Xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Nguồn: TTXVN)
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát, đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai “thần tốc” để cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025.
Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đến ngày 11/5/2025, cả nước đã xóa được 209.000 căn nhà trên tổng số rà soát đăng ký đợt cuối cùng là 270.800 căn, trong đó khánh thành 111.000 căn, khởi công 98.000 căn (đạt 77%).
Đáng mừng là trong tháng Tư vừa qua, nhiều địa phương đã công bố hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhiều bài học kinh nghiệm cũng đã được chia sẻ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Ngay trước ngày nghỉ lễ 30/4 vừa qua, tỉnh Bình Phước đã chính thức công bố hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chương trình đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 765/765 căn nhà, sớm hơn 6 tháng so với quy định của Thủ tướng Chính phủ và sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho biết thành công của chương trình đến từ sự phối hợp hiệu quả, tinh thần đồng lòng, trách nhiệm và tình nghĩa giữa chính quyền và Nhân dân. Theo đó, sau khi Thủ tướng phát động chương trình, Bình Phước cũng đã phát động ngay phong trào thi đua 200 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình triển khai, tỉnh Bình Phước cũng gặp một số vướng mắc, chủ yếu là vấn đề đất đai. Bên cạnh đó, người dân sống trong những căn nhà của họ cũng không có sổ đất, nguồn gốc đất là đất ở nhờ, đất lâm phần, đất trùng với quy hoạch khoáng sản bauxite, nên trước đây không thể xây dựng được.
Trước những khó khăn, vướng mắc đó, bà Hạnh cho biết tỉnh Bình Phước đã đề ra các giải pháp vận động người thân tặng đất, làm giấy tờ, làm sổ đất cho các hộ dân sống nhờ người thân; vận động doanh nghiệp tặng, cho đất các hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó làm sổ đất cho người dân xây dựng nhà (mỗi sổ đất được khoảng 200m2, tách sổ riêng cho từng hộ).
Bà Hạnh cũng chia sẻ 4 bài học kinh nghiệm về việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đó là quyết tâm chính trị cao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ hai là công tác chỉ đạo quyết liệt, đeo bám công việc, thành lập các tổ công tác, phân công việc rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong ban chỉ đạo.
Bài học kinh nghiệm thứ ba là sự sáng tạo linh hoạt trong cách làm, căn cứ theo chủ trương của Trung ương về tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, đặc biệt trong việc thực hiện xây dựng nhà tiền chế trên đất quy hoạch bauxite sau đó giải quyết song song các thủ tục tiếp theo.
Cuối cùng là Bình Phước đã thực hiện công tác xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ quỹ đất cũng như các nhà tài trợ về đất, tiền để xây dựng nhà. Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động các ban, ngành, đoàn thể đóng góp ngày công lao động để có các căn nhà khang trang, sạch đẹp hơn.
Bàn giao nhà cùng với hỗ trợ đồ dùng thiết yếu
Qua 4 tháng triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với quyết tâm “chỉ bàn tiến, không bàn lùi,” đến ngày 25/4 vừa qua, Tây Ninh cũng đã hoàn thành, bàn giao nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa toàn địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là mục tiêu trọng yếu mà tỉnh đặt ra để thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và giải phóng tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, Tây Ninh đã xây dựng hai đề án trọng tâm, bao gồm: Đề án sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình chính sách; Đề án xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo. Tổng kinh phí cần để thực hiện hai đề án này là 58,7 tỷ đồng. Để đảm bảo đủ nguồn lực, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn địa bàn tỉnh.
Qua lễ phát động, 183 đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền 50,27 tỷ đồng, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ vận động khác. Nhờ đó, tỉnh Tây Ninh đã đảm bảo được nguồn lực triển khai thực hiện đầy đủ hai đề án đã đặt ra.
Đối với các trường hợp hộ không có đất, tỉnh Tây Ninh cũng đã chủ động bố trí quỹ đất công, xây dựng các khu dân cư mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, nước sạch và trang thiết bị thiết yếu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trực tuyến đến các địa phương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Theo tiêu chuẩn diện tích của Trung ương, mỗi căn nhà rộng 32m2, nhưng tỉnh Tây Ninh đã nâng diện tích lên 42m2 nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho các hộ dân. Khi bàn giao nhà, tỉnh còn tặng thêm các thiết bị gồm 1 tivi, 1 quạt điện, 1 nồi cơm điện, 1 bể chứa nước sạch và hệ thống xử lý nước đảm bảo an toàn trong sinh hoạt cho các hộ dân.
Trong quá trình triển khai, ông Hùng cho biết tỉnh Tây Ninh cũng rút ra một số bài học. Thứ nhất là có sự chủ động xây dựng, phê duyệt đề án ngay khi có chủ trương chỉ đạo từ Trung ương. Thứ hai là sự đồng thuận, huy động được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động quyết liệt của lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện đề án.
Thứ ba, tỉnh Tây Ninh đã thiết kế mẫu nhà thống nhất trên toàn địa bàn để đảm bảo các bộ phận triển khai thuận lợi. Thứ tư, tỉnh đã chủ động huy động và bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho triển khai từng giai đoạn.
Ngoài ra, tỉnh cũng linh hoạt, kịp thời xử lý các vướng mắc về đất đai, đảm bảo đủ quỹ đất phục vụ xây dựng.
Tạo sinh kế sau hỗ trợ nhà để ngăn tái nghèo
Trước ngày 30/4 vừa qua, tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức tổng kết Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 1.328 căn. Trong đó nhà dành cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ là 497 căn, nhà cho hộ nghèo và cận nghèo là 790 căn, hộ dân tộc thiểu số là 41 căn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết qua chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh đã chủ động bố trí khoản kinh phí triển khai. Trong đó, đối với các gia đình có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, nguồn kinh phí 22 tỷ đồng, tỉnh chủ động tạm ứng trong Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tỉnh cũng chủ động thực hiện với các nguồn lực khác để xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Qua triển khai, ông Ngời cho biết tỉnh Vĩnh Long cũng rút ra 3 kinh nghiệm.
Thứ nhất là ngay khi có chủ trương của Trung ương, tỉnh Vĩnh Long đã khẩn trương triển khai rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ. Thứ hai là thành lập Ban Chỉ đạo cả hệ thống chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cả người dân tham gia ủng hộ; vào cuộc rất quyết liệt, thực hiện theo kế hoạch, đề án và thành lập Ban Chỉ đạo để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Thứ ba là sự chủ động, linh hoạt, ví dụ vấn đề ứng kinh phí.
Ngoài ra, qua thực hiện Chương trình, tỉnh Vĩnh Long cũng nhận thấy sau khi xóa nhà tạm, nhà dột nát, vẫn có những hộ tái nghèo hoặc hộ nghèo phát sinh. Do đó, tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp tạo sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt chú trọng các hộ chưa đủ khả năng tự vươn lên trong lao động sản xuất, nhằm đề phòng nguy cơ tái nghèo sau khi đã được hỗ trợ nhà ở./.
Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, từ nay đến ngày 31/10/2025, cả nước cần khởi công xây dựng mới, sửa chữa trên 61.800 căn nhà tạm, nhà dột nát. Hiện các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn nhất là kinh phí hỗ trợ. Vì vậy cần điều chỉnh các nguồn kinh phí hợp lý để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát.
(Vietnam+)