Công bố sản phẩm hợp quy: Không thể bỏ, nhưng sẽ co hẹp để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Công bố sản phẩm hợp quy: Không thể bỏ, nhưng sẽ co hẹp để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
7 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp chịu gánh nặng lớn về thời gian, chi phí, thủ tục khi thực hiện công bố hợp quy
Hôm nay (10/5), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trong đó nội dung về công bố hợp quy (Điều 48) được nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng, nên bỏ quy định này vì sẽ làm tăng gánh nặng chi phí, thời gian và thủ tục cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.
“Trên thực tế, không có quốc gia nào quy định người sản xuất, kinh doanh công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trước khi kinh doanh, sản xuất, đưa hàng hóa ra thị trường như Việt Nam. Quy định công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong dự thảo luật không có nhiều ý nghĩa quản lý và gây khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước”, đại biểu nhận xét.
Cũng theo đại biểu, nếu áp dụng quy định này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy và các yêu cầu, điều kiện tiền kiểm trước khi đưa sản phẩm, hàng hóa vào sản xuất, mà lơ là các biện pháp hậu kiểm, còn người tiêu dùng lại bị đánh lừa bởi các chiêu bài quảng cáo là chất lượng và an toàn sản phẩm đã được công nhận bởi bộ nọ, ngành kia. Bài học của vụ sữa giả kém chất lượng vừa qua là điển hình của việc lơ là trong hậu kiểm.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh).
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) thông tin thêm, hiện nay, có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên và VCCI đã tổ chức nhiều hội thảo đánh giá tác động của quy định này và đều có chung đề nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy trong dự thảo luật.
Theo đại biểu, để hoàn tất một thủ tục công bố hợp quy cho một sản phẩm, doanh nghiệp phải chi trả trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới 15 đến 30 triệu đồng, thủ tục này phải tái thực hiện 3 năm một lần, tạo ra một chu kỳ lãng phí liên tục. Nếu một nhà máy có 300 - 500 sản phẩm thì chi phí có thể đội lên 1,5-2 tỷ đồng. Quá trình đánh giá mỗi sản phẩm mất 15-30 ngày.
Ngoài ra, mỗi sản phẩm lại chỉ được công bố hợp quy cho duy nhất một nhà máy, đồng nghĩa với việc một doanh nghiệp có nhiều cơ sở sản xuất thì phải lặp đi lặp lại thủ tục vô lý này và gây ra lãng phí một cách có hệ thống, gây tốn kém thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ ra thêm rủi ro trong quản lý nếu áp dụng: doanh nghiệp có thể đối phó bằng lấy mẫu tốt đi kiểm nghiệm, sau đó sản xuất đại trà với nguyên liệu kém hơn.
Còn theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), dù mục đích của nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn nhưng vô hình trung lại đang tạo ra những rào cản kỹ thuật không đáng có, gây áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, việc duy trì một hệ thống tiền kiểm rộng khắp với vô số các thủ tục hành chính cho cả những sản phẩm có rủi ro thấp đang làm phân tán và lãng phí nguồn lực của các cơ quan quản lý.
Do đó, đại biểu kiến nghị thu hẹp phạm vi áp dụng bắt buộc của các quy chuẩn Việt Nam trên cơ sở rà soát tổng thể, xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa nào thật sự có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn quốc gia và môi trường để áp dụng quy chuẩn Việt Nam bắt buộc, những sản phẩm có rủi ro thấp hoặc trung bình nên được chuyển sang các hình thức quản lý khác linh hoạt hơn.
Không thể bỏ tiêu chuẩn, quy chuẩn song sẽ rà soát để đảm bảo vừa quản lý, vừa kiến tạo phát triển
Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công bố hợp quy là công cụ để quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường. Không có tiêu chuẩn để quản lý, giám sát - kể cả tiền kiểm - thì sẽ ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, của cộng đồng, môi trường. Vấn đề quan trọng nhất là phải quản lý những hàng hóa loại nào, quản lý đến đâu để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, vừa giảm bớt chi phí, thời gian tuân thủ và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng.
Lấy ví dụ từ sữa giả, kẹo bánh giả, thực phẩm chức năng giả gần đây, Phó thủ tướng nêu vấn đề nan giải về thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng và cho rằng, nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì rất khó quản lý. Dù vậy, Phó thủ tướng tán thành ý kiến của đại biểu là cần phân loại để áp dụng. Theo đó, sản phẩm hàng hóa có rủi ro cao thì bắt buộc tiền kiểm, loại rủi ro thấp hơn thì hậu kiểm.
“Như một số đại biểu đã nói, nếu bãi bỏ hoàn toàn quy chuẩn, tiêu chuẩn thì rất khó cho công tác quản lý nhà nước. Nhưng nếu áp dụng mà tạo rào cản, tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp thì cũng không được. Chúng tôi sẽ rà soát lại theo tinh thần đó, tức là vừa quản lý được nhưng phải vừa kiến tạo cho phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo mới đây nhất của Bộ Chính trị và Ban Bí thư”, Phó thủ tướng khẳng định.
Theo Phó thủ tướng, quan điểm của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra là sẽ rà soát, loại bỏ tình trạng một đối tượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chịu sự điều chỉnh của nhiều các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau do nhiều bộ ban hành cùng một lúc. Đồng thời, loại bỏ các quy định kỹ thuật, biện pháp quản lý chặt chẽ và quá mức cần thiết, tạo thuận lợi hoạt động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các hoạt động công bố hợp quy phải được thực hiện trên môi trường điện tử, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Thùy Liên
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/cong-bo-san-pham-hop-quy-khong-the-bo-nhung-se-co-hep-de-giam-ganh-nang-cho-doanh-nghiep-d281509.html