Công điện số 8940/CĐ-BNN-ĐĐ của Bộ NNPTNT về việc ứng phó với mưa lớn khu vực Trung Bộ
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành triển khai một số nội dung ứng phó.
Công điện nêu rõ, trong các ngày từ 21-25/11/2024, các tỉnh miền Trung đã có mưa to đến rất to, tại Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 2.417mm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo từ đêm 25/11 đến 26/11/2024, khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi trên 300mm, riêng Thừa Thiên Huế có nơi trên 400mm; Hà Tĩnh, Quảng Bình có nơi trên 250mm; Quảng Nam, Quảng Ngãi có nơi trên 100mm.
Từ ngày 27-28/11/2024, khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có nơi trên 300mm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành triển khai một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tổ chức kiểm tra, xử lý, khắc phục sự cố, hậu quả do đợt mưa lũ vừa qua, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó với mưa lũ.
Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Văn bản số 8941/BNN-ĐĐ của Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với rét
Để chủ động ứng phó với đợt rét, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với rét.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 26/11/2024, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16-18 độ, vùng núi 12-14 độ, vùng núi cao dưới 10 độ.
Để chủ động ứng phó với đợt rét, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh:
Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến gió mùa Đông Bắc, rét và thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh;
Rà soát phương án ứng phó với rét; hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người.
Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác.
Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Quảng Trị yêu cầu vùng ven biển chủ động ứng phó với mưa lớn
Theo TTXVN, chiều 25/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ra Công điện về việc chủ động ứng phó với mưa lớn và gió mạnh trên biển.
Theo đó, các huyện ven biển, huyện đảo Cồn Cỏ được yêu cầu phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị khác theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của gió mạnh trên biển.
Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương trong tỉnh cần thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh với mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và gió giật mạnh có thể xảy ra.
Đồng thời tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; rà soát, chủ động bố trí lực lượng canh gác chốt chặn.
Đồng thời, nghiêm cấm, kiên quyết không cho người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn, trên sông suối, hồ chứa nước, nơi dễ sạt lở đất.
Sẵn sàng lực lượng, vật tư phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính và ngập úng cục bộ khu vực đô thị khi xảy ra mưa lớn.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành đảm bảo an toàn các hồ đập và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ xung yếu.
Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, từ chiều 25 đến chiều 27/11, tại tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Tổng lượng mưa phổ biến từ 60-150 mm, vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Tây Nam tỉnh có nơi trên 200 mm.
Khu vực trọng tâm mưa lớn có khả năng xảy ra là phía Nam tỉnh và vùng núi phía Tây Nam.
Trên các sông qua tỉnh Quảng Trị có khả năng xuất hiện đợt lũ, đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2. Riêng sông Ô Lâu ở mức trên báo động 2.
Nguy cơ ngập lụt tại vùng thấp trũng hạ lưu các sông, đặc biệt vùng thấp trũng lưu vực sông Ô Lâu. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối ở miền núi.
Vùng biển Quảng Trị gió Bắc đến Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-4m, biển động.
Thừa Thiên Huế ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó mưa, lũ
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Công điện số 10/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; Chủ các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 18/11/2024 đến ngày 25/11/2024, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt vùng núi phổ biến 500-800mm, có nơi cao hơn như Khe Tre (Nam Đông) 823mm, đỉnh Bạch Mã 2.997mm; mực nước sông Hương, sông Bồ đã lên trên mức báo động II.
Dự báo từ ngày 26-28/11/2024, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa, rải rác mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tiếp tục theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
- Tổ chức kiểm tra, kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, vùng ven sông, ven biển, cửa sông, ven phá (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…); triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày.
- Chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ.
- Tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai ảnh hưởng đến địa bàn quản lý.
- Thường xuyên báo cáo tình hình triển khai ứng phó mưa lũ về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban quốc gia ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
3. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tăng cường thời lượng, tần suất đưa tin cảnh báo, dự báo thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất phục vụ kịp thời cho lãnh đạo UBND tỉnh, cơ quan, đơn vị và người dân biết để chủ động ứng phó.
4. Sở Thông tin và Truyền thông có phương án bảo đảm an bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với mưa lũ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; chỉ đạo Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tăng cường đưa tin cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai, chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế mưa lũ tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên khi có thiên tai xảy ra.
6. Sở Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công: Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, cầu cửa Thuận An, …, triển khai phương án chống va trôi tàu thuyền, sà lan đang thi công ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu đường bộ, đường sắt xung yếu trên địa bàn tỉnh.
7. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ kiểm tra các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt; tiếp tục chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ cho các đợt mưa lớn trong những ngày tới; trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc và vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
8. Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi…, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện đề phòng lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, rút toàn bộ công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng cục bộ.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị rà soát, hoàn thiện kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai.
10. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức chỉ đạo, kiểm tra theo lĩnh vực phụ trách và địa bàn phân công để chỉ đạo, đôn đốc, các địa phương, đơn vị triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ.
11. Tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên cập nhật báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.
Học sinh toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nghỉ học vào ngày 25/11 do mưa, lũ
Trước tình hình mưa lũ, sáng 25/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày 25/11 để đảm bảo an toàn.
Do diễn biến lũ trên các sông ở Huế đang lên nhanh, vào lúc 5h ngày 25/11, mực nước sông Hương tại trạm Kim Long ở mức 2,88m, dưới báo động 3 là 0,62m. Sông Bồ tại Phú Ốc ở mức 3,65m, trên báo động 2 là 0,65m.
Theo dự báo, trong ngày 25/11, mực nước trên các sông tiếp tục lên, đỉnh lũ ở sông Hương và sông Bồ có thể đạt và vượt mức báo động 3, đề phòng ngập lụt diện rộng ở vùng hạ du.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo đến toàn thể giáo viên, học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào ngày 25/11.
Sáng sớm 25/11, các trường học, giáo viên đã kịp thời thông báo đến phụ huynh không đưa con em đến trường.
Quảng Ngãi: Khẩn trương triển khai ứng phó mưa, lũ và khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký Công văn số 6374/UBND-KTN hỏa tốc yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai ứng phó mưa, lũ và khắc phục các thiệt hại do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.
Văn bản nêu rõ, từ ngày 22/11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa rất to như Ba Điền: 766mm, Trà Thanh: 615mm, Ba Lế: 539mm, Ba Giang: 458mm, Ba Liên: 471mm, Hành Tín Tây: 356mm, Phổ Phong: 419mm, Đức Phong: 270mm, Hành Dũng: 271mm, Sơn Nham: 298mm. Lũ trên các sông Trà Câu, Vệ đang lên và ở mức rất cao; mực nước lúc 10h00 ngày 24/11/2024 trên sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 4,28m, dưới mức BĐ3: 0,22m; trên sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 6,16m, trên mức BĐ3: 0,66m.
Dự báo, đến chiều nay, lũ trên sông Trà Câu và sông Vệ tiếp tục duy trì ở mức cao dao động ở mức BĐ3 đến trên BĐ3.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng ngãi yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu trên khẩn trương trển khai các nội dung sau:
Khẩn trương huy động tối đa lực lượng di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thị xã Đức Phổ và huyện Nghĩa Hành: Khẩn trương huy động tối đa lực lượng tại chỗ, Đội xung kích Phòng, chống thiên tai cơ sở tiếp tục rà soát, kiểm tra kỹ các tuyến đường giao thông, các khu dân cư đang bị ngập sâu hoặc có nguy cơ bị ngập, thông báo, hỗ trợ người dân di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Đặc biệt lưu ý các khu dân cư thuộc các xã, phường ven sông Trà Câu như: Phổ Minh, Phổ Ninh, Phổ Văn; ven sông Vệ: Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện, Hành Thịnh,…; ven sông Phước Giang như: Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Minh,…
Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, ngập úng để kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn; nhất là các khu vực đã và đang sạt lở trên địa bàn các huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ.
Lưu ý các điểm đã xuất hiện vết nứt, vết sạt, trượt sườn đồi núi phải chủ động sơ tán người dân theo phương châm “đi sớm về muộn”.
Kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm
Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở,…) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa đã có biểu hiện nguy hiểm như: Hồ Ông Tới (huyện Mộ Đức), hồ Phượng Hoàng (huyện Bình Sơn),…; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, theo dõi và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Khẩn trương huy động lực lượng ứng phó mưa, lũ
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là các địa phương thuộc thị xã Đức Phổ, huyện Nghĩa Hành và các huyện miền núi triển khai công tác ứng phó mưa, lũ.
Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở để kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, hệ thống lưới điện, các khu khai thác vật liệu xây dựng (đất, cát).
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau lũ, nhất là các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công, mỏ vật liệu xây dựng, đặc biệt là công trình, mỏ trên sông, suối, ven biển, cửa sông, sườn dốc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người, thiết bị và công trình.
Tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến thời tiết, thiên tai, kỹ năng ứng phó mưa, lũ
Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi, Chủ các hồ chứa thủy điện tiếp tục theo dõi tình hình mưa, lũ, triển khai phương án vận hành hồ chứa theo đúng quy trình vận hành được duyệt và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến thời tiết, thiên tai, kỹ năng ứng phó mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động ứng phó.
