Công bộc của dân - Kỳ 3: Vì Nhân dân phục vụ

Công bộc của dân - Kỳ 3: Vì Nhân dân phục vụ
6 giờ trướcBài gốc
Tuy chưa thể đi hết 65 xã, phường, đặc khu trong toàn tỉnh Khánh Hòa, nhưng ở những nơi đã đi qua, chúng tôi cảm nhận được tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt vì mục tiêu phục vụ Nhân dân. Ở các địa phương thể hiện tinh thần đại đoàn kết như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết “Sức mạnh của Đại đoàn kết” rằng: “Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã và đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các đơn vị hành chính, “sắp xếp lại giang sơn”, tổ chức không gian phát triển bền vững cho đất nước, tinh thần đoàn kết càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, chúng ta kiên quyết giữ vững và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là “mạch nguồn”, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, bảo đảm mọi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện triệt để, nhất quán, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất mọi nguyện vọng chính đáng của Nhân dân”. Đó cũng là niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân ở các địa phương trong tỉnh về một cấp xã mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Khát vọng xây dựng những vùng đất quê hương
Ngược ngàn lên vùng cao Khánh Sơn mùa này, trước mắt chúng tôi là những đồi sầu riêng bạt ngàn quả, chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Chúng tôi đến Đảng ủy xã Khánh Sơn, tuy đã hẹn trước nhưng gần 30 phút sau, ông Bùi Hoài Nam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã mới về trụ sở. Hỏi ra mới biết, do mưa to, gió lớn bất chợt từ tối hôm trước làm một số vườn sầu riêng trên địa bàn xã bị gãy cành, rụng quả rất nhiều nên từ sáng sớm, ông Nam đã cùng với lãnh đạo UBND xã chia nhau bám địa bàn để nắm bắt tình hình, chỉ đạo việc hỗ trợ người dân khắc phục, triển khai các phương án chống cành, cột quả để bảo vệ quả sầu riêng. Trong cái bắt tay chân tình, ông Nam bày tỏ: “Đã để các anh đợi lâu, nhưng việc của người dân gấp gáp nên tôi phải bám sát địa bàn…”.
Ông Bùi Hoài Nam (giữa) kiểm tra tiến độ dự án đập dâng Tô Hạp.
Ông Bùi Hoài Nam là cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, luân chuyển từ vị trí Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh để chỉ định giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn (trước sắp xếp đơn vị hành chính) nhiệm kỳ 2020 - 2025 kể từ đầu tháng 8-2024. Mặc dù chỉ mới gắn bó với vùng cao Khánh Sơn gần 1 năm nay nhưng với ông Nam, vùng đất lạ nay đã hóa thành quen. “Mục tiêu của toàn tỉnh là bước vào thập niên tăng trưởng hai con số, còn xã Khánh Sơn hướng đến mục tiêu “xã khá, xã giàu” bằng chính nội lực của mình. Trước mắt, tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh các công trình đầu tư công nhằm tạo nền móng về hạ tầng vững chắc cho xã; trên cơ sở quy hoạch vùng huyện Khánh Sơn trước đây, tính toán quy hoạch lại xã mới để tạo ra đường hướng đưa xã Khánh Sơn trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng” như tinh thần của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để trở thành “xã khá, xã giàu” thì số hộ khá, hộ giàu phải nhiều, do đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu các mô hình sản xuất hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để giúp các hộ vươn lên. Tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025 - 2030, tôi sẽ mạnh dạn đề xuất đại hội đặt ra thêm chỉ tiêu phấn đấu của xã về tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu” - ông Nam chia sẻ.
Cũng được đánh giá là một cán bộ trẻ, năng động, không ngại khó, ngại khổ, xông xáo với công việc, ông Trần Minh Thảo là cán bộ trưởng thành từ Báo và Phát thanh, Truyền hình Khánh Hòa, với chức vụ Phó Tổng Biên tập trước khi được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bắc Ninh Hòa. Trước khi đi nhận nhiệm vụ, ông đã tìm hiểu rất kỹ về địa phương. Ngày đầu tiên về xã, ông Thảo đi ngay đến từng thôn, nghe từng câu chuyện của người dân để hiểu rõ hơn về địa phương mình công tác. Xã Bắc Ninh Hòa có diện tích khá lớn, lên đến gần 237km², dân số hơn 32.000 người, địa hình vừa có đồi núi, vừa có biển nhưng kinh tế - xã hội chưa phát triển mạnh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Làm thế nào để xã Bắc Ninh Hòa mạnh về kinh tế, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên là điều mà ông Thảo đau đáu. “Ngay sau khi ổn định tổ chức bộ máy của xã, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào thiết lập cơ sở dữ liệu dân cư, địa giới hành chính, hồ sơ đất đai của xã; vạch ra định hướng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững; phát triển du lịch cộng đồng; tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển hạ tầng thiết yếu đồng bộ, nhất là điện, đường, trường, trạm, hạ tầng số… để từ đó nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Thảo cho biết.
Ngay từ những ngày đầu làm việc, bà Phan Hải Thoại - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Thắng đã có định hướng rõ ràng cho sự phát triển của địa phương. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; chú trọng công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người dân. Đồng thời, tôi rất mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ, đầu tư các công trình thiết yếu (giao thông, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng...) cho địa phương, góp phần hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí của đơn vị hành chính phường theo quy định" - bà Thoại nói.
