Công bố Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024

Công bố Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024
3 giờ trướcBài gốc
Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024
Theo đó, danh sách bao gồm Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty cổ phần Việt-Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Sunjin Vina, Công ty TNHH Dinh dưỡng Á Châu (VN), Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà và Công ty TNHH Thức ăn Gia súc Lái Thiêu
Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan căn cứ trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và kết quả khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2024.
Đánh giá về thực trạng ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam trong xu hướng giảm sản lượng, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á.
Vận chuyển sản phẩm tại nhà máy thức ăn chăn nuôi Gold Coin Feedmill Long An. Ảnh: TTXVN phát
Theo Báo cáo Triển vọng Thực phẩm Nông nghiệp năm 2024 của Alltech hiện Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi. Thành tích này phản ánh sự mở rộng quy mô và cải tiến công nghệ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ ngành nông nghiệp toàn cầu.
Trong giai đoạn 2019-2021, ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam đã có sự phát triển ổn định về sản lượng và đạt đỉnh vào năm 2021 với 21,9 triệu tấn. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, xu hướng giảm sản lượng đã bắt đầu xuất hiện, và năm 2023 sản lượng chỉ đạt 20,5 triệu tấn. Sự suy giảm này có thể được lý giải bởi những tiến bộ trong công nghệ chăn nuôi.
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, số lượng nhà máy thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn 2019-2023 tương đối ổn định, dao động quanh mức 260-270 nhà máy. Các khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ tiếp tục là những nơi tập trung chính của các nhà máy lớn, nhờ vào hệ thống giao thông thuận lợi và nhu cầu chăn nuôi cao.
Sản lượng theo nhóm sản phẩm trong 5 năm qua đã có những biến động đáng chú ý. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, sản lượng thức ăn chăn nuôi cho lợn đã tăng trưởng mạnh mẽ từ 8,9 triệu tấn năm 2019 lên mức cao nhất 12,2 triệu tấn vào năm 2021, nhờ vào sự phục hồi của ngành chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, khi quá trình tái đàn dần hoàn tất và nhu cầu ổn định, sản lượng thức ăn đã có xu hướng chững lại, đạt 11,4 triệu tấn vào năm 2022 và 11,5 triệu tấn vào năm 2023. Trong khi sản lượng thức ăn cho lợn có xu hướng ổn định, sản lượng thức ăn cho gia cầm lại giảm mạnh từ 10,7 triệu tấn năm 2020 xuống còn 8,3 triệu tấn năm 2023. Đặc biệt, nhóm thức ăn cho vật nuôi khác duy trì mức sản lượng thấp và trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn từ 2019-2023, giảm tới 67%, từ 0,6 triệu tấn xuống còn 0,2 triệu tấn.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 10/2024 đạt hơn 97 triệu USD, tăng 22,6% so với tháng trước. Tính chung trong 10 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 850 triệu USD, giảm 16,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc với 336,2 triệu USD giảm 32,3%, Hoa Kỳ với 111,4 triệu USD tăng 55,8%, Campuchia với 107,3 triệu USD giảm 25,0% so với năm trước.
Ở chiều ngược lại, thống kê sơ bộ giá trị nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 10/2024 đạt hơn 403,7 triệu USD tăng 39,0% so với tháng trước, tính chung 10 tháng năm 2024, nhập khẩu hơn 4,02 tỷ USD giảm 5,8% so với cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu bao gồm Argentina 1.325 triệu USD tăng 10,0%, Hoa Kỳ 803,0 triệu USD tăng 33,1%, Brasil 526,7 triệu USD giảm 35,4% so với năm trước.
Như vậy, cả xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi như lúa mỳ, ngô, đậu tương đã giảm từ 8-14%, khiến giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh giảm tới 4 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm giá các mặt hàng nông sản trong năm nay là nhờ vụ mùa bội thu và điều kiện phát triển thuận lợi ở các quốc gia nhập khẩu.
Theo khảo sát của Vietnam Report, 70,1% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được hỏi cho biết tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tình hình sản xuất trong năm vừa qua.
Gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán và nắng nóng kéo dài đã làm thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất nguyên liệu. Bão Yagi vừa qua là một ví dụ điển hình. Cơn bão đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp, với gần 350 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng, trong đó có 75 nghìn ha lúa mùa bị mất trắng.
Hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm đã chết do đuối nước hoặc thiếu thức ăn. Ngoài ra, 36 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị tàn phá, cùng với đó là khoảng 190 nghìn ha rừng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sau bão lũ đã tạo thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, gây thêm áp lực lên ngành chăn nuôi.
Chia sẻ thêm về triển vọng năm 2025 của ngành này, ông Vinh dự báo sẽ khả quan hơn. Trong báo cáo “Gia súc và gia cầm” năm 2025 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 3%, đạt 3,8 triệu tấn vào năm 2025. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi khả năng kiểm soát hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô đàn lợn.
Đồng thời, triển vọng tích cực này cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu về thức ăn chăn nuôi , mở ra cơ hội phát triển cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn. Bên cạnh đó, theo đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng và đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030, đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh trong nước.
Trước những diễn biến trên 57,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát bày tỏ niềm tin rằng triển vọng tăng trưởng trong năm 2025 sẽ có xu hướng khả quan hơn so với năm trước, 28,6% doanh nghiệp dự báo ngành sẽ không thay đổi, duy trì kết quả như hiện tại và 14,3% các doanh nghiệp lo ngại rằng ngành sẽ khó khăn hơn trong năm 2025.
Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/cong-bo-top-10-cong-ty-thuc-an-chan-nuoi-uy-tin-nam-2024/356588.html