Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ
4 giờ trướcBài gốc
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH điện:
- Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định.
Bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại hết sức nặng nề trên toàn tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Theo thống kê, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 1.142.372 triệu đồng, trong đó diện tích lúa bị ảnh hưởng là 27.085 ha, diện tích rau màu bị thiệt hại là 1.671 ha; số lượng cây xanh bị thiệt hại do ngập nước là 3.819 cây, có 42.118 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, nhiều hồ nuôi cá, tôm, ngao bị hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2024 của tỉnh.
Thực hiện Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ (có gửi kèm theo). Để khắc phục nhanh hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp để khắc phục hậu quả bão số 3, thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân, trong đó chú trọng thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 957/UBND-VP3 ngày 27/9/2024 về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định
- Tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.
- Tập trung chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo định hướng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, đặc biệt là việc cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại các vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
- Tổ chức theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp, nhất là việc cung, cầu các mặt hàng nông nghiệp thiết yếu, giá cả vật tư đầu vào cho nông nghiệp trên địa bàn để chủ động có giải pháp bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi bất chính, thao túng tăng giá đột biến, bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
- Tăng cường công tác điều tra phát hiện, hướng dẫn địa phương và hộ sản xuất tự kiểm tra xác định các đối tượng dịch hại: Sâu đục thân hai chấm, rầy nâu cuối vụ, bệnh đạo ôn cổ bông… Tổ chức phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị; thu hoạch ngay đối với những diện tích lúa chín trên 80% nếu bị nhiễm rầy nặng.
- Khi lúa chín, tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động lực lượng, phương tiện thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh ảnh hưởng thiệt hại tới năng suất, chất lượng do mưa lớn gây ra.
- Các địa phương khẩn trương tranh thủ thời vụ, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây vụ Đông. Tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Tập trung phát triển sản xuất cây vụ Đông hàng hóa tại những địa phương có truyền thống sản xuất vụ Đông; mở rộng diện tích cây vụ Đông theo hình thức liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất từ khâu gieo cấy tới thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương
- Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ vừa qua; chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hương linh hoạt, hiệu quả, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là đảm bảo chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ.
- Rà soát lại kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp, xem xét đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương không bị ảnh hưởng đợt bão, lũ vừa qua để chủ động điều tiết, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trọng thời gian tới.
- Rà soát, tổng hợp, kịp thời phối hợp với các ngành, cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của các địa phương về hỗ trợ vật tư, hóa chất xử lý môi trường, giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để người dân khôi phục sản xuất. Hoàn thành trước ngày 05/10/2024.
4. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan: Chủ động, tích cực chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả các mặt hàng nông sản; kịp thời triển khai tham mưu các biện pháp điều tiết, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng đẩy giá, tiêu thị hàng giả, hàng kém chất lượng, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.
5. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan: Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện ngay theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ tài chính đối với các địa phương, đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, lũ, nhất là sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Các hộ nông dân, người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp,.. tiếp tục phát huy tự lực, tự cường, sáng tạo chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức khôi phục sản xuất kinh doanh; đồng thời góp ý, hiến kế cho các cấp chính quyền có giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả để chung tay khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
7. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục chủ động, tích cực huy động các nguồn lực tài chính và thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho người dân, địa phương bị ảnh hưởng theo quy định.
8. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Anh Dũng
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202409/cong-dien-cua-chu-tich-ubnd-tinh-ve-viec-tap-trung-chi-dao-trien-khai-cac-bien-phap-nhanh-chong-phuc-hoi-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-so-3-va-mua-lu-a50404e/