Công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi

Công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi
13 giờ trướcBài gốc
Sáng 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.
Các luật được công bố gồm: Luật Di sản văn hóa; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng; Luật Công đoàn, Luật Phòng chống mua bán người; Luật PCCC và CNCH; Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (1 luật sửa 9 luật).
Liên quan đến Luật Công chứng, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định việc sửa luật tiếp tục xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp; công chứng viên là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện.
Đối với công chứng viên, Luật quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng. Bổ sung quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp tại họp báo.
Đồng thời, Luật có quy định chuyển tiếp, theo đó công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm. "Đây là quy định rất mới", ông Tịnh nói.
Luật Công chứng sửa đổi lần này cũng bổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là công chứng viên thực hiện việc công chứng giao dịch.
"Như vậy, mặc dù được giao thực hiện một số việc chứng thực nhưng nếu công chứng viên không thực hiện việc công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì vẫn không được tính là hành nghề công chứng", ông Tịnh nêu.
Điểm mới khác được Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề cập là luật cho phép thành lập văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân ở các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh.
Danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân do Chính phủ quy định.
Luật cũng thay quy định về chuyển nhượng văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh của luật hiện hành bằng quy định về chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của văn phòng công chứng.
Đặc biệt, với các trường hợp chấm dứt tư cách thành viện hợp danh, bán văn phòng công chứng, chấm dứt hoạt động của văn phòng công chứng thì công chứng viên hợp danh hoặc trưởng văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân đều chỉ được tiếp tục hợp danh vào văn phòng công chứng khác hoặc làm trưởng văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân khác sau thời hạn ít nhất là 2 năm.
Luật mới cũng bổ sung một hình thức hành nghề mới là công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại phòng công chứng.
Luật Công chứng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025 và thay thế Luật Công chứng số 63/2015.
Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/cong-chung-vien-chi-duoc-hanh-nghe-cho-den-khi-tron-70-tuoi-20424122012003191.htm