Công chức, viên chức dôi dư có thể làm gì?

Công chức, viên chức dôi dư có thể làm gì?
2 ngày trướcBài gốc
Dù hiện nay, theo Bộ Nội vụ, chưa thống kê được số lượng cán bộ, công chức, viên chức có thể bị tác động bởi việc sắp xếp, tuy nhiên, những công chức như anh H. đang làm tại một cơ quan Nhà nước sẽ kết thúc hoạt động cũng có những tâm tư:
“Anh em đang tâm tư, chỉ muốn có công việc ổn định và phù hợp năng lực, nếu không làm ở đây thì làm chỗ khác hoặc ra làm ngoài”.
Ông Vũ Thanh Xuyên, Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng chia sẻ, ngay với cơ quan ông đang công tác, có những người chịu tác động hoặc tinh giản trong đợt này sẽ phải sẵn sàng cho những thay đổi, chuyển biến trong công việc:
“Đối với những người được tinh giản đợt này, ra khỏi khu vực công, nơi đang làm việc theo các quy định của Nhà nước, theo nhiệm vụ được giao thì chúng ta ra ngoài sẽ làm việc theo yêu cầu của nền kinh tế, của xã hội và theo mong muốn của mình”.
Ảnh minh họa: ChatGPT
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá, sẽ có một lượng lớn lao động từ khu vực công dôi dư sau quá trình tinh gọn và việc chuyển dịch bộ phận lao động này sang khu vực tư là cần thiết, giúp tăng cường nguồn lực lao động cho khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy vậy, dù khu vực kinh tế tư nhân có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng vẫn có những thách thức cho những người lao động nhiều năm gắn bó với khu vực công:
“Những người thực hiện các công việc giản đơn, không đúng ngành nghề thì việc tuyển dụng vẫn gặp khó khăn nên việc mỗi cá nhân tự mình vươn lên, thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh, thích ứng với điều kiện sản xuất của nền kinh tế là yếu tố quyết định đến việc họ được tiếp nhận ở những vị trí phù hợp, đúng ngành nghề đào tạo và đúng chuyên môn mà họ đã làm trong thời gian trước đây”.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta cần xác định, sau sắp xếp, tổ chức lại bộ máy từ Trung ương đến địa phương sẽ có một số lượng không nhỏ cán bộ, công chức không làm trong khu vực công nữa.
Bên cạnh chế độ để hỗ trợ về quyền lợi kinh tế cho những người bị ảnh hưởng này thì cần có giải pháp tổng thể nhằm tạo cơ hội cho những người không còn làm việc ở khu vực công có được công việc mới:
“Tôi tin rằng, những người dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, họ có những ưu thế và thuận lợi như có trình độ, năng lực, được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm thì khi di chuyển khu vực tư, họ cũng sẽ bắt kịp được yêu cầu công việc nhưng chắc chắn có sự cạnh tranh khi có số lượng không nhỏ người lao động từ khu vực công sang khu vực tư. Do đó, chúng ta cần quan tâm tới những người lao động yếu thế trong thời gian trước mắt”.
Ảnh minh họa: ChatGPT
Mặt khác, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội nêu ra đặc điểm, khu vực tư là khu vực mở, các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất để chào đón những người có năng lực. Đây cũng là môi trường làm việc tiềm năng cho những người lao động làm việc lâu năm ở khu vực công mà đến nay muốn phát huy tư duy cá nhân, tăng cường khả năng sáng tạo:
“Khu vực tư là khu vực mở, các chế độ lương thưởng, hậu mãi để thu hút lao động sẽ được tạo điều kiện tốt nhất, mọi việc đều đánh giá trên hiệu quả công việc. Khu vực tư nhân cũng cho phép thỏa sức sáng tạo, hỗ trợ cho người lao động phát huy khả năng sáng tạo, cổ vũ các ý tưởng mới và đẩy nhanh thời gian thực hiện, rất phù hợp cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm các tài năng chuyển từ khu vực công sang khu vực tư”.
Để giải quyết tốt bài toán nhân sự dôi dư, theo ông Lê Quang Trung - nguyên Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước tiên cần tiến hành đánh giá lại đội ngũ công chức, viên chức về khả năng và năng lực đến đâu nhằm xem xét các giải pháp phù hợp:
“Để họ có tiếp cận và đáp ứng được thị trường lao động trong bối cảnh thị trường đang rất cần những lao động có chuyên môn, có kinh nghiệm, hiểu biết về pháp luật. Đặc biệt, cần quan tâm tổ chức tốt các sàn giao dịch việc làm, làm tốt công tác thông tin về thị trường lao động để cung cấp thông tin cho người lao động có cơ hội lựa chọn công việc phù hợp”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cũng đề nghị, cần quan tâm, bổ sung các chính sách hỗ trợ cụ thể cho người ở khu vực công sẽ dôi dư hoặc chịu tác động trong thời gian tới:
“Trong các điều chỉnh của Luật Việc làm cần nói tới những lao động phải chuyển đổi việc làm để thiết kế các gói hỗ trợ chuyển đổi: họ cần đào tạo để chuyển đổi; thứ 2 là cần một số vốn để khởi nghiệp, cho họ được vay vốn, thứ 3 là hệ thống thông tin thị trường việc làm, tư vấn tạo việc làm, cần ưu tiên cho họ”.