Tiếp xúc lần đầu với ông Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, chúng tôi thực sự ấn tượng với điều ông trăn trở về hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Vĩnh Hải. Theo phân tích của ông Quế, Trung tâm Phục vụ hành chính công là bước đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Vì tầm quan trọng của Trung tâm Phục vụ hành chính công đối với hoạt động của chính quyền xã, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại xã Vĩnh Hải, ông Quế đã tiến hành rà soát lựa chọn vị trí thuận lợi nhất trong phục vụ người dân, doanh nghiệp để bố trí trụ sở, rà soát các nhiệm vụ phân cấp cho cấp xã trực tiếp giải quyết; lựa chọn những cán bộ đủ năng lực; bố trí phương tiện, trang thiết bị… để Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã vận hành trơn tru ngay từ ngày đầu tiên; đảm bảo không để chậm trễ, gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. “Xã Vĩnh Hải là nơi sẽ xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, là 1 trong 2 nhà máy của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là dự án năng lượng trọng điểm quốc gia, đã được Trung ương quyết định khởi động lại nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng để đưa đất nước phát triển, vươn mình vào kỷ nguyên mới. Với tầm quan trọng của dự án này, chúng tôi sẽ phối hợp tốt với các đơn vị liên quan, vận động nhân dân thực hiện công tác bàn giao mặt bằng để triển khai xây dựng nhà máy; việc này dứt khoát sẽ được thực hiện xong trong năm 2025”, ông Quế bày tỏ.
Mục tiêu là phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn
Có nghe, có thấy tận mắt những điều mà cán bộ từ cấp tỉnh và tương đương được Tỉnh ủy tin tưởng giao trọng trách Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã mới, chúng tôi càng hiểu các cán bộ đều nỗ lực với tinh thần phục vụ tốt nhất nhu cầu của Nhân dân theo lời quán triệt của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.
Chúng tôi tâm đắc với những chia sẻ của ông Bùi Hoài Nam rằng: “Cán bộ gần dân, sát dân sẽ nhận được sự tin yêu, đùm bọc của người dân nơi mình công tác. Từ đó, hoàn thành nhiệm vụ mà Tỉnh ủy đặt niềm tin, người dân đặt kỳ vọng vào bộ máy cấp xã mới. Đây là vinh dự, cũng là cơ hội để mỗi cán bộ thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của mình với một tâm thế, tầm nhìn mới; với tư duy đổi mới, quyết liệt trong hành động, lắng nghe nhân dân, vì nhân dân tận tâm phục vụ. Tôi tin, với tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ ở địa phương và đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của người dân, chúng tôi sẽ mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm… nỗ lực cho sự phát triển của địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã.
Còn ông Nguyễn Văn Quế chia sẻ, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh như Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 không phải dễ dàng. Hành trang giúp các cán bộ thêm vững tin trong thực hiện nhiệm vụ chính là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đây chính là kim chỉ nam, là sức mạnh tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết giúp các xã, phường mới phát huy tối đa sức dân, chăm lo cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn; chung sức “đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, nơi Nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc” theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
Là một cán bộ lão thành cách mạng, từng công tác, cống hiến cho sự phát triển của địa phương trước đây, ông Cao Đảm (ở thôn Xóm Cỏ, xã Khánh Sơn) theo dõi từng chuyển động ở địa phương mình, nhất là những ai sẽ được tin tưởng giữ các chức vụ chủ chốt để lãnh đạo xã Khánh Sơn trên bước đường mới. Ông Đảm tâm sự: “Bác Hồ từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, nên tôi đặt nhiều kỳ vọng vào lớp cán bộ trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm và dành tâm huyết cho sự phát triển của xã Khánh Sơn. Nhân dân trên địa bàn sẽ luôn tin tưởng, làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn ủng hộ những quyết sách đúng đắn của Trung ương, của tỉnh, ủng hộ lãnh đạo xã mới”.
Tại Hội nghị toàn quốc tập huấn về tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở cấp xã mới (diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-6), Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH chỉ đạo: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là “cuộc cách mạng”, do đó phải quyết tâm, quyết liệt và đồng lòng, đồng chí hướng, đồng bộ, đồng loạt, đồng thời. Đã là “cuộc cách mạng” thì sẽ có thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, vướng mắc, việc chuyển trạng thái thường có độ trễ, cần thời gian để thích ứng, thích nghi. Do đó, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không cầu toàn, không nóng vội mà phải kiên trì, kiên định, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; đã làm phải chắc thắng, không làm nửa vời và trên tinh thần thần tốc, táo bạo... Việc chuyển đổi trạng thái của bộ máy chính trị từ thụ động tiếp nhận, giải quyết sang trạng thái chủ động, kiến tạo giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy lần này. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bỏ cấp huyện thì công việc nhiều hơn, đối tượng, phạm vi quản lý rộng hơn, tính chất phức tạp hơn, nên các cấp ủy, chính quyền cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm phải cao, sát dân hơn, chủ động kiến tạo, phục vụ Nhân dân, cố gắng nhiều hơn. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là cấp cơ sở phải hết sức lắng nghe tiếng nói của người dân, doanh nghiệp, bám sát thực tiễn, tăng cường đi thực tế, hướng về cơ sở và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nhà nước quản lý thì phải chặt chẽ nhưng phải kiến tạo, kiến tạo để phát triển, giảm phiền hà cho người dân nhưng vẫn phải quản lý được.
NHÓM P.V
Kỳ 1: Tinh gọn bộ máy để phục vụ tốt hơn cho nhân dân
Kỳ 2: Bám dân, nắm chắc địa bàn
Kỳ 4: Chung sức, đồng lòng kiến tạo quê hương
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202507/cong-boc-cua-dan-ky-3-vi-nhan-dan-phuc-vu-58c2915/