùng ngành Ngân hàng “Chung tay xóa 1.000 căn nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn cả nước. Kết thúc Chương trình, tổng số tiền đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng ủng hộ Chương trình là 82 tỷ đồng, tương ứng kinh phí xây mới 1.366 căn nhà (mức hỗ trợ xây mới nhà ở là 60 triệu đồng/căn), vượt 36,6% so với mục tiêu đề ra ban đầu. Bên cạnh đó, từ tháng 4/2024 đến nay, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ 1.365 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Qua tìm hiểu, nhu cầu hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát của các địa phương còn thiếu. Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hỗ trợ Chương trình “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam 15 tỷ đồng và hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương là 67 tỷ đồng.
HỒNG ANH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/cong-bo-quyet-dinh-ve-to-chuc-va-nhan-su-ngan-hang-nha-nuoc-khu-vuc-13-post895655.html