Ngày 16/6, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 Điều. Đây là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, với ngành Giáo dục, mà còn có ý nghĩa lớn với cả dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Luật Nhà giáo được thông qua là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với ngành Giáo dục nói riêng, với đất nước nói chung.
Theo Bộ trưởng, với chủ trương sớm, việc biên soạn và trình Luật Nhà giáo đã được ghi rõ trong nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 91-KL/TW, tạo căn cứ chính trị vô cùng quan trọng để ngành Giáo dục chuẩn bị và trình Luật này.
Trong các buổi thảo luận ở Tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những ý kiến quan trọng liên quan đến Luật Nhà giáo; trong đó khẳng định, Luật Nhà giáo ban hành phải đem lại niềm vui, sự động viên, hứng khởi đối với đội ngũ nhà giáo. Đây là sự động viên, khích lệ to lớn đối với những người có trách nhiệm xây dựng Luật Nhà giáo.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Phú
Báo cáo tổng kết quá trình xây dựng Luật Nhà giáo và triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, quá trình chuẩn bị để xây dựng dự án Luật Nhà giáo đã được Bộ GDĐT tiến hành từ lâu và đạt được những bước tiến quan trọng.
Trong quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, theo ông Vũ Minh Đức, Bộ GDĐT nhận được sự hỗ trợ, đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng các cách thức khác nhau, với từng giai đoạn cụ thể trong quy trình xây dựng Luật.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ, quá trình xây dựng thành công Luật Nhà giáo là quãng thời gian rất dài, với nhiều thách thức.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú
Bà Hoa cho rằng, đây là dự án Luật khó, tác động tới gần 1,6 triệu nhà giáo và trên 20 triệu người học, học sinh, sinh viên cả nước; nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội và cử tri. Do đó, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã xác định tinh thần xây dựng luật là quyết tâm cao nhưng thận trọng, lắng nghe nhiều bên.
Nhấn mạnh quyết tâm cao trong quá trình xây dựng Luật với tinh thần xuyên suốt: Xây dựng Luật để phát triển lực lượng nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn tin tưởng, Luật sẽ phát huy giá trị trong thực tiễn.
Theo Bộ trưởng, Luật là công cụ, không phải là đích đến và chúng ta đã có một công cụ sắc bén, chắc chắn để phát triển lực lượng nhà giáo. Đây là công việc liên tục, không ngừng nghỉ.
Tại hội nghị, 2 tập thể và 63 cá nhân đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT vì có nhiều đóng góp, tham gia xây dựng Luật Nhà giáo.
Nguyễn Hoài