Cảnh đổ nát tại Syria sau các cuộc giao tranh. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh này, công cụ quan trọng mà Mỹ có thể sử dụng không phải là bom đạn, mà chính là thương mại.
Kế hoạch tái thiết và ổn định Syria
Washington cần một chiến lược dài hạn để tạo điều kiện cho các khoản đầu tư nhằm ổn định Syria và ngăn chặn Nga tái thiết lập ảnh hưởng. Bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ và các đối tác quốc tế, Mỹ có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Nga tại Syria và ngăn chặn tham vọng của Moskva trong việc mở rộng quyền lực tại Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Thời điểm hành động là ngay lúc này. Mặc dù vị thế của Nga ở Syria đã suy yếu, nhưng nước này vẫn đang tìm cách củng cố sự hiện diện thông qua các cơ sở quân sự và quan hệ ngoại giao. Thủ lĩnh lực lượng đối lập Syria, ông Ahmed al-Sharaa, cũng đã nhấn mạnh mối quan hệ "chiến lược sâu sắc" giữa Nga và Syria.
Từ năm 2015, Nga đã can thiệp quân sự để bảo vệ chính quyền cũ tại Syria, đồng thời giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên của Syria như năng lượng, phốt phát và viễn thông. Nếu mất vị thế tại đây, Nga sẽ phải đối mặt với khoản thiệt hại hàng tỷ USD từ đầu tư và các khoản vay đã cấp cho chính quyền cũ.
Để đối phó với Nga, Mỹ cần bắt đầu từ các biện pháp trừng phạt. Chính quyền Washington đã áp dụng một mạng lưới cấm vận chặt chẽ với Syria. Hiện nay, dù việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt này cần nhiều năm, nhưng các cuộc thảo luận về miễn trừ và cấp phép đầu tư đang được tiến hành.
Ngày 6/1 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã nới lỏng một số biện pháp trừng phạt nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và đầu tư nước ngoài tại Syria. Mỹ cần phải giám sát các bước đi này nhằm đảm bảo Nga không thể lợi dụng để tiếp tục can thiệp, gây ảnh hưởng với Damascus.
Mỹ cũng cần hành động chủ động vượt ra ngoài phạm vi trừng phạt. Washington có thể hợp tác với Ukraine và các đối tác khác để hỗ trợ tái thiết Syria. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào nỗ lực này. Việc hỗ trợ Ukraine cung cấp lúa mì, vốn từng thuộc về Nga, sẽ giúp Mỹ lấp đầy khoảng trống trong chuỗi cung ứng của Syria và mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác như viễn thông.
Một khía cạnh khác mà Mỹ có thể làm là chiến dịch truyền thông để nâng cao hình ảnh và ghi nhận vai trò của mình tại Syria. Trước đây, Mỹ thường cung cấp viện trợ nhân đạo mà không bộc lộ nhằm tránh bị trả thù từ chính quyền cũ. Tuy nhiên, giờ đây, Washington cần đảm bảo rằng những nỗ lực của mình được ghi nhận, từ đó củng cố niềm tin của người dân Syria vào vai trò tích cực của Mỹ.
Cơ hội và thách thức
Không ai có thể phủ nhận rằng việc tái thiết Syria là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Tuy nhiên, Mỹ đã chứng minh khả năng cung cấp viện trợ hiệu quả cho Syria trong thời kỳ Tổng thống Assad còn nắm quyền, với hơn 17 tỷ USD viện trợ nhân đạo từ năm 2011. Giờ đây, khi Tổng thống Assad không còn, Mỹ có cơ hội lớn để đi xa hơn trong việc hỗ trợ tái thiết đất nước này.
Nga từ lâu đã hiểu rõ tầm quan trọng của quan hệ thương mại trong chính trị, thường xuyên cử các phái đoàn doanh nghiệp đi kèm quan chức cao cấp. Mỹ hoàn toàn có thể đánh bại Nga trong "cuộc chơi" này, từ đó lấy lại vị thế và ảnh hưởng tại Trung Đông.
Sự tín nhiệm của Mỹ đang bị đặt cược. Việc thất bại trong hỗ trợ Syria không chỉ khiến Mỹ mất đi ảnh hưởng ở Trung Đông mà còn làm tăng chi phí cho cuộc chiến tại Ukraine.
Hiện Mỹ có cơ hội để giúp Syria xây dựng một tương lai ổn định hơn, qua đó tái khẳng định vai trò của mình là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và một nhân tố không thể thiếu trong việc định hình trật tự toàn cầu mới.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo The Hill)