Trao Cup và hoa chúc mừng các đơn vị có sản phẩm đạt đặc sản 5 năm liên tục (2020 – 2025).
Cuộc thi được phát động từ tháng 10/2024, nhận được 149 mẫu cà phê đăng ký dự thi của 70 đơn vị (tổ chức, cá nhân) thuộc 9 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Trị, Sơn La, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tổng sản lượng mẫu dự thi là 245 tấn (gồm 173 tấn cà phê Robusta, 72 tấn cà phê Arabica). Trải qua nhiều vòng đánh giá, cuộc thi đã xác định được 139 mẫu đạt tiêu chuẩn đặc sản (92 mẫu cà phê Robusta và 47 mẫu cà phê Arabica), tương đương tỷ lệ 93,3%, đạt mức cao nhất trong lịch sử các kỳ thi cà phê đặc sản Việt Nam đã được tổ chức.
Ban Tổ chức đã chọn 43/139 mẫu cà phê có số điểm cao nhất (24 mẫu cà phê Robusta và 19 mẫu cà phê Arabica) để tranh Top 10 Robusta và Top 10 Arabica vòng chung kết cuộc thi. Trải qua vòng đánh giá của vòng chung kết, Ban Tổ chức chọn được Top 3 cà phê đặc sản Robusta và Top 4 cà phê Arabia để trao giải. Về cà phê Robusta, giải Nhất thuộc về An Coffee Farm (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) với 86,46 điểm; Tình Farm (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đạt giải Nhì với 86,33 điểm; giải Ba thuộc về Công ty TNHH Sucafina Việt Nam (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) với 85,49 điểm.
Trao giải Top 3 Robusta của cuộc thi.
Đối với cà phê Arabica, có hai đơn vị đồng giải Nhất, cùng đạt số điểm 84,79 điểm là Công ty TNHH Pun Coffee (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với mẫu Natural lên men trong quả và Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ 8Ro (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng); giải Ba thuộc về hai đơn vị là Công ty TNHH Quốc Lộc - Đà Lạt tự nhiên (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và Lê Đức Bình Farm (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), cùng đạt 84,67 điểm. Ngoài ra, Ban Tổ chức cuộc thi còn trao giải thưởng mẫu cà phê Robusta được bình chọn yêu thích nhất cho đơn vị Bui Coffee Supply (tỉnh Lâm Đồng); mẫu cà phê Arabica được bình chọn yêu thích nhất cho đơn vị Cơ sở sản xuất cà phê BANA’A (tỉnh Kon Tum).
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam - VietNam Amazing Cup năm 2025 diễn ra trong bối cảnh đầy thử thách nhưng cũng nhiều kỳ vọng. Bằng quy chế chặt chẽ, quy trình quốc tế hóa và sự giám sát minh bạch, Ban Tổ chức đã tìm ra những hạt cà phê xuất sắc nhất - những đại diện xứng đáng cho tiềm năng và bản lĩnh của cà phê đặc sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Kết quả của cuộc thi không chỉ là thành tựu của các đơn vị dự thi, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của một cộng đồng bền bỉ và khát khao vươn lên, một hành trình của đam mê và sáng tạo. Cuộc thi năm nay có số lượng mẫu dự thi cao nhất từ trước đến nay. Sự thành công của cuộc thi một lần nữa thắp lên ngọn lửa niềm tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục thế giới bằng những hạt cà phê chất lượng và đầy bản sắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh: Qua 7 lần tổ chức, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam - VietNam Amazing Cup đã trở thành tâm điểm của chuỗi hoạt động thúc đẩy ngành cà phê đặc sản Việt Nam, từ nghiên cứu, đào tạo, quảng bá đến xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Kết quả của cuộc thi năm nay một lần nữa khẳng định, Việt Nam là cường quốc cà phê của thế giới không chỉ ở top đầu về sản lượng mà còn có thể chinh phục đỉnh cao chất lượng. Những người nông dân, những nhà sản xuất cà phê đặc sản Việt Nam không chỉ cần cù mà còn rất sáng tạo, nhạy bén, liên tục cập nhật xu hướng và đáp ứng những đòi hỏi khắt khe nhất của thị trường trong và ngoài nước.
Những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê đặc sản ngày càng được hình thành rõ nét, quy mô được mở rộng và từng bước đảm bảo sự ổn định về chất lượng lẫn số lượng. UBND tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tiếp tục tiên phong kết nối cộng đồng, góp phần thực hiện thành công Đề án “Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”.
Tin, ảnh: Hoài Thu (TTXVN)