Các sở, ngành, địa phương chủ động theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang thông tin về phòng, chống thiên tai của tỉnh gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai (https://csdlpctt.quangngai.gov.vn); Website của Ban Chỉ huy (https://pctt.quangngai.gov.vn); Trang Facebook Thông tin Phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi; các Nhóm Zalo liên quan và ứng dụng VRAIN, Windy,... để kịp thời triển khai ứng phó.
Nước lũ dâng cao nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt
Theo TTXVN, mưa lớn trong những ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Vệ đoạn qua huyện Nghĩa hành và sông Trà Câu đoạn qua thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã gây sạt lở chia cắt nhiều địa phương của hai huyện.
Chính quyền các địa phương đã huy động các lực lượng cấp tốc hỗ trợ người dân sơ tán nhằm đảm bảo an toàn.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ, nước lũ trên sông Trà Câu vượt báo động 3 khiến nhà ở của gần 90 hộ dân ở phường Phổ Minh, bị ngập từ 40cm đến 1,5m.
Do mưa kéo dài, nước lũ lên nhanh khiến nhiều hộ dân đã không kịp di dời tài sản, nhu yếu phẩm đến nơi an toàn.
Từ trưa 24/11, lực lượng chức năng thị xã Đức Phổ đã sử dụng các phương tiện vận chuyển mì tôm, nước uống hỗ trợ người dân, tiếp tục sơ tán người dân, di chuyển gia súc ra khỏi vùng lũ.
Chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời 15 hộ dân với 30 khẩu ở tổ dân phố 1, phường Phổ Minh đến nơi an toàn.
Ông Trần Ngọc Sang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ cho biết, đối với nhà ở các hộ dân ven sông ngập sâu 1,5m chính quyền địa phương đã sử dụng phương tiện buộc người dân phải di dời để đảm bảo an toàn.
Tại huyện Nghĩa Hành, nước sông Vệ dâng rất cao đã gây ngập chia cắt nhiều tuyến giao thông ở hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây.
Nước lũ cũng gây ngập tỉnh lộ 624B đoạn qua xã Hành Thiện 0,7m, ta-luy âm đoạn qua xã Hành Thịnh bị sạt lở và nguy cơ sạt lở sâu vào nền đường.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi đã cắt cử người phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương ứng trực không cho người và phương tiện qua lại khu vực nước sâu chia cắt, sạt lở.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, trước diễn biến của mưa lớn, nước lũ dâng cao, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến mưa trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó.
Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, các huyện miền núi Quảng Ngãi vẫn tiếp tục có mưa lớn.
Theo dự báo nước sông Sông Vệ trong chiều nay có thể lên khoảng 5,3-5,5m, trên báo động III khoảng từ 0,8-1m và gây ngập lụt diện rộng hạ du Sông Vệ thuộc các huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức.
TIN GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC
Hiện nay (25/11), bộ phận không khí lạnh mạnh đã báo đang tiến sát đến biên giới nước ta.
Dự báo diễn biến không khí lạnh trong 24 giờ đến 48 giờ tới:
Trên đất liền: chiều tối và đêm 25/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5.
Từ gần sáng và ngày 26/11, khu vực Đông Bắc Bắc Bộ trời chuyển rét; từ ngày 26/11 các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 16-18 độ, vùng núi 12-14 độ, vùng núi cao dưới 10 độ.
Khu vực Hà Nội: từ đêm 25/11 đến sáng 26/11, có mưa rải rác. Từ ngày 26/11 trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 16-18 độ.
Trên biển: từ tối và đêm 25/11, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,0-3,5m.
Từ đêm 25/11, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3,0-5,0m.
Từ chiều 26/11, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và vùng biển phía Bắc khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Dự báo chi tiết:
Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm: Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ chiều tối và đêm 25/11 đến sáng ngày 26/11, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rải rác. Từ đêm 25/11, ở Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội: Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Trời rét có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
TIN DỰ BÁO MƯA LỚN Ở KHU VỰC TRUNG BỘ
Ngày hôm nay (25/11), ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 07h đến 15h ngày 25/11 cục bộ có nơi trên 140mm như: Dương Hòa (Thừa Thiên Huế) 143.6mm, Cầu Truồi (Thừa Thiên Huế) 141.4mm, Lưu vực hồ Hòa Trung (Đà Nẵng) 161.6mm, …
Diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới: Từ chiều tối 25/11 đến chiều tối 27/11, khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm, riêng Thừa Thiên Huế từ 150-250mm, có nơi trên 500mm;
Từ đêm 25/11 đến chiều tối 27/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70-150mm, có nơi trên 250mm.
Từ ngày 26/11 đến chiều tối 27/11, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70-150mm, có nơi trên 300mm.
Dự báo chi tiết:
Cảnh báo: Từ đêm 27-28/11, khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1; riêng Thừa Thiên Huế cấp 2.
Dự báo tác động của mưa lớn: Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.