Ảnh minh họa: ChatGPT
Ngoài những người xấp xỉ tuổi nghỉ hưu thì hầu hết công chức, viên chức dôi dư đều sẽ bắt đầu tìm kiếm công việc mới bởi họ còn tuổi lao động và còn nhiệt tình cống hiến. Do đó, cần có sự dịch chuyển phù hợp để tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của nền kinh tế.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Những cơ hội của nhân sự Nhà nước dôi dư
Thị trường lao động tới đây sẽ được cung cấp một lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, có chuyên môn cung ứng cho thị trường. Đây có thể xem là tác động tốt cho thị trường lao động để nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nguồn lao động cho nền kinh tế.
Quá trình sáp nhập, sắp xếp bộ máy ở một khía cạnh nào đó là cơ hội cho những công chức, viên chức làm việc lâu năm trong khu vực công dám dấn thân, rời bỏ khu vực công - nơi được cho là luôn an toàn, ổn định để có những bứt phá về công việc và cải thiện cuộc sống.
Còn với những người không muốn rời bỏ nhưng do sắp xếp mà phải ra đi thì trước tiên, việc tìm kiếm công việc mới trong khu vực kinh tế tư nhân phụ thuộc rất lớn vào khả năng linh hoạt, chủ động và thích ứng của bản thân người lao động đó.
Nhiều công chức, viên chức có thể cảm thấy e ngại, lo lắng vì sự khác biệt trong văn hóa làm việc, cơ chế lương thưởng hoặc áp lực công việc, nhưng trong bối cảnh này, mỗi cá nhân cần tìm cách để thích nghi, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế trong tâm thế cố gắng cao nhất để có việc làm.
Quan trọng là tâm thế chủ động của người lao động, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi, chuyển dịch việc làm; đồng thời tìm cách nâng cao, bổ sung cho chuyên môn, kỹ năng của bản thân. Khi có sức khỏe tốt, có kỹ năng và sự sẵn sàng thì dù ở đâu – khu vực công hay tư, người lao động cũng có khởi đầu mới với những công việc phù hợp.
Bên cạnh nỗ lực của cá nhân người lao động, rất cần những giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước, từ các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, trung tâm giới thiệu việc làm theo các giai đoạn cụ thể. Đầu tiên là giai đoạn đào tạo và nâng cao kỹ năng - đây là yếu tố then chốt để những công chức, viên chức có thể thích ứng với yêu cầu mới của thị trường.
Chương trình đào tạo nên tập trung vào các kỹ năng chuyên môn như các khóa học ngắn hạn giúp bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các ngành nghề đang có nhu cầu cao như công nghệ thông tin, logistics, sản xuất xanh, chuyển đổi số, thương mại điện tử.
Đồng thời, bổ sung các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian – đây là những kỹ năng mà các doanh nghiệp tư nhân đặc biệt coi trọng.
Giai đoạn 2 là kết nối người lao động với việc làm; việc kết nối có thể thực hiện qua nhiều kênh khác nhau như sàn giao dịch việc làm, hợp tác với các đơn vị đào tạo, giới thiệu lao động cho doanh nghiệp sau khi hoàn thành khóa học.
Đặc biệt là chính sách khuyến khích tuyển dụng như Nhà nước có thể hỗ trợ tài chính hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đào tạo lao động dôi dư từ khu vực công. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho người lao động tự tạo việc làm, khởi nghiệp, tự mở các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ.
Ảnh minh họa: ChatGPT
Giai đoạn 3 là hỗ trợ ổn định việc làm. Sau khi những lao động dôi dư tìm kiếm được việc làm thì vẫn cần có giải pháp hỗ trợ để người lao động từ khu vực công làm quen với công việc mới; tiếp tục tư vấn, định hướng nghề nghiệp giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong môi trường làm việc ở khu vực tư nhân, thậm chí có giải pháp hỗ trợ họ tiếp tục có những thay đổi, điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lao động nhằm kết nối thông tin giữa người lao động dôi dư với các tổ chức, doanh nghiệp ở khu vực tư nhân có nhu cầu tuyển dụng cũng cần sớm được triển khai. Hệ thống này không chỉ giúp cho người lao động dễ dàng tìm kiếm công việc mới mà còn giúp các đơn vị kinh doanh, các doanh nghiệp làng nghề, khởi nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn lực có trình độ và kỹ năng phù hợp chuyển dịch từ khu vực công sang.
Ngoài ra, cần tính tới việc tạo điều kiện để người lao động phát huy được năng lực chuyên môn mà họ tích lũy được trong khu vực công như các cán bộ có kinh nghiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đặc thù như giáo dục, y tế, tài chính, xúc tiến thương mại… giúp họ có điều kiện chuyển đổi công việc tới các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các hệ thống giáo dục, y tế tư thục hoặc các doanh nghiệp trong lĩnh vực tương ứng….
Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của người lao động, sự tham gia tích cực của các tổ chức, trung tâm dịch vụ việc làm thì việc giải quyết bài toán lao động dôi dư sẽ đem lại những hiệu quả cụ thể, đem đến những cơ hội công việc mới phù hợp cho một bộ phận công chức, viên chức.
Nguyễn Yên/VOV-Giao thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/cong-chuc-vien-chuc-doi-du-co-the-lam-gi-post1146858.vov